Nằm cạnh dòng sông lớn nhất Trung Quốc, bao quanh là những ngọn núi xanh, làng Hejiaba thu hút lượng lớn du khách ghé thăm hàng năm, trước đại dịch. Tuy nhiên, du lịch không phải là nguồn thu chính của người dân nơi đây. Ước tính làng thu về khoảng 20 triệu nhân dân tệ (hơn 3 triệu USD) một năm từ kinh doanh đá trang trí. Những gia đình thu nhập cao có thể kiếm hơn 100.000 nhân dân tệ một năm.

Điều khiến đá sông ở làng Hejiaba trở nên nổi tiếng với các nhà sưu tập chính là những hoa văn độc đáo. Dù vậy, tìm kiếm những viên đá quý hiếm, có giá trị kinh tế cao không hề dễ dàng giữa bãi đá rộng hơn 1.200 hecta bên bờ sông trải dài gần 10 km qua làng.

                                              Những viên đá có giá trị phải có hoa văn độc đáo. Ảnh: Pear

Không phải mọi viên đá ở sông đều có giá trị cao, nhiệm vụ của những người sàng lọc đá là tìm ra những thứ đáng tiền nhất. Những người làm công việc chọn đá này thường là đàn ông trên 30 tuổi, nhanh nhạy với xu hướng của thị trường. Họ chọn những viên đá tốt nhất, rửa sạch và rao bán.

Một số cư dân trong làng Hejiaba còn trở thành chuyên gia tìm kiếm đá. Những hòn đá lạ cần được trang trí và đặt tên để đẩy giá trị lên cao nhất. Thậm chí, vài người còn tìm hiểu văn hóa và dấn thân vào con đường sáng tác văn học. Những viên đá giá trị nhất có thể bán với giá hàng nghìn, hoặc vạn nhân dân tệ. Một viên đá có tên "Thục đạo gian truân" từng được bán với giá 100.000 nhân dân tệ (15.400 USD).

Người ta cho rằng, dân làng Hejiaba biết chơi đá cảnh từ rất lâu, tuy nhiên ngành kinh doanh đá chỉ hình thành từ năm 2003. Đó là thời điểm một cặp vợ chồng từ nơi khác vô tình tìm thấy những viên đá đẹp tại làng Hejiaba, nhặt đem về và rao bán với giá cao. Nghề buôn bán đá sông bắt đầu từ đó.

Hejiaba có thể không phải ngôi làng duy nhất tọa lạc bên bờ Dương Tử, nhưng đá trôi dạt vào đoạn sông chảy qua làng nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác. Nhờ thế, Hejiaba tạo được danh tiếng riêng, và đá cảnh trong vùng cũng có giá cao hơn những nơi khác.

Hàng năm những viên đá mới theo dòng Dương Tử trôi dạt vào bờ gần làng Hejiaba. Từ tháng hai đến tháng tư, khi sông vào mùa cạn, người dân lại đổ đi tìm những hòn đá hiếm. Chừng nào sông Dương Tử vẫn còn chảy và nhu cầu chơi đá cảnh còn cao, việc buôn bán đá trên sông vẫn tiếp tục phát triển.

                  Rất nhiều những người đam mê sưu tập đá ở khắp Trung Quốc đã đổ xô về làng Hejiaba. Ảnh: Pear

Theo vnexpress