Khách đến nhiều, sao doanh nghiệp vẫn "đói"?

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Võ Việt Hòa - Giám đốc khối du lịch quốc tế, Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist nêu thực trạng: Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam đang tăng trưởng mạnh, số liệu thống kê rất tốt nhưng các công ty lữ hành, công ty du lịch vẫn "đói" khách. Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý ngành du lịch phải có nghiên cứu kỹ trong số khách quốc tế đang đến Việt Nam, có bao nhiêu là khách du lịch thuần túy, bao nhiêu dòng khách có thể đem lại nguồn thu cho các doanh nghiệp du lịch.

leftcenterrightdel
 

Phân tích từ thực tế 3 thị trường truyền thống của Việt Nam khu vực Bắc Á, ông Võ Việt Hòa chỉ rõ: Thời gian qua, lượng khách Hàn Quốc đến Việt Nam tăng trưởng rất mạnh, song, các công ty lữ hành Việt Nam rất khó "chen chân" vào kinh doanh thị trường này, không thể cung cấp dịch vụ trọn gói mà cùng lắm cũng chỉ cung cấp được những dịch vụ nhỏ lẻ khá "xương xẩu". Do đó, lợi nhuận chủ yếu theo các đơn vị nước ngoài chảy về nước họ, du lịch Việt Nam không được hưởng lợi.

Đối với dòng khách Nhật Bản, thị trường này đến Việt Nam chưa tăng cao do người Nhật hiện đang thắt chặt chi tiêu. Đồng thời, Việt Nam không được xem là điểm đến hấp dẫn đối với khách Nhật. Họ sẽ ưu tiên đi Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore, Úc và các nước châu Âu. Tuy vậy, các chuyến bay từ Nhật về các thành phố ở Việt Nam lúc nào cũng đông. Điều này cho thấy có thể chủ yếu là đối tượng doanh nhân Nhật Bản tới Việt Nam làm việc, công tác, lượng khách du lịch không đông.

Riêng với thị trường Trung Quốc - dòng khách ruột lớn nhất của Việt Nam thời điểm trước dịch - phía Lữ hành Saigontourist chủ yếu khai thác dòng khách trung cấp, cao cấp và khách đi du thuyền. Sau 2 năm trông chờ, thị trường này không bùng nổ như kỳ vọng. Đến năm nay khi Trung Quốc có chính sách nới lỏng kiểm soát, khuyến khích người dân đi du lịch thì mới có kỳ vọng phát triển tốt hơn. Song, các dữ liệu từ thế giới cho thấy khách Trung Quốc cũng không còn xem Đông Nam Á là thị trường yêu thích như trước đây.

"Đông Bắc Á là thị trường thuận lợi nhất đối với du lịch Việt Nam nhưng hiện cũng có rất nhiều thách thức. Trong bối cảnh đó, để mở rộng nguồn khách, để du lịch mau chóng bứt phá, chúng ta cần những chính sách mạnh hơn. Cụ thể, chính sách visa cần hấp dẫn hơn nữa. Thái Lan, Malaysia, Singapore đã miễn visa cho Trung Quốc rồi. Các doanh nghiệp du lịch rất mong lãnh đạo ngành du lịch tiếp tục có tác động tới Chính phủ miễn visa cho các thị trường trọng điểm. Cùng với đó, đầu tư kinh phí cho các hoạt động xúc tiến mạnh mẽ, tham gia các sự kiện du lịch lớn của thế giới và thành lập các văn phòng xúc tiến du lịch tại các nước châu Âu, Mỹ, các nước ASEAN... để đi thẳng vào các doanh nghiệp, cơ quan báo chí, trực tiếp giới thiệu tới người tiêu dùng bản địa, hút khách tới Việt Nam" - ông Võ Việt Hòa đề xuất.

Chi phí cao nhất của du khách là vé máy bay

Chia sẻ với báo chí bên lề, bà Ngô Hương – Phó Tổng GĐ Kinh doanh và Marketing Công ty Cổ phần Vinpearl cho biết: Giai đoạn cuối năm 2023 – đầu 2024, du lịch Việt Nam chưa hồi phục ở mức như kỳ vọng nhưng vẫn có những bước tăng trưởng. Tuy nhiên, ngành du lịch vẫn gặp khó khăn lớn khi tình trạng chi phí máy bay quá cao so với thị trường; chưa tạo được sự cộng hưởng để kích cầu. Tiếp theo đó là do việc quảng bá, truyền thông điểm đến Việt Nam chưa được thúc đẩy và triển khai mạnh mẽ, đồng bộ.

