Thông tin được đưa ra hôm 25/5 trên Twitter của Cyrus Shahpar, giám đốc dữ liệu Covid-19 của Nhà Trắng. Như vậy, 50% dân số trưởng thành Mỹ đã tiêm hai liều vaccine Covid-19 của Moderna hay Pfizer-BioNTech, hoặc một liều cần thiết duy nhất của Johnson & Johnson.
Mỹ ghi nhận 33.941.202 ca nhiễm và 605.038 trưởng hợp tử vong vì Covid-19, tăng lần lượt 26.113 và 734 ca so với một ngày trước đó. Mặc dù là vùng dịch lớn nhất thế giới, Mỹ hiện dẫn đầu toàn cầu về tiêm chủng, với gần 50% trong tổng số 332 triệu dân đã tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19.
Tổng thống Joe Biden đặt mục tiêu 70% dân số trưởng thành được tiêm ít nhất một liều vaccine tính đến ngày Quốc khánh 4/7. Con số hiện tại là gần 62%. Tuy nhiên, chiến dịch tiêm chủng đang bị chậm lại do đối mặt với một bộ phận dân số ngần ngại tiêm vaccine.
Tình hình sức khỏe cộng đồng được cải thiện đã cung cấp năng lượng cho nền kinh tế Mỹ phục hồi 90% so với thời điểm trước đại dịch, theo Moody's Analytics. Ở một số nơi, tình trạng thiếu lao động là minh chứng cho thấy tốc độ mở cửa của Mỹ, dấu hiệu tỷ lệ thất nghiệp sẽ sớm giảm.
Một phụ nữ được tiêm vaccine Covid-19 tại thành phố bang Pennsylvania, Mỹ, hôm 18/5. Ảnh: Reuters.
Trong khi đó, thế giới đã ghi nhận 168.480.158 ca nhiễm nCoV và 3.498.319 ca tử vong, tăng lần lượt 526.208 và 12.184, trong khi 149.900.978 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 27.156.382 ca nhiễm và 311.421 ca tử vong, tăng so với hôm trước lần lượt 208.886 và 4.172 ca.
Theo thống kê của chính phủ nước này, tổng số ca nhiễm mới hàng ngày đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 6 tuần qua, thắp lên hy vọng làn sóng đại dịch thứ hai đang suy yếu dần. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo nước này có thể phải đối mặt đợt bùng phát thứ ba trong những tháng tới.
Bên cạnh đó, giới lãnh đạo cho biết tình trạng thiếu vaccine là một lo ngại lớn. Công tác triển khai vaccine chậm, nhiều người bỏ lỡ các mũi tiêm, hệ thống y tế quá tải và bệnh nhiễm trùng "nấm đen" hiếm gặp khiến cuộc chiến chống Covid-19 của Ấn Độ được cho là vẫn đầy cam go.
Trong khi dịch ở các thành phố có dấu hiệu cải thiện những ngày gần đây, virus đang gây thiệt hại lớn cho các vùng nông thôn rộng lớn của đất nước, nơi sinh sống của phần lớn dân số và điều kiện chăm sóc y tế hạn chế.
Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận 16.194.209 ca nhiễm và 452.031 ca tử vong, tăng lần lượt 73.073 và 2.005. Tình hình tại nước này dường như đã ổn định hơn, với trung bình 1.854 người chết vì Covid-19 mỗi ngày trong tuần qua, giảm mạnh so với con số hơn 3.000 hồi giữa tháng 4.
Tuy nhiên, số ca nhiễm vẫn tăng đều kể từ đầu tháng 5, lên mức trung bình 66.000 ca mỗi ngày trong tuần qua, khiến các nhà dịch tễ học lo ngại số người chết cũng chuẩn bị tăng trở lại. Với 215 trường hợp tử vong vì Covid-19 trên 100.000 dân, Brazil là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất châu Mỹ và là vùng dịch chết chóc thứ hai thế giới, sau Mỹ.
