Theo báo cáo “Tương lai tuyển dụng 2023”, mạng xã hội nghề nghiệp LinkedIn cho biết, doanh nghiệp toàn cầu có xu hướng tìm kiếm ứng viên dựa trên kỹ năng thực tế của họ. 20% quảng cáo việc làm tại Mỹ không cần bằng đại học, tăng từ khoảng 15% năm 2021. Sự chuyển dịch này sẽ ngày càng rõ nét trong 18 tháng tới khi 75% chuyên gia tuyển dụng xem kỹ năng là ưu tiên hàng đầu.
Theo nghiên cứu gần đây của ZipRecbeaner, số lượng công việc không yêu cầu bất kỳ bằng cấp nào đã giảm dần kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19. Điều này tạo cơ hội mới cho những người bỏ học đại học để có được những công việc có tính cạnh tranh và lương cao.
Báo cáo của LinkedIn cũng chỉ ra rằng, 92% lãnh đạo doanh nghiệp tại Mỹ nhìn nhận kỹ năng quan trọng hơn bao giờ hết. Theo đó, những kỹ năng được săn đón nhất trong các quảng cáo tuyển dụng từ tháng 11/2022 tới nay là giao tiếp, linh hoạt, đạo đức nghề nghiệp, nhận thức xã hội và tự quản lý. Những công ty trước đây sở hữu tiêu chí tuyển dụng nghiêm ngặt và khắt khe cũng đang đi theo xu thế. Chẳng hạn, IBM, Accenture, Dell, Bank of America, Google, Tesla nằm trong số các hãng tăng cường tuyển dụng theo năng lực. Từ năm 2021, một nửa số việc làm tại IBM ở Mỹ không còn yêu cầu bằng cấp nữa.
|
Nhiều việc làm tại IBM không còn yêu cầu bằng cấp |
Khi Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây nhắc đến hàng trăm tỷ USD được đầu tư vào ngành sản xuất của Mỹ trong 2 năm qua, ông nhấn mạnh các nhà máy mới ở Ohio có thể cung cấp hàng nghìn việc làm với mức lương 130.000 USD/năm và nhiều công việc không yêu cầu bằng đại học.
Ngay sau đó, Josh Shapiro - Thống đốc bang Pennsylvania, Wes Moore - Thống đốc bang Maryland có kế hoạch mở cửa việc làm của bang cho những người lao động không có trình độ đại học.
Sau nhiều thập kỷ ưu tiên việc học đại học, Đảng Dân chủ đang nỗ lực thúc đẩy các chính sách giúp đỡ hơn 70 triệu công nhân Mỹ chưa tốt nghiệp đại học. Báo cáo chỉ ra các cuộc khảo sát sử dụng lao động cho thấy những người lao động không có bằng cấp thường được coi là có năng suất làm việc tương đương với những người có trình độ đại học. Họ cũng ít có khả năng thay đổi nhân sự và ít tốn kém hơn cho các công ty tuyển dụng. Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng lạm phát bằng cấp đặc biệt có hại đối với những người xin việc là người da đen và gốc Tây Ban Nha vì họ ít có khả năng có bằng đại học hơn những người nộp đơn da trắng.
Một công ty lớn tập trung vào lạm phát bằng cấp là Opportunity@Work đã nghiên cứu và chỉ ra rằng, hơn 5 triệu công nhân không có bằng đại học đã làm những công việc được trả ít nhất 77.000 USD/năm. Điều này chứng tỏ “bằng cử nhân không phải là con đường duy nhất để đạt được kỹ năng để có mức lương cao hơn”.
Đến năm 2030, Cục Thống kê Lao động Mỹ dự đoán rằng, khoảng 60% tổng số việc làm mới trong nền kinh tế sẽ thuộc những ngành nghề không yêu cầu bằng cao đẳng, bằng cử nhân hoặc bằng tốt nghiệp.
|
Một nhân viên bán hàng |
Andrew Seaman, biên tập viên quản lý cấp cao về việc làm và phát triển nghề nghiệp tại LinkedIn News, cho biết: “Nhiều công ty đang xem xét lại cách họ tuyển dụng các vị trí nhân sự, ưu tiên các kỹ năng mềm như giao tiếp và lãnh đạo hơn là trình độ học vấn của ứng viên. Có rất nhiều kinh nghiệm sống quý giá mà một người có thể mang đến cho công việc nhân sự và ngày càng có nhiều công ty cung cấp các chương trình đào tạo và cấp chứng chỉ để lấp đầy mọi khoảng trống về kỹ năng”.
Theo thoidai