Theo tờ PR Times, ngành công nghiệp giải trí Nhật Bản đang bị kìm hãm các hoạt động bởi sự bùng phát của Covid-19. Hàng loạt nghệ sĩ thông báo nhiễm virus khiến những sự kiện âm nhạc, phim ảnh bị hủy bỏ. Tổn thất trong ngành giải trí được cho là 330 tỷ yên chỉ tính riêng ở Nhật Bản trong năm 2020. Hầu hết công ty giải trí đang phải đối mặt với vấn đề sinh tử.
Ngành giải trí thất thu nặng nề
Tờ Nikkei đưa trong cuộc họp báo tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia Nhật Bản vào cuối 2020, chủ tịch Hiroshi Yanai của Viện nghiên cứu Pia kêu gọi sự ủng hộ của công chúng. Ông nói: "Tôi muốn các bạn suy nghĩ về biện pháp hỗ trợ cho sự tồn tại của ngành công nghiệp".
JIJI đưa tin cuối tháng 7, các rạp chiếu phim và công ty liên hợp rạp chiếu phim bị ảnh hưởng nặng nề. Theo thống kê của Teikoku Databank, doanh số của thị trường rạp chiếu phim và cụm rạp chiếu phim năm 2020 ở mức khoảng 160 tỷ yên. Con số này chỉ bằng một nửa so với năm 2019 (310 tỷ yên) và đạt mức thấp kỷ lục trong 10 năm.
JIJI chỉ ra doanh thu của TOHO Cinemas (Toho) - cụm rạp lớn nhất Nhật Bản - năm 2020 giảm 50% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu của các công ty lớn khác như AEON CINEMA (AEON Entertainment, 32 tỷ yên), United Cinema (13,3 tỷ yên) và Toei's T Joy (11,6 tỷ yên) đều chỉ bằng khoảng 50% của năm trước.
Nagano Mei cùng nhiều nghệ sĩ Nhật Bản mắc Covid-19.
Doanh thu tại các rạp chiếu phim địa phương và rạp chiếu quy mô vừa, nhỏ giảm trung bình khoảng 20%.
Việc giảm doanh thu do các rạp phim thường phải đóng cửa trong mỗi đợt dịch bùng phát. AEON CINEMA đã tìm cách khắc phục bằng cách tăng cường thiết bị lọc không khí và lắp đặt các vách ngăn, triển khai rạp chiếu phim drive-in (rạp chiếu cho khách trên ôtô).
Tuy nhiên, chí phí đầu tư quá cao, tỷ lệ cạnh tranh giữa các rạp ngày càng gay gắt trong khi số khách đến rạp giảm khiến AEON CINEMA chưa thể đảm bảo doanh thu. Chưa kể, các rạp phải hạn chế kinh doanh đồ ăn, thức uống.
Với lĩnh vực âm nhạc, Hiệp hội Doanh nghiệp Âm nhạc Nhật Bản, Hiệp hội Quảng bá Hòa nhạc và Hiệp hội các nhà xuất bản Âm nhạc Nhật Bản đã lần lượt bị hủy bỏ do ảnh hưởng của Covid-19, theo tin tức tờ Skream đăng ngày 10/7. Trước đó, hàng loạt sự kiện như Rock In Japan Festival 2021, Arabako Rock Fest… cũng buộc hủy bỏ.
Giáo sư Lester Smith, Đại học Bang Washington - tác giả cuốn Tương lai của ngành giải trí năm 2020-2029 - nhận định virus có thể đẩy ngành công nghiệp giải trí và truyền thông đến bờ vực diệt vong.
Tờ Nikkei trích đăng cuốn sách với nội dung: “Các mảng kinh doanh cốt lõi là âm nhạc, sân khấu và thể thao đều không thể trụ vững. Rạp hát và các địa điểm sản xuất kinh doanh video, phim ảnh buộc phải đóng cửa hoặc thu hẹp quy mô do biện pháp phòng chống lây nhiễm, đồng thời chuỗi cung ứng bị chia cắt. Thiệt hại trên thị trường toàn cầu ước tính lên tới 16-17.000 tỷ yên và sự phục hồi dự kiến mất ít nhất 2 năm”.
