Người đàn ông “kỳ diệu” ấy, người đàn ông mà phụ nữ trên khắp thế giới hẳn đều thầm cảm ơn, ông là Max Factor, sinh năm 1872 ở Ba Lan. Max Factor gốc Do Thái, có tên thật là Maksymilian Faktorowicz. Ngay khi còn là một thiếu niên, cậu bé Maksymilian đã bắt đầu làm việc trong những xưởng sản xuất tóc giả và mỹ phẩm.

5.jpg
Chân dung Max Factor - cha đẻ nghệ thuật make up.

Đến tuổi trưởng thành, Maksymilian gia nhập quân đội và phục vụ trong quân ngũ một thời gian. Sau khi giải ngũ, người thanh niên trở về với cuộc sống mưu sinh đời thường và mở một cửa hiệu bán mỹ phẩm ở ngoại ô Moscow, Nga. Ngay lập tức, Maksymilian nhận được sự yêu mến, tín nhiệm của các nghệ sĩ trong Nhà hát Opera Hoàng gia Nga.

Ông trở thành chuyên gia trang điểm cho các nghệ sĩ của nhà hát và dần dần ngay cả các phụ nữ quý tộc Nga cũng tìm đến ông để biết cách làm đẹp chuyên nghiệp.

1.jpg
Max Factor đang sử dụng cỗ máy “đẹp từng micromet” để đo tỉ lệ gương mặt cho nữ diễn viên Marjorie Reynolds trước khi sử dụng các sản phẩm trang điểm cho cô. Ảnh chụp năm 1934.

Mặc dù rất nổi tiếng trong giới phụ nữ “ăn chơi, quý tộc” ở thành phố Moscow, kiếm được khá tiền và quen thân với nhiều mệnh phụ phu nhân, nhưng thái độ thù ghét người Do Thái le lói trong xã hội Châu Âu đã khiến Maksymilian sợ hãi và đến năm 1904, ông quyết định bỏ lại tất cả để đưa cả gia đình tới Anh - một đất nước có tư tưởng cởi mở hơn đối với người Do Thái.

Tại đây, ông đã làm các giấy tờ để thay tên đổi họ, thực tế là biến cái tên “dài ngoằng” dễ gây chú ý của mình trở nên ngắn gọn và phổ thông hơn. Maksymilian Faktorowicz rút ngắn lại còn Max Factor.

Ông định cư ở Anh một thời gian rồi sau đó tìm đường sang Mỹ - nơi được coi là miền đất hứa đối với người châu Âu thời bấy giờ. Tại Mỹ, ông như cá gặp nước bởi Los Angeles - nơi có kinh đô điện ảnh Hollywood - không bao giờ thiếu việc để ông làm.

Nền công nghiệp điện ảnh dù mới hình thành nhưng đã khá sôi động, Max khởi nghiệp bằng việc chào bán tóc giả thiết kế riêng cho từng khách hàng, kèm với đó là các sản phẩm trang điểm do tự ông sản xuất.

Vốn là người có tài năng, gu thẩm mỹ và khiếu nhạy bén đặc biệt trong lĩnh vực mỹ phẩm, công việc của Max Factor gặp nhiều thuận lợi và đến năm 1909, ông đã thành lập được công ty mỹ phẩm của riêng mình. Max không chỉ sản xuất những sản phẩm vốn đã quen thuộc với khách hàng mà còn không ngừng nghiên cứu, thử nghiệm những loại mỹ phẩm mới.

2.jpg
Max Factor tô son cho ngôi sao Hollywood - nữ diễn viên Louise Fazenda. (1924)

Những thử nghiệm của Max đã giúp ông lấn sâu vào nền công nghiệp điện ảnh bằng những sản phẩm trang điểm mới lạ, hiệu quả, được thiết kế đặc biệt để dành riêng cho các nghệ sĩ xuất hiện trước ống kính máy quay, thay vì để họ phải tiếp tục sử dụng phương thức trang điểm truyền thống của sân khấu kịch, thường khiến gương mặt bị “dày”, không mịn và không thật.

Sau khi tung ra được dòng sản phẩm dành riêng cho nghệ sĩ, Max còn bắt đầu thực hiện những buổi tư vấn trang điểm dành riêng cho từng cá nhân. Đối tượng hướng dẫn của ông là các ngôi sao lớn ở Hollywood. Qua các buổi hướng dẫn như vậy, ông có thể quảng cáo sản phẩm của mình tới với những gương mặt được phụ nữ mến mộ nhất.

3.jpg
Max bôi dầu bóng lên tóc cho ngôi sao ca nhạc Ella Shields. (1930)

4.jpg
                                                                                                             Nữ diễn viên Kathleen Burke tô son trước sự quan sát hướng dẫn của Max. (1930)

Ngoài ra, Max còn được biết tới là người sáng tạo ra cỗ máy “đẹp từng micromet” - một cỗ máy đơn giản bằng kim loại nhưng có bề ngoài trông khá đáng sợ và kỳ cục, để có thể phân tỉ lệ trên gương mặt của từng người phụ nữ một cách chính xác và từ đó, sẽ đưa ra được cách trang điểm riêng phù hợp với người phụ nữ đó.

Năm 1929, Max đã được nhận tượng vàng Oscar danh dự vì những đóng góp của mình trong nghệ thuật trang điểm cho diễn viên. Quả thực, trong buổi sơ khai ấy, chính Max là người duy nhất đã quan tâm đến cách trang điểm lên hình của diễn viên, để từ đó tạo thành một cú hích cực lớn đối với nghệ thuật trang điểm hiện đại.

Một trong những đóng góp cuối cùng của Max là trong lĩnh vực… ngôn ngữ, ông là người đầu tiên sử dụng danh từ “make-up” để nói về những sản phẩm của mình, trước đó người ta mới chỉ có danh từ “mỹ phẩm” (trong tiếng Anh là “cosmetics”).

Max còn để lại một câu nói trứ danh mà có lẽ bất cứ người nào đam mê nghệ thuật làm đẹp đều đã từng được nghe, đó là: Không ai sinh ra đã lộng lẫy sẵn, nhưng người ta có thể tạo ra sự lộng lẫy ấy (nhờ vào trang điểm).

Theo phunuvietnam.vn