Zhang Ji (30 tuổi) là một trong những người dùng của dịch vụ mai mối Wo Zhu Liangyuan. Tên công ty có thể tạm dịch là “tôi kiểm soát số phận hôn nhân của chính mình”.

Sau khi tới văn phòng của công ty tại Thượng Hải để đăng ký, Ji được giới thiệu gặp một người tên Shen. Anh ta mời cô đến căn hộ riêng. Tại đây, Shen cưỡng hiếp Ji.

Rũ bỏ trách nhiệm


Theo Sixth Tone, người phụ nữ này báo cáo vụ việc ngay với Wo Zhu Liangyuan vào ngày hôm sau. Nhưng phản hồi từ phía công ty khiến cô thất vọng. Người quản lý của công ty mai mối khuyên cô “hãy tiếp tục”, lờ đi vụ cưỡng hiếp và giới thiệu cho Ji những đối tác khác.

“Anh ta đẹp trai, lại còn là mẫu hình lý tưởng của em nữa. Em đừng nghĩ về vụ việc đáng tiếc kia. Thế giới còn bao nhiêu người vừa đẹp vừa tốt cho em”, người quản lý nói trong tin nhắn, đồng thời khuyên cô không nên báo cảnh sát hay bàn tán câu chuyện trên mạng.

“Đừng dại mà nói điều này với người khác, nhất là nam giới. Họ sẽ coi thường em, dù là đồng nghiệp hay bạn bè. Nếu chị là em, chị sẽ giấu tiệt chuyện này đi”, người quản lý tiếp tục.

Ji đã báo cảnh sát. Nhưng 4 ngày trôi qua, họ từ chối tiếp nhận vụ việc với lý do không đủ bằng chứng. Sixth Tone đã liên hệ với Shen nhưng không ai bắt máy. Gao, đại diện Wo Zhu Liangyuan, khẳng định họ không có lỗi trong trường hợp của Ji. Bởi họ đã khuyên cô không nên đến căn hộ của người đàn ông.

Zhang Ji sốc và sợ hãi sau khi bị đối tác từ dịch vụ mai mối quấy rối. Ảnh: Zhang Ji.

“Điều duy nhất chúng tôi có thể đảm bảo là tính xác tín trong thông tin của các thành viên, chẳng hạn thu nhập hàng năm của họ. Các thứ khác ngoài quyền hạn và trách nhiệm chúng tôi có thể đảm bảo”, Gao nói.

Người này nói thêm công ty đã yêu cầu cam kết pháp lý, hình sự với các thành viên để đảm bảo họ không làm gì phạm tội khi tham gia mai mối online.

Những năm gần đây, các công ty mai mối, “chợ tình online” mọc lên như nấm ở Trung Quốc và thu hút không ít khách hàng. Các dịch vụ đều hứa hẹn sẽ mang đến những đối tác hoàn hảo về tài chính và gia thế như có nhà, công việc được trả lương cao, nền tảng giáo dục ưu tú. Phí tham gia các dịch vụ này từ vài nghìn thậm chí đến vài triệu nhân dân tệ.

Không giống các nhữngg hẹn hò trực tuyến như Momo, Tantan, các công ty mai mối sử dụng người quản lý làm trung gian. Theo thông tin trên website của Wo Zhu Liangyuan, những người mai mối, còn gọi là hongniang, đều được đào tạo, nghiên cứu về “hôn nhân, tình yêu và tâm lý học”, có thể “tăng khả năng yêu và được yêu của khách hàng”.

Zhang Ji phải uống thuốc trầm cảm sau vụ việc đáng tiếc. Ảnh: Zhang Ji.

Nhưng không phải mọi người mai mối đều đưa lời khuyên mang tính xây dựng. Xiaobai (biệt danh, nữ, 33 tuổi, ở Thượng Hải) cũng là nạn nhân bị quấy rối khi hẹn hò thông qua dịch vụ mai mối khác - Yi Jia Yuan.

