Dù được đưa vào chương trình học các cấp từ 10 năm trước, Giáo dục giới tính vẫn là bộ môn ít được chú trọng ở Trung Quốc. Điều này khiến phần lớn thanh, thiếu niên nước này thiếu hụt trầm trọng kiến thức về giới tính và tình dục.

Cô Li Hongyan, đại diện tổ chức UNESCO tại Bắc Kinh (Trung Quốc), cho rằng sức ép từ phía gia đình học sinh là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

"Cha mẹ nên giúp trẻ nhận thức về giới tính nhưng vì thiếu hiểu biết và xấu hổ, họ đùn đẩy trách nhiệm đó cho nhà trường. Song, họ lại phản đối gay gắt khi thầy cô giáo đề cập đến vấn đề này trên lớp", Li nói.

Thiếu hụt giáo viên có chuyên môn và định kiến từ phía gia đình học sinh là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng "hổng" kiến thức về giới tính và tình dục ở thanh thiếu niên Trung Quốc. Ảnh: AFP.

Kể từ năm 2011, Giáo dục giới tính chính thức được đưa vào giảng dạy trong các trường học. Tuy nhiên, nguồn nhân lực có đủ chuyên môn đứng lớp lại khá hạn chế.

"Đa số giáo viên Trung Quốc không có chuyên môn giảng dạy Giáo dục giới tính. Tại Trung Quốc, ĐH Thành Đô là nơi duy nhất có khóa đào tạo kỹ năng dành cho các thầy cô giáo phụ trách bộ môn này", Li giải thích.

Khảo sát của Hiệp hội Kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc từ năm 2019 đến 2020 cho thấy chỉ 52% trong số 55.000 sinh viên đại học được dạy về giới tính và sức khỏe sinh sản ở trường.

Trong số đó, hơn một nửa số người tham gia được tiếp cận với những kiến thức này từ cấp 2 và 21% bắt đầu học từ thời tiểu học. Từ kết quả khảo sát, một số chuyên gia nhận định thời điểm trẻ em xứ Trung làm quen với các bài học giáo dục giới tính là khá muộn.

"Giáo dục giới tính từ sớm có thể dạy các em cách tự bảo vệ bản thân mình trước nạn quấy rối, xâm hại tình dục", trích báo cáo của Hiệp hội Kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc.

Bất cập trong giảng dạy


Deng Ting, một nữ sinh 22 tuổi đến từ Quảng Đông (Trung Quốc), chia sẻ rằng một số bài học giáo dục giới tính trên lớp "rất đáng sợ".

Trong tiết học về các biện pháp tránh thai, cô cùng các bạn học - cả nam và nữ - được dạy cách đeo bao cao su lên một quả chuối. Để minh họa cho hậu quả của việc quan hệ tình dục không an toàn, giáo viên đã cho cả lớp xem đoạn clip nạo phá thai.

"Chúng tôi chứng kiến cảnh bào thai bị lấy ra khỏi tử cung và quá trình đó thật kinh khủng. Bài học tôi rút ra được sau buổi học này là không bao giờ quan hệ tình dục bừa bãi vì phụ nữ là những người phải chịu thiệt thòi nhất, không phải đàn ông", Deng bộc bạch.

Theo nghiên cứu công bố năm 2018 của UNESCO, học sinh trung học ở xứ tỷ dân thường được học về giới tính và sức khỏe sinh sản trong các tiết học khác, ví dụ như Sinh học hay Đạo đức.

"Rất khó để cung cấp đầy đủ kiến thức giáo dục giới tính thông qua bộ môn khác. Các thầy cô không thể bao hàm ngần đó các chủ đề trong một vài bài giảng được", trích nghiên cứu của UNESCO.

Nội dung giáo dục giới tính tại Trung Quốc chủ yếu xoay quanh sức khỏe sinh sản, đặc điểm giới tính và an toàn tình dục. Ảnh: China Daily.

Đặc biệt, các nội dung giáo dục giới tính tại Trung Quốc chủ yếu xoay quanh sức khỏe sinh sản, đặc điểm giới tính và an toàn tình dục, hiếm đề cập đến xu hướng tính dục và kinh nguyệt.

Năm ngoái, cuốn sách về giáo dục giới tính của nhà xuất bản ĐH Sư phạm Bắc Kinh bị cộng đồng chỉ trích vì nói đến sự đa dạng xu hướng tính dục. Ngay sau đó, doanh số của tựa sách đã giảm đi một nửa.

"Nhiều người nghĩ rằng đề cập đến LGBT+ trong sách vở sẽ khiến thanh thiếu niên muốn thay đổi xu hướng tính dục của mình", Liu Wenli - tác giả cuốn sách - nói.

Cô Liu cho rằng xã hội Trung Quốc ngày nay còn nhiều định kiến đối với các chủ đề giới tính và tình dục.

"Cho đến hiện tại, nhiều người vẫn coi giới tính và tình dục là những chủ đề nhạy cảm, không được bàn đến. Vì thế, chúng ta càng phải lên tiếng về nó để xóa bỏ định kiến xã hội", Liu khẳng định.

Theo Zing