My kể, cô sinh ra trong gia đình mũi ai cũng cao và đẹp, nên cô luôn tự ti với cái mũi "vừa thấp lại vừa to" của mình. Mỗi lần chụp hình cô phải lựa góc thật kỹ. "Ba mẹ hứa khi tôi đủ 18 tuổi sẽ cho đi nâng mũi", cô gái 22 tuổi, đang làm việc ở Hà Nội, kể.

Ban đầu chỉ là không hài lòng với cái mũi nhưng kể từ khi kinh tế gia đình sa sút, Diễm My phải nghỉ học năm 16 tuổi để đi làm, cô nhận ra nếu có ngoại hình đẹp, sẽ thuận lợi hơn cho công việc. Năm 17 tuổi, sau khi kinh qua nhiều công việc, Diễm My xin vào làm thu ngân của một viện thẩm mỹ. "Sếp nhận tôi vì đang thiếu nhân viên nhưng vì tôi có khuôn mặt không đẹp nên không được lên sảnh chính làm việc, thu nhập vì thế cũng thấp hơn người khác", cô gái quê Buôn Mê Thuột kể.

Đủ 18 tuổi, Diễm My đi nâng mũi và cắt mí để hoàn thiện khuôn mặt. Một nửa chi phí cho lần làm đẹp này cô vay của công ty, trả góp theo tháng.

Diễm My trước và sau phẫu thuật nâng mũi, cắt mí. Ảnh nhân vật cung cấp

Diễm My trước và sau phẫu thuật nâng mũi, cắt mí. Ảnh nhân vật cung cấp

Số người quyết định can thiệp thẩm mỹ ở độ tuổi 18-20 như Diễm My ngày càng nhiều. Trong một hội thảo về phẫu thuật thẩm mỹ, năm 2019, chuyên gia cho hay, mỗi năm, chỉ tính riêng ở TP HCM có khoảng 250.000 người quyết định "can thiệp dao kéo", trong đó có 100.000 người ở độ tuổi 25-35 tuổi. Bên cạnh đó, độ tuổi can thiệp phẫu thuật thẩm mỹ ngày càng trẻ hóa, khoảng 18-19 tuổi.

Bệnh nhân phẫu thuật thẩm mỹ ngày càng trẻ hóa không phải là hiện tượng của riêng Việt Nam mà đang diễn ra ở nhiều nước. Báo cáo của Hiệp hội Phẫu thuật tạo hình và tái tạo Mỹ (ASPS) năm 2021 cho biết, kể từ năm 2005 đến nay, lượng bệnh nhân dưới 20 tuổi tăng trưởng trung bình gần 20% mỗi năm. Năm 2020, mặc dù nhiều hoạt động kinh tế xã hội bị đình trệ vì đại dịch Covid-19, riêng ngành phẫu thuật thẩm mỹ vẫn tăng trưởng, trong đó hơn 230.000 ca phẫu thuật thẩm mỹ và gần 140.000 thủ thuật thẩm mỹ không xâm lấn đã được thực hiện trên thanh thiếu niên từ 13 đến 19 tuổi. Trong nhóm tuổi này, phổ biến nhất là các ca chỉnh sửa mũi (chiếm gần 50%) và tạo hình vành tai (hơn 10%).

"Có nhiều lý do khác nhau nhưng chúng tôi nhận thấy sự gia tăng số ca thẩm mỹ đi liền với 'kỷ nguyên selfie' và vấn nạn bắt nạt online", Manish Shah, chuyên gia thẩm mỹ của ASPS nhận định. "Chỉ một chút chưa hoàn hảo trên khuôn mặt cũng khiến giới trẻ bất an mỗi khi chụp ảnh hay tương tác trên mạng xã hội".

Giải thích cho sự tăng trưởng số bệnh nhân phẫu thuật thẩm mỹ ở tuổi 18-20 ở Việt Nam, tiến sĩ - bác sĩ Phạm Thị Việt Dung, trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình - thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai, cho hay, trên 18 tuổi, cơ thể đã phát triển hoàn thiện và cũng là thời điểm bệnh nhân có đầy đủ thẩm quyền để tự đưa ra quyết định can thiệp phẫu thuật thẩm mỹ.

"Ở độ tuổi 18-20 tuổi, cơ thể có sức chống đỡ và phục hồi tốt hơn. Khi phẫu thuật ở độ tuổi này, bệnh nhân sớm giải quyết được những nhược điểm của cơ thể giúp họ trở nên tự tin, năng động và có thể mở ra nhiều cơ hội trong cuộc sống", bác sĩ Việt Dung, nói.

Phương Uyên, sinh viên năm hai của một trường ĐH ở TP HCM cho biết, phẫu thuật nâng mũi năm 18 tuổi là một trong những quyết định sáng suốt. "Tôi thấy đây là thời điểm thích hợp vì sau phẫu thuật được nghỉ dài ngày để phục hồi, lại được đẹp sớm", cô nói. Cũng như Diễm My, Phương Uyên tự ti vì mũi tẹt nên ba mẹ tặng cô gói nâng mũi trị giá hơn 20 triệu đồng, như một món quà tốt nghiệp.

Cô cùng mẹ cùng tìm hiểu và lựa chọn hình thức, đơn vị phẫu thuật an toàn nhất. Sau 10 ngày đau nhức và kiêng khem sau phẫu thuật, Phương Uyên có mũi cao, thon dài như ao ước. "Trước tôi nói chuyện với mọi người toàn cúi mặt xuống, cũng chẳng mấy khi đi chơi với bạn bè", cô gái kể.

