“Những người không có khả năng tự chủ nên gỡ cài đặt Douyin”, Triệu Thiết Trụ (học sinh cuối cấp 3) đăng dòng trạng thái lên mạng. Suốt thời gian ôn thi căng thẳng, cô lướt các video trên đó để giảm áp lực cho bản thân. Cứ mỗi khi clip tự động phát, cô lại không kìm chế được và buộc mình xem hết nó.
Sau một thời gian chìm đắm, cô nhận thấy tính khí mình ngày càng tệ đi, trở nên nóng nảy, ăn uống thất thường và thị lực giảm sút, theo The Paper.
Ba tháng trước kỳ thi tuyển đại học, Triệu viết lên một mảnh giấy tên trường cô muốn đậu, bên cạnh nó là dòng chữ “từ bỏ Douyin”.
|
Nhiều người trẻ bị cuốn vào cơn nghiện lướt video trên Douyin. |
Không riêng Triệu Thiết Trụ mà nhiều người trẻ Trung Quốc đang khổ sở tìm cách thoát khỏi cơn nghiện lướt Douyin - phiên bản Tik Tok của Trung Quốc. Nhiều người thậm chí phải nhờ đến bác sĩ tâm lý để thoát khỏi vòng luẩn quẩn.
“Tôi đã bỏ Douyin”, “Quyết ngừng chơi từ hôm nay”, “Có cách nào để thoát khỏi Douyin không, tôi lại nghiện lướt video nữa rồi”, nhiều dân mạng chia sẻ trên diễn đàn.
Theo The Paper, những người không rơi vào hoàn cảnh tương tự có thể thoải mái đưa giải pháp họ cho là đơn giản nhất: gỡ cài đặt ứng dụng. Song thực tế mọi chuyện không dễ dàng đối với những “con nghiện” mạng xã hội.
Thức đến sáng vì mải lướt video ngắn
“Ngồi làm việc cũng lướt mạng, đêm tôi thức tới gần sáng vì mải mê xem video”, Ngô Tiêu cảm thấy cuộc sống của mình như bị phụ thuộc vào nền tảng video ngắn phổ biến nhất tại đất nước tỷ dân.
Định đọc sách một tiếng rồi tập thể dục nửa giờ nhưng vừa cầm điện thoại lên mở ứng dụng, anh quên hết mọi thứ cần làm. Đêm, anh nằm lướt qua hàng trăm video, trong lòng dấy lên cảm giác tội lỗi: “Chỉ xem nốt một cái thôi mình sẽ đi ngủ”. Kết quả, anh thức đến hơn 1h sáng.
“Tôi đã vô tình bị nghiện. Cứ lướt mãi không thể dừng cho đến khi hoảng hốt nhận ra mình bị cuốn vào nó hàng tiếng đồng hồ mà chẳng thể dứt ra được”.
Không thể tự kiểm soát bản thân, Triệu quyết định gỡ cài đặt ứng dụng trên điện thoại. Nhưng không chịu được cảm giác bứt rứt, anh cứ cài đặt lại rồi gỡ bỏ không biết bao nhiêu lần.
|
85% người dùng Douyin thuộc độ tuổi dưới 24. |
Tìm kiếm cách cai nghiện mạng xã hội, Ngô Tiêu nhìn thấy nhiều người trẻ gặp tình trạng như anh.
“Tình trạng của bản thân khiến tôi nhớ tới ông nội mình ngày trước. Ông thường nằm trên sofa, liên tục bấm chiếc điều khiển tivi để chuyển từ kênh này sang kênh khác, không biết dừng lại ở đâu, liên tục như vậy từ chiều cho đến nửa đêm”, một người dùng miêu tả.
Douyin hiện dẫn đầu trong trong ngành video ngắn tại Trung Quốc. Theo báo cáo của Frontline, lưu lượng người dùng của nền tảng video ngắn này đạt đỉnh vào đêm giao thừa Tết Nguyên đán vừa qua, với 580 triệu lượt truy cập. Trước đó, đại diện ứng dụng cho biết 85% người dùng ứng dụng này là thanh niên dưới 24 tuổi. Ngày càng nhiều người trẻ nghiện xem video trên nền tảng này.
Hệ lụy
Thường xuyên phải làm thêm giờ nên Trần (nhân viên văn phòng) rất khó để xem trọn một bộ phim truyền hình dài tập. Đổi lại, cô xem những đoạn cắt nổi bật của những bộ phim đó trên mạng.
Nằm trên giường vào buổi tối, việc lướt xem video như “nghi thức” mà cô luôn thực hiện. Ban đầu là xem một tiếng, dần dần mỗi ngày cô đều xem trung bình 3 tiếng đồng hồ. Nhưng trong suốt quá trình đó cô luôn thấy bất an, mỗi đoạn cắt mới hiện ra lại khiến cô không kìm lại được, đồng thời nỗi sợ thức khuya dậy trễ và tinh thần uể oải lại khiến cô lo lắng.
“Nếu không bỏ được, tôi sẽ lãng phí hết thời gian của mình trên đó”, Trần tự nhủ.
Cảm thấy bản thân ngày càng mất đi tính tự giác và kiên nhẫn, Trần nhờ đến sự giúp đỡ của bác sĩ tâm lý, và phản hồi khiến cô quyết tâm tránh xa Douyin.
Theo The Paper, khi một người xem các video ngắn ngày càng thường xuyên và khó dừng lại cho đến tận đêm khuya, điều đó có nghĩa là họ đã bị nghiện. Nội dung video thú vị, trải nghiệm xem toàn màn hình và thời lượng 15-60 giây là cách để Douyin thu hút người dùng.
Xiaoyu, kỹ thuật viên về mạng xã hội, cho rằng có những lý do nhất định cho việc nền tảng video ngắn dễ dàng khiến người ta bị nghiện.
“Khi chúng ta bật Douyin, thông tin đầu tiên thu được đến từ thị giác và thính giác. Hình ảnh bắt mắt và nhạc nền đầy căng thẳng trước tiên sẽ kích thích não tạo ra khoái cảm, sau đó suy nghĩ hợp lý về nội dung của video. Vì vậy, ngay cả khi nội dung của video này không có gì mới, người xem vẫn có thể nhận được một số phản hồi tích cực, dễ chịu nhất định. Ngay cả khi dừng chuyển động trượt lên vì nhiều lý do khác nhau, cài đặt phát tự động sẽ khiến họ ngạc nhiên và xem những video 15 giây hoặc 1 phút tiếp theo”.
Xiaoyu giải thích người xem không bao giờ biết được thứ mình vuốt được tiếp theo là gì, nó như một cơ chế phần thưởng có sự thay đổi kích thích họ.
“Nói cách khác, cơ chế không cố định khiến họ có cảm giác mong đợi. Họ không thích cái này, ngay lập tức có thể vuốt xem cái tiếp theo. Thuật toán đề xuất được cá nhân hóa của Douyin được hỗ trợ bởi công ty thuật toán AI ByteDance sẽ không làm họ thất vọng”.
Hành vi gây nghiện thường phát triển trong thời gian dài, sau khi não bộ thích ứng với kích thích này sẽ hình thành tính kiên nhẫn, dopamine (chất gây cảm giác hưng phấn trong não) tiết ra giảm nhưng nhu cầu của não vẫn không suy yếu. Do đó, người ta chọn cách chìm đắm vào đó trong thời gian lâu hơn để có cảm giác thỏa mãn.
Theo Zing