leftcenterrightdel
 

Tờ Elpais ví Hàn Quốc là một quốc gia hoạt động không ngừng nghỉ và gọi giấc ngủ được coi như "một thứ hàng hóa" ở đó.

Giữa những quán cà phê mở cửa 24/24, có riêng một mô hình cà phê ngủ, nơi khách hàng đến chợp mắt trong nửa tiếng, một giờ. Đồng thời, Hàn Quốc cũng là nước có tỷ lệ mất ngủ cao và những phòng khám chuyên khoa về giấc ngủ có đông khách ghé tới.

“Chúng tôi là một xã hội nghiện cà phê", Park Mijin, 37 tuổi, nói đùa khi đang đợi nước trong một quán có tiếng tại Seoul lúc gần nửa đêm.

“Người Hàn Quốc có đặc điểm là làm mọi việc nhanh chóng, hình thành văn hóa gấp rút ppalli-ppalli, nghĩa là khẩn trương, không được để lãng phí thời gian", người đàn ông nói thêm.

leftcenterrightdel
 Ở Hàn Quốc, việc người dân hoạt động tối đa thời gian, giảm giờ ngủ được coi là chuyện thường ngày. Ảnh:Reuters. 

Câu nói mang nghĩa thúc giục này trở thành câu cửa miệng mỗi ngày của người dân Hàn Quốc. Cụm từ này xuất hiện ở bất cứ đâu, với bất kỳ ai, trong mọi hoàn cảnh.

Văn hóa này hình thành từ những năm 1960, khi xứ kim chi trong giai đoạn kinh tế còn tụt hậu và từng bước vươn lên qua nhiều thập kỷ, trở thành nền kinh tế lớn thứ 13 trên thế giới.

Không phải ngẫu nhiên người dân Hàn thường xuyên nói câu này với nhau. Xa hơn ý nghĩa giao tiếp giữa người với người, ppalli-ppalli là nét văn hóa ăn sâu vào cuộc sống của người dân xứ kim chi, là biểu tượng cho tính cách dân tộc.

Suy nghĩ ấy đã đi xuyên suốt với người Hàn trong nhiều năm qua. Không ai nghi ngờ gì về văn hóa gấp rút đó, cho đến bây giờ.

Đồng loạt xuống đường phản đối

Vào tháng 3, một loạt các cuộc biểu tình diễn ra ở Hàn Quốc, với những đám đông xuống đường ở thủ đô Seoul và thành phố Busan ở phía nam.

Một lượng lớn thanh niên thuộc thế hệ Milennials và Gen Z đều có chung mục đích: phản đối kế hoạch nâng thời gian làm việc tối đa một tuần lên 69 giờ của Tổng thống Yoon Suk-yeol đề xuất.

Người đứng đầu đất nước đưa ra một quy tắc mới để cung cấp cho các công ty “một giải pháp cho những khó khăn trong việc đáp ứng mục tiêu tăng trưởng”.

Giải pháp đó là tăng giới hạn số giờ làm việc hàng tuần lên 69, tăng từ mức 52 ở hiện tại. Đổi lại, kế hoạch của chính phủ - đã được các tập đoàn kinh doanh lớn của Hàn Quốc thông qua - cho phép người lao động được nghỉ nhiều thời gian hơn vào các thời điểm khác trong năm và tận hưởng kỳ nghỉ dài hơn.

Tuy nhiên, đề xuất như vậy được cho là không thực tế vì vào năm 2020, chỉ có 4/10 người lao động có thể tận hưởng tất cả ngày nghỉ của họ, theo Bộ Lao động Hàn Quốc.

leftcenterrightdel
 Chính quyền Hàn Quốc muốn tăng giờ làm việc, còn người dân thì không. Ảnh:AP. 

Kế hoạch làm việc 69 giờ/tuần đã vấp phải sự phản đối rộng rãi.

Liên đoàn Công đoàn Hàn Quốc cho biết quy định này “sẽ hợp pháp hóa việc làm việc từ 9 giờ sáng đến nửa đêm trong 5 ngày liên tiếp và không có sự quan tâm nào đến sức khỏe của nhân viên cũng như nhu cầu nghỉ ngơi của họ”.