"Hiện nay, tỉ trọng chi phí cao nhất của du khách khi đến Việt Nam là dành cho vé máy bay và di chuyển giữa các điểm đến. Điều này khiến du khách chuyển hướng ngay đến các điểm đến lân cận trong khu vực, có khí hậu, văn hóa tương tự nhưng quảng bá hấp dẫn hơn và chi phí được tính toán hợp lý hơn nhiều. Các địa phương du lịch nội địa cũng khó thúc đẩy dịch vụ hay tour tuyến liên kết khi chi phí di chuyển tăng cao", bà Hương nói và cho rằng, để có được cú "bắt tay" hiệu quả và thiết thực giữa du lịch - lữ hành – hàng không, cần có một nhạc trưởng chủ trì, đưa ra chương trình hành động kích cầu du lịch quốc gia rõ nét với vai trò cụ thể của từng bên, từ doanh nghiệp đến các bộ ngành, cơ quan quản lý, các địa phương... "Khi có chiến lược cụ thể, cân đối được chi phí – lợi nhuận và tăng trưởng bền vững trên qui mô toàn quốc, việc kích cầu du lịch sẽ có những bước tiến mới, Như vậy, Việt Nam mới chuyển mình mạnh mẽ, nâng cao vị thế về mọi mặt trên bản đồ điểm đến thế giới"- bà Hương nhấn mạnh

Để cạnh tranh với các điểm đến hấp dẫn trong khu vực; trở thành điểm "phải đến" của du khách quốc tế, bà Hương đề xuất: Cần xây dựng chiến lược quốc gia để kích cầu du lịch; tập trung hiện thực hóa các chiến lược hành động cốt lõi và cấp thiết nhất hiện nay. Đó là tạo hành lang chính sách giá vé hợp lý cho du khách trong nước và quốc tế - cạnh tranh trực tiếp với các điểm đến như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản…; Cục Du lịch, Bộ Văn Hóa truyền thông chủ trì, phát động chuỗi hoạt động quảng bá điểm đến đồng bộ, hấp dẫn tại các địa phương thế mạnh về du lịch và tập trung hướng đến thị trường du khách quốc tế trọng tâm; Tiếp tục thúc đẩy, tạo điều kiện phát triển các sản phẩm mới, đẳng cấp toàn cầu tại "những điểm nhất định phải đến của Việt Nam".

Chính sách lạc hậu, du lịch khó bứt phá

Cũng đặt câu hỏi vì sao khách đi Thái Lan đông, quay lại 4 - 5 lần trong khi số lượng khách quay trở lại Việt Nam rất thấp, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel nhận diện mấu chốt do các cơ chế chính sách cho ngành du lịch còn chậm, thiếu đồng bộ.

Cụ thể, chúng ta nói nhiều về visa nhưng tại các nước, chính sách về visa thay đổi rất nhanh, linh hoạt, phục vụ đúng nhu cầu của khách. Chính sách visa hiện nay có nhiều cố gắng thay đổi nhưng chưa linh hoạt bằng và vẫn chậm hơn các nước. Vấn đề quy hoạch cũng khá mơ hồ trong khi thực tế, nếu không có quy hoạch thì không thể làm kế hoạch được. Thái Lan xác định rõ họ muốn bao nhiêu khách ở thị trường nào, làm gì để đạt được mục tiêu đó. Nếu không làm rõ vấn đề quy hoạch cho từng thị trường, từng khu vực thì việc đầu tư sẽ rất dàn trải và tốn kém.

Mặt khác, vấn đề môi trường, sản phẩm du lịch cũng rất quan trọng. Chúng ta chưa có quy hoạch "vùng nan hoa", từ đó tạo kết nối, quy hoạch lại sản phẩm du lịch của các địa phương để hỗ trợ chứ không cạnh tranh nhau. Kết nối du lịch để tạo sản phẩm thì hạn chế nằm ở khâu liên kết không sâu và lỏng lẻo.

"Tóm lại, xác định du lịch là ngành du lịch mũi nhọn thì phải có những chính sách đồng bộ, cần ưu đãi, đầu tư mạnh cho chính sách đối với ngành du lịch" - ông Nguyễn Quốc Kỳ nêu vấn đề.

Trước những kỳ vọng của doanh nghiệp về chính sách thông thoáng hơn với du lịch, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng đây là những vấn đề đã nói rất nhiều, từ rất lâu nhưng sự chuyển biến chưa nhiều.

Theo ông Bình, năm 2023 Việt Nam đón hơn 12 triệu khách quốc tế, vượt mục tiêu 8 triệu khách; năm 2024 dù khó khăn nhưng có thể đón tới hơn 20 triệu khách quốc tế. Đây là những thành tích ấn tượng nhưng nếu so với tiềm năng và nhu cầu của ngành du lịch thì vẫn là con số khá thấp. Muốn thu hút khách phải có sản phẩm phù hợp. Muốn vậy, phải có chính sách thích hợp trong khi lâu nay, việc triển khai chính sách rất chậm và khó, khiến ngành du lịch gặp nhiều khó khăn.

"Các doanh nghiệp kỳ vọng mở chính sách visa nhưng để có được chính sách mới ban hành, ngành du lịch đã phải chờ đợi hơn 10 năm. Nếu muốn mở hơn thì có lẽ cũng phải chờ tiếp hơn 10 năm nữa. Rõ ràng, lạc hậu về chính sách thì sẽ luôn tụt hậu. Do đó, tôi cho rằng các đơn vị, doanh nghiệp hiện nay cần tận dụng triệt để những cái chúng ta đang có, khai thác mức cao nhất việc liên kết để tạo ra những sản phẩm tốt, mở rộng nguồn khách tới Việt Nam" - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nói.

Theo Thanh niên