leftcenterrightdel
(Nguồn: Ảnh do AI tạo ra từ Bing Image Creator) 

Ngày 28/3, Chính phủ Mỹ công bố "các biện pháp bảo vệ cụ thể" khi các cơ quan chính phủ ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).

Động thái này diễn ra trong bối cảnh Washington tuyên bố sẽ đóng vai trò là hình mẫu cho "hành động toàn cầu" trong việc ứng dụng AI.

Trong một cuộc họp báo, Phó Tổng thống Kamala Harris đã thông báo các quy tắc do Văn phòng Quản lý và Ngân sách Nhà Trắng (OMB) soạn thảo.

Bà nêu rõ: “Khi các cơ quan chính phủ sử dụng các công cụ AI, chúng tôi sẽ yêu cầu họ xác minh rằng những công cụ đó không gây nguy hiểm đối với các quyền và sự an toàn của người dân Mỹ.”

Giải thích về điều này, Phó Tổng thống Mỹ lấy ví dụ một bệnh viện thuộc Cơ quan Quản lý cựu chiến binh sử dụng AI để chẩn đoán y tế. Theo đó, trước tiên, bệnh viện này cần phải chứng minh rằng kết quả chẩn đoán sẽ không bị sai lệch vì lý do dữ liệu đào tạo AI chỉ tập trung vào một chủng tộc và giới tính.

Bà Harris nhấn mạnh rằng tất cả các cơ quan liên bang Mỹ sẽ phải công bố một cách minh bạch danh sách các hệ thống AI mà họ sử dụng, đi kèm với các giải pháp quản lý rủi ro khi ứng dụng công nghệ này như theo dõi, đánh giá và kiểm tra tác động của AI đối với công chúng và giảm thiểu rủi ro phân biệt đối xử về mặt thuật toán.

Ngoài ra, tất cả các cơ quan liên bang tại Mỹ cũng sẽ phải chọn ra một “giám đốc AI” có chuyên môn để đảm bảo rằng công nghệ này được sử dụng một cách có trách nhiệm.

Theo kế hoạch, ngày 1/12 tới sẽ là thời hạn chót để các cơ quan thuộc chính phủ liên bang Mỹ áp dụng chính sách sử dụng AI nêu trên.

Nhà Trắng cũng đang có kế hoạch thuê 100 chuyên gia AI để thúc đẩy việc sử dụng AI một cách an toàn ở cấp độ liên bang./.

Theo vietnamplus