Biết buông bỏ sĩ diện đúng lúc, sẽ tránh được tai họa
Nhà văn Junichi Watanabe - cây đại thụ của văn đàn Nhật Bản từng bị nhiều nhà xuất bản từ chối ngày mới vào nghề. Đối mặt với nỗi xấu hổ, tủi nhục sau nhiều vấp ngã, nhưng ông chưa từng bỏ cuộc. “Có thể do họ chưa hiểu rõ về tác phẩm của mình thôi”, đại văn hào tự an ủi bản thân.
Việc tích cực hóa vấn đề giúp Junichi Watanabe lấy lại tâm trạng và bắt đầu lại việc sáng tác. Cuối cùng, những kiệt tác của làng văn học do ông chắp bút đã ra đời, trong đó thành công nhất phải kể tới Đèn không hắt bóng và Thiên đường đã mất.
Cùng thế hệ của Junichi Watanabe có một nhà văn triển vọng – Ngài O. Cũng giống như Watanabe, giai đoạn đầu khi bắt đầu cầm bút, ông không được các nhà sản xuất tin tưởng. Bị từ chối hết lần này đến lần khác, ngài O chìm trong buồn bã và suy sụp. Ông không thoát khỏi được bóng đen của sự thất bại.
Trong một lần tâm sự với Watanabe, ngài O thở dài, nói: “Tôi thấy thật mất mặt, tôi không còn động lực để tiếp tục nữa”. Watanabe cố gắng động viên O, khuyên ông hãy đến gặp biên tập, nhờ họ chỉ ra sai sót để hoàn thiện bản thân. Trước đề nghị này, ngài O từ chối vì xấu hổ.
Không buông bỏ được thể diện, ngài O không có cách thoát khỏi nỗi sợ hãi về việc vấp ngã. Từ một nhà văn trẻ đầy triển vọng, ông đánh mất vị trí của mình trên văn đàn Nhật Bản khi chưa kịp để lại nhiều dấu ấn.
Bộ phim Bá vương biệt cơ từng có một câu thoại kinh điển: “Là con người, phải biết tự mình tác thành cho chính mình”. Đưa con người đến với thành công là năng lực, không phải thể diện. Cái giá phải trả cho những phút giây nở mày nở mặt trong chốc lát đắt vô cùng. Đó là thời gian, tiền bạc, là những phút giây thanh thản hay thậm chí là tương lai của chính bản thân.
Muốn thành công, phải học cách buông bỏ sĩ diện
Trong cuộc sống, không ai là không có sĩ diện. Nhưng con người hơn nhau ở chỗ có dám buông bỏ sĩ diện hay không. Có người chấp nhận “mất mặt” để thực hiện cái lớn lao. Có người vì sĩ diện hão mà hành hạ chính bản thân mình.
Trong cùng một môi trường làm việc, người dám hạ mình học hỏi mới là người chiến thắng. Nếu chỉ vì sợ bị coi thường, sợ bị đem ra làm trò cười mà giấu đi thiếu sót, không chịu tìm tòi thì đến cuối cùng, bạn vẫn chỉ là người trắng tay mà thôi.
Đừng để bệnh sĩ diện phá hỏng tương lai của chính bản thân. Đưa người ta đến với thành công là năng lực chứ không phải mặt mũi. Việt vương Câu Tiễn từng chịu đủ đắng cay tủi nhục mới chờ được đến ngày trả thù Ngô vương. Lưu Bị từng bỏ hết mặt mũi, đích thân ba lần đến lều cỏ mới mời được Gia Cát Lượng xuất núi để cùng ông mưu tính chuyện đại sự.
Nhiều người cho rằng thể diện là người khác cho mình. Nhưng thực ra, thể diện là do năng lực của chính mình đổi lấy, không phải đến từ bất kỳ ai. Bạn càng có thực lực, người khác sẽ càng xem trọng bạn. Ngày bạn có dũng khí buông bỏ được sĩ diện, chính là lúc bạn đang mở ra một cánh cửa mới cho chính bản thân mình./.
Theo VOV