Indian Matchmaking là một chương trình truyền hình thực tế mới nổi của Netflix với nhân vật chính là người mai mối Sima Taparia đến từ Ấn Độ. Bà tìm hiểu chuyên sâu về khách hàng của mình, từ sở thích, tham vọng đến cung hoàng đạo, tướng số để hướng dẫn họ tìm được nửa còn lại hoàn hảo.
Series cũng phần nào hé lộ đời sống của tầng lớp thượng lưu Ấn Độ, những người thực sự cần đến một bà mối chuyên nghiệp và sẵn sàng chi tiền để tìm được ý trung nhân thích hợp.
Bà mối Sima Taparia (trái) đến nhà một khách hàng. Ảnh: Netflix.
Khán giả thích thú khi chứng kiến những người độc thân trẻ tuổi trải qua những buổi hẹn hò đầu tiên đầy ngượng ngùng nhưng vô cùng đáng yêu.
Tuy nhiên, chương trình mai mối cũng “vô tình” phơi bày những mặt trái trong xã hội Ấn Độ, theo CNN.
Không cổ vũ có sự nghiệp riêng
Khi được hỏi về yêu cầu tìm nửa kia, nam chính cho hay "không cần đi làm", "ở nhà nội trợ", "chăm sóc con cái".
Thực tế, phụ nữ Ấn phải chịu áp lực kết hôn sớm, cần biết chăm sóc gia đình, không quá chú tâm vào sự nghiệp, và các cuộc hôn nhân thì có sự chênh lệch về địa vị và đẳng cấp giữa các tầng lớp.
Theo số liệu của The Times of India, quốc gia này chỉ có 24% phụ nữ tham gia lực lượng lao động.
Lý do chính là thiếu cơ hội. Nam thanh niên Ấn Độ không cần phải học trung học cũng có thể tìm được công việc như thợ cơ khí, lái xe, đại diện bán hàng hoặc người đưa thư, nhưng “chỉ một vài trong số những cơ hội này là dành cho phụ nữ”.
Ngoài ra, mức chênh lệch tiền lương giữa nam và nữ ở Ấn Độ là cao nhất châu Á. Với phụ nữ, trung bình được trả ít hơn 34% so với nam giới để thực hiện cùng một công việc có cùng bằng cấp.
Nữ doanh nhân Ankita Bansal. Ảnh: Netflix.
Bên cạnh việc bị loại khỏi lực lượng lao động vì giới tính, phụ nữ Ấn Độ cũng gặp khó khăn trong việc đi làm vì công việc nội trợ là trách nhiệm. Trung bình, phụ nữ dành gần 352 phút mỗi ngày cho các công việc nấu nướng, dọn dẹp, chăm sóc con cái và cha mẹ già. Con số này ở chồng họ là 52 phút.
Cuối cùng, tư tưởng "phụ nữ chỉ cần ở nhà, kinh tế do chồng lo" đã ăn sâu vào suy nghĩ của người Ấn hàng trăm năm nay. Cùng với đó, nếu người đàn ông để vợ mình phải kiếm tiền, đó là biểu hiện của sự thất bại, theo SCMP.
“Với những người phụ nữ cố gắng có 1 sự nghiệp riêng, mọi người sẽ nghĩ họ xảo quyệt và không biết lượng sức mình. Nhưng sự thật không hề như vậy”, nữ doanh nhân Ankita Bansal nói trong chương trình.
Định kiến về màu da
Ngoài ra, người xem cũng không khỏi bất ngờ khi điều kiện tiên quyết để tìm người bạn đời cho con của một số gia đình lại là “sở hữu làn da trắng sáng”. Một khi họ yêu cầu bà mối “tìm cô gái nào có ngoại hình ưa nhìn”, thì tức họ muốn người đó phải có nước da sáng, cao ráo và thon gọn.
"Thật bực mình khi xem Indian Matchmaking và thấy mọi người cứ lặp đi lặp lại yêu cầu đối phương phải ưa nhìn và có làn da trắng sáng", tiểu thuyết gia Ayelet Waldman viết trên Twitter.
Ngoại hình cao ráo, ưa nhìn với nước da sáng là yếu tố quan trọng của người phụ nữ Ấn Độ. Ảnh: Netflix.
Trên thực tế, màu da luôn là nỗi ám ảnh của người dân Ấn Độ. Họ coi thường nước da màu nâu vốn có và cho rằng nước da sáng mới là biểu hiện của quyền lực, địa vị và sắc đẹp, dù họ thuộc tầng lớp quý tộc hay bình dân.
Phụ nữ thường chịu nhiều áp lực phân biệt màu da hơn đàn ông. Không ít cô gái bị nhà trai phản đối cuộc hôn nhân chỉ vì sở hữu làn da sẫm màu. Một số khác bị kỳ thị và công khai bắt nạt tại trường học và nơi làm việc. Trong khi đó, đàn ông Ấn Độ không bị đặt nặng vấn đề này.
Thị trường kem trộn và các sản phẩm làm trắng da nở rộ tại Ấn Độ. Các ứng dụng hẹn hò trực tuyến cũng trang bị thêm các filter ảnh cải thiện màu da cho người dùng.
Ngay tại nền công nghiệp điện ảnh, những nữ diễn viên có nước da ngăm đen chỉ được vào vai phụ nghèo khổ, cùng cực. Ngược lại, những ngôi sao Bollywood sở hữu làn da trắng sáng được ưa thích hơn và dễ dàng nổi tiếng.
Ấn Độ là thị trường "béo bở" của các hãng kem trộn và mỹ phẩm làm trắng da. Ảnh: Getty Images.
Tuy nhiên, định kiến về màu da cùng một số chuẩn mực nhan sắc khác đang dần được thay đổi nhờ thế hệ trẻ ngày nay, những người được hưởng giáo dục đầy đủ và am hiểu mạng xã hội.
Không ít chiến dịch tẩy chay những người nổi tiếng quảng cáo cho các sản phẩm làm trắng da đang diễn ra. Một số ngôi sao Bollywood cũng từ chối hợp tác với những loại kem dưỡng này.
Trong đó, chiến dịch Dark is Beautiful (tạm: Làn da sẫm màu vẫn đẹp) đã tồn tại và phát triển suốt 10 năm qua với loạt chương trình nâng cao nhận thức con người nhằm chống lại định kiến màu da. Dark is Divine và Unfair and Lovely cũng là hai phong trào có sức ảnh hưởng lớn trong cuộc chiến này.
Theo Zing