Yoshimasa Higashihara (37 tuổi), trợ lý giám đốc hãng hàng không Japan Airlines, vừa trở về từ kỳ nghỉ dài ngày ở Osaka và đang chuẩn bị cho chuyến đi kế tiếp sau vài tuần nữa.

"Tôi thực sự muốn tới hồ Xanh ở Hokkaido. Tôi mới chỉ thấy nơi này qua tranh ảnh", anh chia sẻ.

Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, Higashihara từng tới thăm nhiều điểm đến nổi tiếng ở trong nước và quốc tế. Đây không phải những chuyến nghỉ dưỡng thông thường mà là workation - du lịch kết hợp làm việc.

Yoshimasa Higashihara trong chuyến workation tại Osaka. Ảnh: Handout.

Đối với Higashihara, đây là phương án lý tưởng để anh được nghỉ phép dài ngày trong khi vẫn hoàn thành công việc.

"Với mỗi địa điểm, tôi đều muốn lưu trú tầm một tuần để trải nghiệm nhưng công việc không cho phép điều đó. Vì thế, tôi đã tận dụng hình thức workation để vừa đi chơi, vừa làm việc từ xa", anh giải thích.

Chỉ cần dành ra 2-4 tiếng mỗi ngày để xử lý công việc, Higashihara sẽ có thời gian để nghỉ ngơi, tham quan các điểm du lịch nổi tiếng và gặp gỡ những người bạn mới trong suốt chuyến đi.

Lựa chọn lý tưởng


Workation, được ghép từ work (làm việc) và vacation (kỳ nghỉ), là xu hướng nghỉ phép dài ngày kết hợp làm việc từ xa của giới văn phòng.

Bắt nguồn từ Mỹ và các nước châu Âu, workation đang trở thành trào lưu được dân văn phòng Nhật Bản - quốc gia có văn hóa làm việc hà khắc - quan tâm.

Vừa đi du lịch, vừa làm việc trở thành giải pháp lý tưởng cho giới văn phòng. Ảnh: Shutterstock.

Nhằm cứu trợ ngành du lịch, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19, chính phủ Nhật Bản đã giới thiệu chiến dịch "Go To Travel". Chỉ sau một tháng phát động, khoảng 4,2 triệu người Nhật đã sử dụng ưu đãi về chi phí di chuyển, dịch vụ ăn ở và vé tham quan của chương trình này.

Sau phản ứng tích cực của người dân với dự án trên, chính phủ Nhật hiện khuyến khích các công ty cho phép nhân viên được nghỉ dài ngày dưới hình thức workation.

Không chỉ là phương án kích cầu du lịch, đây còn là cơ hội giúp người lao động xứ hoa anh đào tận hưởng kỳ nghỉ mà không cảm thấy tội lỗi khi gác lại công việc.

Theo báo cáo của công ty du lịch Expedia, trung bình một nhân viên người Nhật chỉ nghỉ 50% số ngày phép của mình, mức thấp nhất trong số 30 quốc gia tham gia khảo sát như Anh, Đức, Singapore.

Cũng theo Expedia, 60% lao động Nhật Bản nói rằng họ cảm thấy "tội lỗi" khi nghỉ phép và thường xuyên kiểm tra email công việc suốt cả chuyến đi để an tâm hơn.

Đằng sau nỗi sợ nghỉ phép của người dân nước này là sự ái ngại khi nhờ cậy đồng việc quán xuyến công việc trong thời gian ngắn và lo bị đánh giá là "không trung thành với công ty".

Do đó, hình thức workation trở thành sự lựa chọn lý tưởng, đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi và làm việc của dân văn phòng Nhật Bản.

Phần lớn người lao động Nhật Bản chỉ nghỉ 50% số ngày phép quy định. Ảnh: Ibbi Caputo.

Để có thể hiện thực hóa mục tiêu trên, chính phủ Nhật Bản sẽ hỗ trợ tài chính cho các khách sạn, khu nghỉ dưỡng để nâng cấp hạ tầng viễn thông (như Wi-Fi tốc độ cao), đảm bảo điều kiện cho các chuyến du lịch kết hợp làm việc quanh năm.

Bên cạnh đó, ngày càng nhiều đơn vị lữ hành nổi tiếng ngỏ lời hỗ trợ các công ty lên kế hoạch workation cho nhân viên của mình.

"Chúng tôi đã thành lập bộ phận tư vấn giải pháp nhân sự để đề xuất kế hoạch workation cho nhân viên các công ty, chủ yếu tại các resort trong nước", Kaori Mori - đại diện tập đoàn du lịch JTB - nói.

Ngày 31/8 vừa qua, tập đoàn JTB kết hợp với công ty công nghệ thông tin NEC cho ra mắt hệ thống đặt phòng khách sạn dành riêng cho mục đích workation, với hơn 30 khách sạn ở nội thành và lân cận Tokyo.

Dự tính đến đầu năm sau, hệ thống sẽ bao gồm các điểm nghỉ dưỡng tại Osaka và Nagoya, sau đó sẽ lan rộng trên toàn quốc vào tháng 3/2022.

Không chỉ là phương án kích cầu du lịch, workation còn giúp người dân Nhật Bản tận hưởng kỳ nghỉ mà không cảm thấy tội lỗi khi tạm gác lại công việc. Ảnh: Studio Periphery.

Dù workation đang thu hút đông đảo sự quan tâm của dân văn phòng xứ hoa anh đào, nhiều người vẫn hoài nghi về tính thực tế của xu hướng này.

"Ý tưởng làm việc từ xa ngày càng được chú ý, đặc biệt là trong thời điểm dịch Covid-19 hoành hành. Tuy nhiên còn quá sớm để nói rằng xu hướng này sẽ phổ biến rộng rãi trong xã hội Nhật Bản", Mori nói.

Kaori Mori cho rằng workation có thể trở thành thách thức với ban lãnh đạo công ty khi phải thay đổi quy định lao động để đáp ứng điều kiện làm việc ngoài văn phòng.

"Tôi nghĩ các nhà quản lý và người lao động cần thêm thời gian cân nhắc về việc thay đổi hình thức và môi trường làm việc. Workation có thể trở thành trào lưu trong giới văn phòng, tuy nhiên ban lãnh đạo sẽ gặp nhiều khó khăn khi sửa đổi quy định nội bộ", cô nói thêm.

 

Theo Zing