Sau khi sửa mũi, cắt mí, Diễm My không cần tìm góc nghiêng chụp ảnh nữa. Ngay khi gương mặt hoàn thiện, cùng với năng lực sẵn có, Diễm My làm nhiều vị trí ở các công ty cả Hà Nội lẫn TP HCM.

"Trước đây lương 4-5 triệu đồng, tôi nghĩ mình chẳng thể có thu nhập hai con số. Nhưng nhờ năng lực cộng ngoại hình, tôi đã có khoản thu nhập mong ước", Diễm My nói.

Tuy nhiên, theo bà Dung, thực hiện phẫu thuật phải dựa trên chỉ định đúng đắn của người có chuyên môn để đạt được hiệu quả lâu dài, ít ảnh hưởng đến các hoạt động sinh lý của cơ thể. Chuyên gia cảnh báo, ở tuổi vị thành niên, tâm sinh lý chưa ổn định, các kỹ năng ra quyết định và kỹ năng xã hội chưa ổn định nên cần cân nhắc phẫu thuật thẩm mỹ.

Hồng Hạnh (20 tuổi, ở TP HCM) luôn thấy khó chịu khi hay bị bạn bè trêu đùa và đặt cho cô biệt danh "hai lưng". Cô đã thử các bài tập, chế độ ăn, mua loại áo ngực giúp vòng một phát triển, nhưng không có kết quả.

Chị Hồng Hà, mẹ Hạnh gợi ý cho con gái tìm hiểu phẫu thuật nâng ngực. Chị Hà từng phẫu thuật cải thiện vòng một ở một bác sĩ uy tín tại Hà Nội và đã tìm hiểu kỹ về các phương pháp can thiệp. "Tôi tin lời khuyên của mình hữu ích cho con", chị Hà nói. Khi con gái đồng ý, chị chi 70 triệu đồng "mua tự tin cho con".

Suốt 8 tiếng, chân tay Hạnh dang ra, cố định bằng dây. Cuộc đại phẫu kết thúc, cô thấy ngực mình nhô lên, tròn đều. Sau một ngày, Hạnh được tháo ống dẫn lưu cho về. Những ngày phục hồi, mẹ phải ở cạnh cô 24/24 vì cô không tự ngồi dậy, đi lại được. "Tôi không thể đứng thẳng, không ăn uống, chỉ được nằm ngửa và không được tắm cho đến khi tháo chỉ", Hạnh kể.

Chưa được nửa tháng, cô gái bị dịch tụ, trào qua vết mổ, buộc phải nhập viện. Những ngày đó, nỗi lo biến chứng khiến Hạnh không ăn uống được, sụt hơn 5 kg. "Lúc đó tôi khóc lóc, ước giá như mình chưa từng phẫu thuật", cô gái nói. Hạnh quay ra trách móc, trút giận lên mẹ khi nghĩ đến cảnh ngực không đẹp lên còn tệ đi.

Khi phẫu thuật nâng ngực, bệnh nhân phải cố định trên giường, giang rộng tay và chịu nhiều đau đớn. Ảnh minh họa: China.org

Khi phẫu thuật nâng ngực, bệnh nhân phải cố định trên giường, giang rộng tay và chịu nhiều đau đớn. Ảnh minh họa: China.org

Những ngày đó, chị Hà không chỉ lo lắng cho sức khỏe, còn stress vì tâm lý bất ổn của con gái. Hồng Hạnh may mắn gặp được bác sĩ tận tình điều trị sau biến chứng. Qua một tháng, ngực cô ổn định, dáng đẹp như mong ước.

Rủi ro trong phẫu thuật thẩm mỹ dù ở độ tuổi nào cũng không thể lường trước. Có những người may mắn phục hồi như Hồng Hạnh, nhưng cũng có rất nhiều trường hợp bệnh nhân bị hỏng mũi, xô lệch ngực, thậm chí tử vong sau phẫu thuật.

Tháng 3/2022, một cô gái 22 tuổi, ở Long An tử vong sau phẫu thuật nâng mũi tại một cơ sở không có giấy phép. Cũng thời điểm đó, một phụ nữ 33 tuổi qua đời vì phẫu thuật nâng ngực tại Bệnh viện 1A, TP HCM.

Tiến sĩ Phạm Thị Việt Dung lưu ý, mọi phân tích khả năng phẫu thuật thẩm mỹ phải cân nhắc những điều cơ bản như: Phẫu thuật có an toàn không, liệu phẫu thuật được đề xuất thực tế và đúng chỉ định không, có đáng phải thực hiện không, những mong đợi của bệnh nhân có phù hợp không, bệnh nhân sẽ hết khiếm khuyết sau phẫu thuật không.

Bà Việt Dung khẳng định, ngoại hình không phải là thước đo để đánh giá con người hay có thể quyết định đến việc thành công trong sự nghiệp. Nó chỉ giúp cho một số người trong các ngành nghề đặc thù thêm tự tin.

Sau làm mũi và cắt mí, Diễm My không can thiệp thêm ngoại hình. "Thay đổi như vậy đã quá đủ để tôi tự tin rồi", Diễm My nói. Hồng Hạnh cũng đã tự tin hơn khi mặc quần áo và mất hẳn biệt danh "hai lưng". Tuy nhiên, những khi trở trời, ngực cô thường đau nhức, căng tức.

"Nếu được chọn lại, tôi sẽ không chọn phẫu thuật thẩm mỹ", cô gái nói.

Theo vnexpress