Tuần qua, các nhà lập pháp của Liên minh Châu Âu (EU) đã thông qua bước cuối cùng của luật kiểm soát AI. Đây là bước tiến mới kể từ khi EU đưa ra những quy định cơ bản đầu tiên để kiểm soát AI vào năm 2019.
|
|
Giới thiệu dịch vụ về AI tại một sự kiện công nghệ của Mỹ cuối năm 2023 |
Kiểm soát chặt chẽ
Dự kiến chính thức có hiệu lực từ tháng 5 hoặc 6 tới, đạo luật AI của EU trước nhất hướng đến bảo vệ người tiêu dùng nhằm kiểm soát những rủi ro có thể xảy đến.
Theo đó, những ứng dụng AI nào càng ẩn chứa nguy cơ lớn nếu rủi ro xảy đến thì càng bị kiểm soát chặt chẽ. Điển hình, việc ứng dụng AI trong quản lý các hệ thống cung cấp điện hay nước, vốn có ý nghĩa quan trọng trong cuộc sống, hay việc áp dụng AI trong dịch vụ y tế đều sẽ được kiểm soát chặt chẽ. Hay việc sử dụng các hệ thống nhận dạng sinh trắc học (RBI) của cơ quan thực thi pháp luật đều bị cấm, ngoại trừ trong các tình huống được liệt kê đầy đủ và có tính cá biệt.
Các hệ thống AI có mục đích chung (GPAI) và các mô hình GPAI làm nền tảng phát triển các hệ thống AI cũng phải đáp ứng các yêu cầu minh bạch nhất định. Những ứng dụng như ChatGPT của OpenAI hay Gemini của Google cùng nhiều dịch vụ ứng dụng AI tạo sinh khác bị điều chỉnh bởi quy định này. Đó là cần phải tuân thủ luật bản quyền của EU và báo cáo chi tiết về nội dung được sử dụng để đào tạo. Các mô hình GPAI mạnh hơn có thể gây ra rủi ro hệ thống sẽ có thể phải đáp ứng với các yêu cầu bổ sung, bao gồm thực hiện đánh giá mô hình, đánh giá và giảm thiểu rủi ro hệ thống và báo cáo về các sự cố.
"Nguy" và "cơ" của kỷ nguyên AI
Chia sẻ về lý do thông qua đạo luật trên, truyền thông quốc tế dẫn lời ông Dragos Tudorache, một nhà lập pháp nghị viện châu Âu và thuộc nhóm đứng đầu tiến hành việc đàm phán cho dự thảo luật, nhấn mạnh: "Đạo luật AI thúc đẩy tương lai của AI theo hướng lấy con người làm trung tâm, theo hướng con người kiểm soát công nghệ và nơi nó - công nghệ - giúp chúng ta thúc đẩy những khám phá mới, tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và giải phóng tiềm năng của con người".
Thực tế, AI được xem là một bước tiến công nghệ tạo ra tác động lớn đến nhân loại. Trong sự kiện Intel Foundry Direct Connect diễn ra cuối tháng 2 vừa qua tại TP.San Jose (bang California, Mỹ), AI được đánh giá là động lực then chốt tạo ra cuộc cách mạng cho ngành chip bán dẫn.
Phát biểu tại sự kiện trên, ông Pat Gelsinger, Tổng giám đốc (CEO) của Intel, nhấn mạnh sự chi phối toàn diện của AI đối với hầu hết các lĩnh vực. Qua đó, AI hiện diện từ các hệ thống nội bộ, dịch vụ chăm sóc khách hàng, điện toán đám mây, xe điện… Ông Gelsinger dẫn một số kết quả nghiên cứu dự báo tổng nhu cầu thị trường AI đạt đến 1.000 tỉ USD vào năm 2030. Cũng nhờ AI, kinh tế số đang chiếm tỷ trọng hơn 15% trong tổng nền kinh tế toàn cầu và sẽ tăng lên mức 33% vào năm 2030.
Tuy nhiên, ở chiều hướng ngược lại thì sự phát triển của AI đang kéo theo nhiều rủi ro. Cuối năm 2023, Tổ chức RAND (Mỹ) đã có báo cáo chỉ ra rằng việc AI tạo sinh thao túng mạng xã hội đã chuyển sang thế hệ thứ 3.
Theo đó, trong giai đoạn 3 hiện nay, việc sử dụng AI tạo sinh để thao túng dư luận đã đạt mức không chỉ lan truyền tin giả ở mức sâu mà còn nhờ vào tính chân thực cao hơn để dễ dàng thao túng người dùng. Một bước nhảy vọt về công nghệ giúp làm mờ ranh giới giữa những gì có thể được phát hiện là nội dung thực và nội dung tổng hợp, bởi không chỉ con người nói riêng mà còn thông qua phương tiện máy móc.
Ngược lại với thế hệ trước, bước tiến quan trọng ở đây nằm ở tính hợp lý của người đưa tin hơn là thông điệp. Cụ thể là khả năng của một mạng các trí tuệ nhân tạo dạng robot ảo (thường được gọi là bot) khổng lồ trông giống và hoạt động như con người, đồng thời tạo ra văn bản, hình ảnh cũng như video và âm thanh hỗ trợ tính xác thực cho thông tin của bot lan truyền. Trong đó, mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) dành cho AI là một cơ sở quan trọng cho bước tiến này.
Đó là lý do nhiều chuyên gia đã cảnh báo rằng nếu không kiểm soát hiệu quả quá trình AI phát triển bùng nổ thì có thể lợi bất cập hại.
Hồi tháng 10.2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp sâu rộng về AI, dự kiến sẽ phối hợp cùng các nền tảng luật pháp toàn cầu về AI. Ngoài ra, các nhà lập pháp của nhiều bang tại Mỹ đang nghiên cứu luật AI của riêng tiểu bang. Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề xuất Sáng kiến quản trị AI toàn cầu. Hay Brazil, Nhật Bản, cũng như các tổ chức như LHQ và G7 đang tiến hành xây dựng các luật về AI.
Theo Thanh niên