leftcenterrightdel
Phần Lan nổi tiếng với hệ thống phúc lợi xã hội chu đáo. Ảnh minh họa:Mikko Huotari/Vist Finland 

Mức độ tín nhiệm xã hội cao có thể là một trong những lý do khiến Phần Lan được xếp ở vị trí số 1 trong danh sách những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới suốt 6 năm liên tiếp.

Theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới, hầu hết người Phần Lan nghĩ rằng họ sẽ được trả lại ví nếu họ chẳng may làm mất.

"Ở Helsinki, việc để em bé ở bên ngoài cửa hàng là điều hoàn toàn bình thường, đương nhiên là với thiết bị giám sát và đặt xe đẩy cạnh cửa sổ để bạn có thể quan sát em bé trong khi đang mua sắm hoặc uống cà phê", Jennifer De Paola, một nhà tâm lý học xã hội và chuyên gia về mức độ hạnh phúc của Phần Lan, cho biết. 

Quốc gia này cũng nổi tiếng với sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống riêng. Sau 17h, phần lớn văn phòng ở Helsinki đã tan làm, chỉ còn lác đác vài người.

Thế nhưng, khi được hỏi về bản báo cáo mức độ hạnh phúc, nhiều người Phần Lan lại tỏ ra bất ngờ. Một số khác thậm chí tức giận với cuộc khảo sát và cảm thấy khó chịu bởi thế giới cho rằng họ đang rất “hạnh phúc”.

“Chúng tôi luôn ngạc nhiên khi Phần Lan vẫn dẫn đầu trong bảng xếp hạng đó. Năm nào cũng có một cuộc tranh luận như ‘Làm thế nào mà điều đó lại xảy ra vậy?’”, Meri Larivaara, một cư dân Phần Lan, chia sẻ với Insider.

"Hài lòng" không phải hạnh phúc

Một phần nguyên nhân gây ra vấn đề là do chính cuộc khảo sát, được xuất bản bởi Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc.

Dữ liệu xếp hạng được lấy từ Gallup World Poll, một cuộc khảo sát toàn cầu yêu cầu mọi người đánh giá cuộc sống của họ trên thang điểm từ 0 tới 10.

“Họ gọi điện và chỉ hỏi xem liệu chúng tôi có thích cuộc sống của mình không. Chúng tôi chỉ nói rằng hiện không có vấn đề gì, họ có thể gọi lại vào ngày mai”, một người dân địa phương nói về cuộc khảo sát.

Chuyên gia tâm lý De Paola cho biết câu hỏi mà nhóm nghiên cứu đặt ra là mức độ "hài lòng" của cá nhân đối với cuộc sống hiện tại, không đề cập tới từ "hạnh phúc".

leftcenterrightdel
 Một số người cho rằng báo cáo của Liên Hợp Quốc đang đánh đồng hai khái niệm "hài lòng" và "hạnh phúc". Ảnh minh họa:2018 Tuomas Uusheimo. 

Theo cô, hạnh phúc liên quan nhiều hơn đến cảm xúc và cách cảm xúc được truyền đạt. Chẳng hạn, cười nói hay cảm thấy vui vẻ mới liên quan đến khái niệm hạnh phúc, hơn là khái niệm về sự hài lòng trong cuộc sống.

“Đương nhiên, cái tên Báo cáo Hạnh phúc Thế giới nghe hấp dẫn hơn nhiều so với việc gọi nó là Báo cáo về mức độ hài lòng cuộc sống”, bà nói.

Mặt trái của xã hội

Không phủ nhận rằng người Phần Lan hài lòng với những gì họ đang có. Chính phủ Phần Lan tài trợ cho một trong những hệ thống phúc lợi mạnh mẽ nhất trên thế giới. Năm 2021, quốc gia Bắc Âu này đã chi 24% GDP cho an sinh xã hội, cao nhất so với bất kỳ quốc gia OECD nào khác cùng năm.

Người dân phải chịu mức thuế cá nhân, nhưng đồng thời nhận lại rất nhiều. Ngoài hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe miễn phí, giáo dục cũng miễn phí cho tất cả người dân đến trình độ tiến sĩ.

Quốc gia này cũng chi trả một phần chi phí chăm sóc trẻ em của các gia đình. Người lao động được hưởng 4 tuần nghỉ hè và 1 tuần nghỉ đông bên cạnh tổng cộng 13 ngày nghỉ lễ.

leftcenterrightdel
 Điều kiện sống tốt không đồng nghĩa Phần Lan không tồn tại mặt trái. Ảnh minh họa:Hanken

De Paola cho biết người Phần Lan được xã hội hóa và được dạy từ khi còn nhỏ rằng không chấp nhận điều kiện làm việc tồi tệ. Ngay cả khi mất việc làm ở Phần Lan, chính phủ sẽ giúp đỡ người đó cho đến khi họ tìm được công việc mới, trong khi phúc lợi xã hội của họ không thay đổi.

“Được trả lương xứng đáng, nghỉ ngơi phù hợp, giờ làm việc hợp lý và có được công việc phù hợp với khả năng là điều mà người Phần Lan nào cũng mong đợi”, bà nói.

Dù vậy, tương tự ở nhiều quốc gia, Phần Lan đã chứng kiến sự gia tăng các vấn đề sức khỏe tâm thần ở thanh thiếu niên trong thời kỳ đại dịch.

Mùa xuân năm 2021, mức độ hài lòng với cuộc sống của thanh thiếu niên nước này đã giảm xuống, trong khi sự lo lắng, trầm cảm và cảm giác cô đơn tăng lên so với năm 2019, theo một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Child and Adolescent Psychiatry and Mental Health hồi tháng 4.

Cùng với đó, các khiếu nại về sức khỏe tâm thần từ thanh thiếu niên Phần Lan đã gia tăng trong hai thập kỷ qua, theo báo cáo.

Dân số Phần Lan đang già nhanh. Theo Cục Tham chiếu Dân số, 21,9% dân số Phần Lan từ 65 tuổi trở lên. Quốc gia này có tỷ lệ người già lớn thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Nhật Bản và Italy. Đó là chưa kể đến sự phân hóa giàu nghèo ở xã hội Phần Lan, Insider đưa tin.

“Do đó, ‘hài lòng’ sẽ là từ chính xác hơn để mô tả người Phần Lan, bởi chúng tôi chỉ đơn giản hài lòng với cuộc sống của mình”, Heli Jimenez, làm việc tại công ty Visit Finland, nói.

Theo zingnews