Chiến dịch tiêm chủng cũng chưa giúp ích gì cho Brazil, khi mới khoảng 20% trong tổng số 212 triệu dân đã tiêm liều vaccine Covid-19 đầu tiên, 9,9% tiêm đủ hai liều. Tình hình trở nên đáng lo ngại, khi Brazil đã ghi nhận những ca đầu tiên nhiễm biến chủng nCoV mới nguồn gốc từ Ấn Độ.
Pháp, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, báo cáo tổng cộng 5.609.050 ca nhiễm và 108.879 trường hợp tử vong, tăng lần lượt 3.155 và 203 trong 24 giờ qua. Số người đang điều trị trong các phòng chăm sóc tích cực là 3.447, giảm mạnh so với con số hơn 6.000 hồi cuối tháng 4.
Lệnh phong tỏa toàn quốc lần thứ ba của Pháp đang dần được nới lỏng và không có dấu hiệu cho thấy virus tái bùng phát. Từ hôm 22/5 đến 24/5, số trường hợp tử vong mới mỗi ngày giảm xuống dưới 100 ca, trong khi con số trung bình trong 7 ngày là 120, mức thấp nhất kể từ giữa tháng 10/2020.
Tại Đông Nam Á, Malaysia ghi nhận thêm 7.289 ca nhiễm mới và 60 ca tử vong, nâng tổng số ca lên lần lượt 525.889 và 2.369.
Kể từ ngày 25/5, các cửa hàng từ tiện lợi cho tới tiệm giặt là và trung tâm mua sắm tại nước này sẽ bị giới hạn thời gian được phép hoạt động từ 8h tới 20h mỗi ngày, thay vì đóng cửa lúc 22h như trước. Các trạm xăng dầu cũng chỉ hoạt động trong khoảng thời gian này, trừ những trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc.
Các quy định được đưa ra trong bối cảnh giới chức Malaysia hứng chỉ trích dữ dội vì không áp dụng những biện pháp hạn chế cứng rắn hơn, hoặc mạnh tay xử lý các trường hợp vi phạm hơn. Hệ thống y tế nước này đang chịu áp lực lớn vì số ca nhiễm mới tăng mạnh.
Theo số liệu từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Malaysia báo cáo ít ca nhiễm hơn so với Indonesia và Philippines, nhưng tỷ lệ lây nhiễm lại cao nhất Đông Nam Á, với hơn 16.000 ca/một triệu người.
Thái Lan báo cáo tổng cộng 135.439 ca nhiễm và 832 ca tử vong vì Covid-19, sau khi ghi nhận 3.226 người nhiễm và 26 người chết trong 24 giờ qua.
Giới chức Thái Lan hôm 23/5 thông báo sẽ siết kiểm soát biên giới sau khi phát hiện các ca nhiễm mang biến chủng B.1.351, lần đầu được ghi nhận ở Nam Phi, được cho là vì những trường hợp vượt biên trái phép. Nước này đang đương đầu với đợt bùng phát Covid-19 mới từ các cụm dịch trong nhà tù.
Thái Lan đặt mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số vào cuối năm, với chiến dịch dự kiến bắt đầu vào ngày 7/6 và chủ yếu sử dụng vaccine của AstraZeneca. Tuy nhiên, kết quả khảo sát của YouGov, tổ chức phân tích dữ liệu và nghiên cứu thị trường trụ sở ở Anh, cho thấy 66% người Thái Lan được hỏi tin vào loại vaccine này, kém hơn nhiều so với 75% tin tưởng vào vaccine Pfizer của Mỹ.
Cũng theo cuộc thăm dò, số người Thái Lan sẵn sàng tiêm vaccine Covid-19 vào tháng này là 63%, giảm mạnh so với mức 83% hồi tháng một và thấp hơn con số 66% ở Philippines.
Khi được hỏi quan điểm cụ thể về việc tiêm chủng ở Thái Lan, chỉ khoảng 57% người tham gia khảo sát cho rằng vaccine Covid-19 sẽ giúp phát triển khả năng miễn dịch và giảm thiểu tác động từ virus, trong khi 59% tỏ ra lo lắng về các tác dụng phụ của vaccine.
Theo vnexpress