Trong khi hàng triệu người Mỹ đang sẵn sàng xắn tay áo để tiêm vaccine phòng Covid-19, nhóm người trẻ từ 18-29 tuổi vẫn do dự việc này.

Sự miễn cưỡng của họ là một trong những nguyên nhân khiến chính quyền Joe Biden không đạt được mục tiêu tiêm mũi đầu tiên cho 70% dân số trưởng thành trước ngày 4/7.

Tình trạng này đã cản trở nỗ lực xây dựng miễn dịch cộng đồng nhằm vượt qua đại dịch và hạn chế sự nguy hiểm của biến thể Delta, theo Wall Street Journal.

Hiện các cơ quan y tế của chính phủ Mỹ đang tìm mọi cách khuyến khích nhóm thanh niên đi tiêm chủng càng sớm càng tốt.


Các chuyên gia nhận định những người trẻ có tâm lý chần chừ vì họ cho rằng nguy cơ lây nhiễm tương đối thấp và bản thân có thể đánh bại virus.

“Vấn đề ở chỗ giới trẻ thường xuyên di chuyển và tương tác với nhau ngoài xã hội. Họ có khả năng tiếp xúc với nhiều người khác hơn một cụ già 75 tuổi và nguy cơ làm lây lan virus cao hơn nếu chưa tiêm vaccine”, bác sĩ Ashish Jha, trưởng khoa y tế cộng đồng tại Đại học Brown, cho biết.

                                                                       Tốc độ tiêm chủng ở Mỹ đang chậm lại do nhóm người từ 18-29 tuổi lo ngại tác dụng phụ. Ảnh: CBC News.


Do dự việc tiêm vaccine


Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) vào cuối tháng 6/2021, tỷ lệ tiêm chủng ở nhóm thanh niên 18-29 tuổi ở mức thấp nhất cả nước, chỉ khoảng 38% đã nhận một liều vaccine. Ngược lại, con số này đạt hơn 80% ở người cao tuổi.

Wyatt Lutz, sinh viên ngành giáo dục thể chất tại Đại học Georgia Southern, chia sẻ: “Tôi 18 tuổi và chưa bao giờ có bất kỳ vấn đề sức khỏe. Tôi không quá lo lắng về điều đó. Nó không thực sự làm tôi sợ hãi”.

Theo các chuyên gia y tế, người trẻ không có nguy cơ chuyển biến nặng khi mắc SARS-CoV-2. Nhưng họ có thể vô tình nhiễm virus nếu ngó lơ các biện pháp phòng ngừa.

Những bệnh nhân trẻ từng mắc Covid-19 vẫn bị ảnh hưởng lâu dài về sức khỏe như khó thở, mệt mỏi và gặp các vấn đề về nhận thức.

                                                                                               Khá nhiều người trẻ ở xứ cờ hoa vẫn chưa tiêm vaccine. Ảnh: The College Post.


Khi vaccine Covid-19 đầu tiên được cấp phép vào năm ngoái, các cơ quan y tế đã ưu tiên nhân viên tuyến đầu và người cao tuổi vì họ có nguy cơ mắc bệnh cao nhất.

Nhiều tiểu bang đã cho phép thanh thiếu niên đủ tuổi bắt đầu tiêm chủng vào tháng 4, sau khi nguồn cung tăng lên.

Một số cuộc khảo sát cho thấy nhiều người không muốn tiêm vì lo lắng về tác dụng phụ. Họ thiếu tin tưởng vào vaccine, cần thời gian để tìm hiểu độ an toàn và nghĩ rằng việc tiêm chủng là không cần thiết.

Liz Hamel, phó chủ tịch và giám đốc nghiên cứu khảo sát cho Quỹ Gia đình Kaiser, nhận thấy giới trẻ phụ thuộc tâm lý vào các mối quan hệ.

Theo một cuộc khảo sát của tổ chức này vào tháng trước, 40% người từ 18-29 tuổi cho hay hầu hết bạn bè của họ đều không tiêm phòng.

Đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng


Tuần trước, Tổng thống Biden đã kêu gọi thanh niên đi tiêm chủng, đặc biệt trong bối cảnh biến thể Delta đang lan rộng.

Chính quyền liên bang còn tung ra các chiến dịch truyền thông trên các mạng xã hội và trò chơi điện tử như Facebook, Twitter, Instagram, Twitch, Riot Games.

Bên cạnh đó, Nhà Trắng cũng cung cấp các buổi đào tạo và tài liệu giáo dục cho trường cao đẳng, đại học nhằm thay đổi nhận thức của người trẻ về vaccine. Nhiều trường đã thành lập bộ phận hỗ trợ, thường xuyên gọi điện cho sinh viên tham gia tiêm chủng.

Ben Wakana, phó giám đốc truyền thông cho nhóm chuyên trách ứng phó Covid-19 của Nhà Trắng, hy vọng những lo ngại về biến thể Delta sẽ thúc đẩy nhiều người trẻ tuổi đi tiêm phòng hơn.

                                                                                 Các bài đăng trên mạng xã hội khiến sự nghi ngờ về vaccine ngày càng cao. Ảnh: Reuters.


Số khác cho biết họ e ngại trước vaccine Covid-19 vì những thông điệp gây nhầm lẫn và chưa xác thực trên mạng xã hội.

Kendra Megerell (27 tuổi, đến từ thành phố Rome, tiểu bang New York) đã nhận được liều đầu tiên của vaccine Pfizer Inc vào tháng 5. Nhưng cô không muốn quay lại để tiêm mũi thứ 2 vì đọc được bài đăng trên TikTok về một tình trạng viêm tim hiếm gặp chủ yếu ở những người trẻ tuổi.

Các cố vấn của CDC cho hay tình trạng này được gọi là viêm cơ tim, liên quan đến việc sử dụng vaccine RNA. Tuy nhiên, giới y tế Mỹ nhấn mạnh rằng lợi ích từ vaccine lớn hơn những tác dụng phụ.

Arham Imran (20 tuổ), sinh viên chuyên ngành hóa sinh tại Đại học Texas A&M, chưa tiêm phòng vì lo ngại vaccine được cấp phép quá nhanh sẽ gây ra tác dụng phụ.

“Tôi không cảm thấy khẩn cấp vì tình hình dịch bệnh đang được cải thiện, chính phủ đã nới lỏng rất nhiều chính sách”, Imran nói.

Theo Zing