Nhiều người trẻ Hàn Quốc đang trì hoãn việc đăng ký kết hôn dù đã làm đám cưới, sống với nhau như vợ chồng. Theo Chosun, mục đích của việc làm này là tối đa hóa cơ hội mua nhà trong bối cảnh nguồn cung nhà ở đang thiếu.
Giá bất động sản đã tăng vọt kể từ khi Tổng thống Moon Jae-in nhậm chức vào năm 2017, khiến những ngôi nhà vượt xa khả năng chi trả của giới trẻ xứ kim chi.
Chính phủ Hàn cố gắng cung cấp nhà ở giá cả phải chăng cho các cặp vợ chồng trẻ, nhưng danh sách người đăng ký mua nhà ưu đãi hiện rất dài.
|
Các đôi tổ chức đám cưới, dọn về sống chung song không đăng ký kết hôn. |
Một khi đăng ký kết hôn, các gia đình trẻ có thu nhập nhân đôi cũng không đủ điều kiện để hưởng giá mua ưu đãi. Ngoài ra, cơ hội nhận được một căn hộ mới xây thực sự tăng lên khi hai vợ chồng nộp đơn riêng lẻ.
Ba năm sau khi làm đám cưới, một chàng trai 34 tuổi sống ở Seoul vẫn chưa đăng ký kết hôn. Người này đã mua một ngôi nhà trước khi cưới và vợ anh cũng vậy.
Điều này đồng nghĩa với việc họ sẽ phải đóng thuế cao hơn với tư cách là chủ sở hữu nhiều ngôi nhà một khi trở thành vợ chồng hợp pháp.
"Thuế tăng đối với những người sở hữu nhiều hơn một căn nhà và các cặp vợ chồng mới cưới chỉ được miễn thuế chuyển nhượng trong 5 năm nếu họ bán một trong những căn nhà của mình. Tôi định bán một căn nhưng có vẻ giá nhà còn tăng nhiều", người chồng nói.
Một người mới cưới 29 tuổi khác cho biết: "Chính phủ cung cấp các quyền lợi đặc biệt về nhà ở cho các cặp mới cưới trong vòng 7 năm sau khi họ kết hôn. Vì vậy tôi dự định đăng ký kết hôn khi tiết kiệm được nhiều tiền hơn để chuyển đến một ngôi nhà lớn hơn".
Giới trẻ Hàn Quốc nhiều lần thảo luận về những ưu và nhược điểm của việc hỗ trợ các cặp mới cưới trên mạng xã hội. Nhiều người đặt câu hỏi liệu lúc nào mới là thời điểm tốt nhất để đăng ký kết hôn.
|
Nhiều người Hàn cho rằng hoãn đăng ký kết hôn sẽ giúp gia tăng cơ hội mua nhà. |
Koo Jeong-woo, giảng viên tại Đại học Sungkyunkwan, cho biết: "Việc các cặp vợ chồng hoãn đăng ký kết hôn cho thấy tình trạng thiếu nhà ở tồi tệ như thế nào, chưa kể giá căn hộ tăng chóng mặt. Chính phủ cần nhìn vào thực tế này để đưa ra giải pháp phù hợp hơn".
Theo trang thống kê Numbeo, bất chấp hơn 20 chính sách “hạ nhiệt” được chính phủ Tổng thống Moon Jae-in đưa ra, giá nhà ở Seoul đã tăng hơn 50% kể từ năm 2017, tốc độ nhanh nhất thế giới.
Mức tăng chóng mặt này đang đập tan giấc mơ có được một mái ấm riêng của rất nhiều gia đình trẻ - những người “mắc kẹt” ở Seoul vì công việc nhưng không đủ điều kiện để mua nhà thủ đô.
Giá trung bình cho mỗi m2 của một căn hộ ở thủ đô Hàn Quốc là 12,21 triệu won (11.120 USD), theo số liệu của KB Kookmin Bank công bố đầu năm nay.
Đến cuối năm 2020, khi giá của những ngôi nhà nhỏ có giá trị dưới 100 triệu won cũng tăng mạnh, các cặp vợ chồng có thu nhập trung bình phải tiết kiệm ít nhất 20 năm.
Theo Thống kê Hàn Quốc, có 213.513 cặp vợ chồng kết hôn vào năm 2020, giảm 10,7% và là con số ít nhất kể từ khi chính phủ bắt đầu tổng hợp số liệu vào năm 1981. Đây cũng là mức giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.