Lester Smith chỉ ra ngành công nghiệp giải trí đang ở bước ngoặt lớn nhất từ trước đến nay. Một nhóm các công ty sản xuất phim ảnh, phát thanh truyền hình và âm nhạc đang sụp đổ.
Nhiều rạp chiếu phim giảm doanh thu vì ảnh hưởng của Covid-19.
Kêu gọi sự ủng hộ từ cộng đồng
Theo Nikkei, ngành công nghiệp giải trí đã tìm ra lối đi mới và khéo léo tồn tại bất chấp sự bùng nổ của dịch bệnh. Các dịch vụ cung cấp âm nhạc và video trực tuyến cho người tiêu dùng đã tăng đáng kể và tạo ra những bước đột phá to lớn ngay cả khi đối mặt với Covid-19.
Ngoài ra, việc kéo dài thời gian làm việc tại nhà thúc đẩy sự phát triển của mảng kinh doanh đặt hàng qua thư.
Sự hợp nhất của ngành truyền thông với giải trí, viễn thông đang phát triển nhanh chóng. Mô hình kinh doanh thay đổi trong vòng chưa đầy một năm. Trong tương lai, các công nghệ tiên tiến như 5G, IoT và AR/ VR mang lại nhiều thay đổi trong mô hình kinh doanh của ngành giải trí.
JIJI trích đăng thống kê của GEM Partners - công ty cung cấp dịch vụ tiếp thị cho ngành giải trí. Theo đó, thị trường phân phối video tỷ lệ phẳng (SVOD) vào năm 2020 đạt 323,8 tỷ yên, tăng hơn 30% so với năm trước. Bộ Nội vụ và Truyền thông chỉ ra nhu cầu chi tiêu cho các dịch vụ video dạng tải xuống trong các hộ gia đình có từ 2 người trở lên tăng nhanh so với trước khi Covid-19 bùng phát.
Bài viết của PR Times chỉ ra chìa khóa cho sự tồn tại lâu dài của ngành công nghiệp rạp chiếu phim là làm thế nào để tạo khác biệt, thúc đẩy sự hấp dẫn và tăng tần suất truy cập của người xem qua dịch vụ phát video.
Nhiều nghệ sĩ tham gia dự án của Roland Corporation.
Trải nghiệm phim với rạp chiếu cao cấp như phim 3D sẽ giữ chân người dùng hiện tại và thu hút khán giả mới. Tuy nhiên, gánh nặng đầu tư cũng nặng nề đối với các cụm rạp. Đặc biệt trong bối cảnh các rạp suy giảm lợi nhuận do ảnh hưởng của Covid-19. Trọng tâm lớn nhất trong thời gian tới là mỗi rạp phải đưa ra chiến lược để thu hút khách hàng.
Theo NHK, Yasuhiro Kikuchi - chủ rạp chiếu phim mini Cinema Cat ở Ome, Tokyo - phải trang trải chi phí xây dựng rạp chiếu phim bằng kinh phí riêng và trợ cấp quốc gia. Ngoài ra Yasuhiro Kikuchi phải huy động vốn từ cộng đồng. 5 triệu yên đã được thu về từ hơn 400 người, 60% trong số đó là cư dân của Ome.
Quá trình khai trương rạp chiếu phim gặp nhiều khó khăn bởi dịch bệnh bùng phát. Chính quyền yêu cầu các rạp chiếu phim đóng cửa, Cinema Cat không ngoại lệ. Cinema Cat được lên kế hoạch khai trương vào đầu tháng 5 nhưng bị trì hoãn sang tháng 6.
Trong lĩnh vực âm nhạc, các nhà sản xuất đang hướng đến sự kiện được tổ chức trực tuyến. Roland Corporation từ cuối năm 2020 đã tổ chức nhiều sự kiện âm nhạc trực tuyến. Thông qua sự kiện, đơn vị này kêu gọi công chúng ủng hộ và hỗ trợ ngành công nghiệp âm nhạc. Sự kiện nhận được sự hưởng ứng của khán giả và nhiều nghệ sĩ nổi tiếng.
Đơn vị hướng tới số tiền 2 triệu yên để ủng hộ cho Music Cross Aid (Quỹ hỗ trợ công nhân giải trí trực tiếp) trước ngày 31/12.
Theo Zing