Xiaobai trả gần 20.000 nhân dân tệ (khoảng 2.850 USD) để mua gói thành viên trong 3 tháng. Ngay trong lần gặp đầu, đối tác của Xiabao nhìn chằm chằm vào chân cô, liên tục chạm vào cánh tay. “Tôi cảm thấy không thoải mái. Khi đi đến một cầu thang vắng vẻ, anh ta ôm và xô tôi vào tường”, người phụ nữ này nhớ lại. Kinh hoàng và tức giận, Xiaobao trốn khỏi trung tâm mua sắm, người đàn ông vẫn truy đuổi.

Sau đó, Xiaobai gọi cho người mai mối và bất ngờ, tức giận khi nhận được câu trả lời. “Cô ta nói tôi quá bảo thủ và hành động của người đàn ông là cách thể hiện tình cảm”. Người mai mối thậm chí còn cho rằng Xiaobai bịa chuyện và mất cơ hội với một đối tác tốt.

“Họ chẳng quan tâm gì đến khách hàng. Điều duy nhất họ làm là tìm mọi cách để hai đối tác thành đôi. Khi đó, người quản lý sẽ nhận được khoản tiền họ muốn”, Xiaobai tức giận.

Người đàn ông và phụ nữ trò chuyện trong một buổi hẹn hò bí mật ở Thượng Hải, ngày 31/10/2015. Nguồn: Zhang Xinyan cung cấp cho Sixth Tone.

Chấn thương sau những hệ lụy từ mai mối


Thời gian gần đây, các công ty mai mối bị chỉ trích tại Trung Quốc. Đặc biệt, một số cái chết gây ra do đối tác mà nạn nhân gặp từ những “chợ tình”. Năm 2017, chính quyền Trung Quốc yêu cầu các trang hẹn hò bắt buộc thành viên phải sử dụng tên thật để đăng ký. Tuy nhiên, quy định này khiến nhiều người không thoải mái.

Năm 2016, một phụ nữ ở Quảng Đông báo cảnh sát tố cáo đối tác mà dịch vụ hẹn hò sắp xếp đã cưỡng hiếp cô. Nạn nhân sốc hơn sau khi biết người đàn ông kia từng ngồi tù 4 năm vì tội tấn công tình dục.

Sau vụ việc không đáng tiếc, Zhang Ji sợ hãi và luôn ám ảnh. Cô phải uống thuốc chữa trầm cảm và không còn tin tưởng vào chuyện tình cảm vốn đã không mấy khởi sắc.

Theo luật sư Wan Miaoyan, tư vấn pháp lý cho Zhang Ji, ở các trường hợp trên, các công ty mai mối không phải chịu bất kỳ trách nhiệm pháp lý nào. Hợp đồng mà đơn vị này sử dụng chỉ quy định công ty là trung gian và có rất ít nghĩa vụ ràng buộc với khách hàng. Trong hợp đồng của Ji, điều khoản còn ghi rõ Wo Zhu Liangyuan không chịu trách nhiệm về bất kỳ xung đột nào liên quan tiền bạc hoặc hành vi tình dục.

“Trách nhiệm của công ty mai mối thậm chí còn ít hơn các dịch vụ gọi xe trực tuyến hay taxi truyền thống”, Wan nói. Luật sư này cũng cho biết những phụ nữ sử dụng dịch vụ mai mối là nhóm đặc biệt dễ bị tổn thương. Bởi họ kỳ vọng, háo hức tìm kiếm bạn đời nên đôi khi tin tưởng nhiều vào các dịch vụ mai mối.

“Nhiều người lợi dụng sự e ngại và lo lắng của phụ nữ về hôn nhân để làm việc trái đạo đức, thậm chí phạm pháp. Các công ty mai mối là đồng phạm trong những vụ hẹn hò bạo lực”, luật sư Wan khẳng định.

Theo Zing