Thông tin trên được ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài Chính) đưa ra chiều 27/5, một ngày sau khi Thủ tướng có quyết định thành lập quỹ vaccine.
Theo đó, tài khoản nhận chuyển khoản của Quỹ vaccine Covid-19 sẽ được mở tại các ngân hàng thương mại lớn và người dân, doanh nghiệp có thể chuyển khoản trực tiếp thay vì qua Bộ Y tế như hiện nay.
Bộ Tài chính sẽ công khai việc đóng góp của người dân, doanh nghiệp, có thể dưới hình thức công bố trên trang mạng của Kho bạc Nhà nước hoặc Bộ Tài chính. Quỹ vaccine chỉ phục vụ hai mục tiêu là mua vaccine Covid-19 hoặc hỗ trợ sản xuất vaccine trong nước.
Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, cơ quan này đang khẩn trương dự thảo quy chế hoạt động của quỹ. Dự kiến muộn nhất vào đầu tuần sau, Bộ sẽ ban hành quy chế hoạt động quỹ và xin ý kiến thêm của Bộ Y tế, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để hoàn thiện, nếu cần thiết.
Bộ Y tế chủ trì tổng hợp nhu cầu mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất và sử dụng vaccine Covid-19, trình Thủ tướng quyết định để Bộ Tài chính xuất chi quỹ.
Vaccine là dạng thuốc đòi hỏi kiểm định chặt chẽ về mặt chất lượng và có độ khan hiếm rất cao. Các doanh nghiệp mua với số lượng lẻ rất khó tiếp cận với nguồn này, do đó, việc mua vaccine được thực hiện tập trung qua Bộ Y tế.
Nghị quyết của Chính phủ cũng đã xác định 9 nhóm đối tượng được tiên tiêm phòng trong thời gian đầu. Sau khi hoàn thành tiêm chủng cho các nhóm đối tượng ưu tiên, Bộ Y tế sẽ đề xuất mở rộng các nhóm đối tượng như người lao động làm việc tại khu công nghiệp tập trung.
Với dự kiến mua 150 triệu liều vaccine cho khoảng 75 triệu người, ước tính cần khoảng 25.200 tỷ đồng, trong đó 21.000 tỷ là phí vaccine, còn lại là vận chuyển, bảo quản, phân phối, tổ chức tiêm chủng.
Đây là nguồn kinh phí rất lớn, vì vậy chủ trương chung của Chính phủ là bên cạnh nguồn ngân sách, sẽ huy động thêm nguồn lực từ đóng góp của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để kịp thời tiêm chủng cho người dân. Theo đó, ngân sách trung ương dự kiến phải bố trí khoảng 16.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương chi và huy động đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức khoảng 9.200 tỷ đồng.
Tới nay, Bộ Y tế đã tiếp nhận hàng trăm tỷ đồng từ các doanh nghiệp ủng hộ vào Quỹ mua vaccine. Trong số này 4 ngân hàng Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank hỗ trợ 100 tỷ đồng; Tập đoàn Hoà Phát (50 tỷ đồng), Tập đoàn DOJI và Ngân hàng TPBank 20 tỷ đồng. Tập đoàn Vingroup cũng tặng số tiền tương đương 4 triệu liều vaccine, Tập đoàn Sovico Group và HDBank ủng hộ 60 tỷ đồng (tương đương 1 triệu liều vaccine)...
Theo vnexpress