Trong khi đó, Hiệp hội Phụ nữ Hàn Quốc Thống nhất cảnh báo: “Trong khi nam giới sẽ phải làm thêm giờ, trách nhiệm chăm sóc nhà cửa, con cái sẽ dồn hết về phía phụ nữ".

Không còn muốn sống như thế hệ trước

Trước sức ép của các cuộc biểu tình, chính phủ Hàn Quốc buộc phải “xem xét lại” kế hoạch. Một thư ký báo chí ở Nhà Xanh nói rằng họ sẽ tìm cách giao tiếp tốt hơn với công chúng, “đặc biệt là với thế hệ Z và thế hệ Milennials”.

Nhưng người trong độ tuổi 20-30 ở Hàn Quốc vẫn lo ngại rằng đề xuất này sẽ được thông qua.

“Tôi sợ rằng chính phủ sẽ cố gắng thông qua cải cách một lần nữa”, Lee Yo, một nhà báo 31 tuổi, nói từ một quán bar gần khu phố Itaewon. Cô vừa trở về từ bữa tối của công ty do sếp tổ chức mà cô bị “bắt buộc” phải tham dự - một truyền thống mà Lee cho là đã lỗi thời.

leftcenterrightdel
 Khái niệm vềppalli ppallikhông chỉ gắn liền với giai đoạn tăng trưởng lịch sử mà còn trở thành nền tảng của đất nước. Tuy nhiên, người trẻ bắt đầu từ chối cách sống như vậy. Ảnh:Bloomberg. 

Lee cho rằng sự khác biệt về thế hệ là nguyên nhân đằng sau xung đột.

Cô giải thích: “Cha tôi không nghĩ rằng kế hoạch tuần làm việc 69 giờ lại tồi tệ như vậy. Phản ứng dữ dội của người trẻ cũng thể hiện sự phá vỡ văn hóa ppalli ppalli. Chúng tôi rất biết ơn những thế hệ đi trước vì những gì họ đã làm. Họ đã xây dựng đất nước của chúng ta bằng rất nhiều nỗ lực. Nhưng chúng tôi không muốn tiếp tục sống như thế này”, cô nói thêm.

Vào năm 2021, người Hàn Quốc làm việc trung bình 1.915 giờ trong năm, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nhiều hơn mức trung bình 199 giờ và cao hơn tới 566 giờ so với người Đức.

Hơn nữa, không có cuộc sống cá nhân là mối quan tâm lớn của hơn một nửa số người Hàn Quốc (54,4%), theo khảo sát Sử dụng thời gian năm 2019 do chính phủ Hàn Quốc thực hiện 5 năm một lần, dựa trên các cuộc phỏng vấn với khoảng 30.000 người.

Trong cuộc khảo sát, 52,2% số người được hỏi kêu gọi giảm giờ làm. Hiện tại, tuần làm việc không được vượt quá 52 giờ: 40 giờ làm việc thông thường cộng thêm 12 giờ làm thêm hàng tuần.

"Trước khi xuống còn mức 52 giờ vào năm 2018, mọi chuyện khắc nghiệt hơn. Bạn không dám đứng dậy khỏi ghế đi về trước khi cấp trên của bạn rời đi", Lee cho hay.

Luật năm 2018 cũng đưa ra các cuộc kiểm tra công ty và giám sát chặt chẽ đối với việc không tuân thủ.

“Bước tiến đó hiện rõ ràng gặp nguy hiểm”, Lee nói, nhấn mạnh việc làm quá nhiều sẽ khiến chuyện lập gia đình trở nên “rất khó khăn”. Cô hiện không có con và không nghĩ đến việc bắt đầu một gia đình.

Giống như Lee, nhiều phụ nữ Hàn Quốc khác đã quyết định rằng họ không thể vừa có gia đình vừa có sự nghiệp ổn định cho công việc của mình.

Năm 2022, tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc là 0,78, mức thấp nhất thế giới. Trong 8 năm qua, tỷ lệ sinh đã giảm đều đặn. Năm 2020, Hàn Quốc lần đầu tiên ghi nhận số ca tử vong nhiều hơn số ca sinh nở. Năm ngoái, có 249.000 ca sinh và 372.800 ca tử vong.

Theo zingnews