Nghiên cứu khẳng định đối xử tốt với người khác có tác động tích cực đến sức khỏe của chúng ta

 

Nhóm nghiên cứu đến từ Đại học British Columbia (Canada) phát hiện, những người mua quà cho bạn bè, quyên góp cho tổ chức từ thiện, hoặc làm lợi cho người khác bằng số tiền được cung cấp có huyết áp giảm đáng kể so với những người tiêu tiền cho bản thân họ.
Hơn nữa, việc giảm huyết áp này hiệu quả tương tự như tác động của việc tập thể dục tần suất cao hoặc chế độ ăn uống lành mạnh.
Một nghiên cứu khác về những người lớn tuổi cho thấy, người hỗ trợ cho bạn bè, người thân, hàng xóm, vợ/chồng thì sống lâu hơn so với những người ít tham gia cống hiến cho xã hội, theo PT.
Hơn 10 nghiên cứu cũng đã chứng minh rằng công việc tình nguyện thường xuyên làm gia tăng tuổi thọ. Hành vi giúp đỡ cộng đồng có thể chống lại tác động tiêu cực do căng thẳng gây ra.
Bên cạnh đó, dù nhìn thấy bạn đời yếu đi là gánh nặng, gây stress và buồn phiền, nhưng giúp đỡ người phối ngẫu vẫn có tác động tích cực đến tuổi thọ của người chăm sóc. Một nghiên cứu quốc gia trên 3.000 người cho thấy, những người dành ít nhất 14 giờ/tuần để chăm sóc cho vợ/chồng của họ sống thọ hơn, theo PT.
Muốn sống vui, sống khỏe, sống thọ, hãy giúp đỡ người khác! - ảnh 1

Dù nhìn thấy bạn đời yếu đi là gánh nặng, gây stress và buồn phiền, nhưng giúp đỡ người phối ngẫu vẫn có tác động tích cực đến tuổi thọ của người chăm sóc

ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK

Chưa hết, nhóm nghiên cứu từ Đại học Tổng hợp Simon Fraser (Canada) phát hiện, nhóm chi tiêu cho người khác sẽ hạnh phúc hơn nhóm chỉ tiêu tiền cho bản thân họ. Điều này đúng trên khắp thế giới, từ Canada, Uganda, Nam Phi đến Ấn Độ.
Thậm chí ở một số nơi, mua đồ cho người khác dẫn đến cảm xúc tích cực hơn là mua cho chính mình. Điều này được chứng thực bởi các nghiên cứu thần kinh đã xác nhận, quyên góp từ thiện kích hoạt trung tâm khen thưởng của não. Do đó, tốt với người khác là liều thuốc tốt để cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần của một người, theo PT.
Tuy nhiên, cần lưu ý, cái gì quá cũng gây bất lợi. Nếu chỉ tập trung vào hạnh phúc của người khác, chúng ta có thể bỏ qua nhu cầu của chính mình. Giúp đỡ cần có chiến lược, như Adam Grant, chuyên gia về đóng góp vì xã hội tại Trường Wharton, Đại học Pennsylvania (Mỹ), nhắc nhở: “Có sự khác biệt lớn giữa làm hài lòng mọi người và giúp đỡ họ”.
Chúng ta nên chọn thời điểm và cách thức để giúp đỡ, thay vì hỗ trợ bất cứ ai yêu cầu ta bất cứ lúc nào, theo PT. Tìm kiếm sự cân bằng giữa giúp mình và giúp người là chìa khóa để chúng ta thật sự sống vui, sống khỏe, sống có ích và hạnh phúc.

 

Theo Thanh Niên