Thay đổi truyền thống

Khi Droya Zhuo lên kế hoạch cho đám cưới của mình vào tháng Hai, cô thấy quá trình chọn váy cưới rất rắc rối. Cô phải đặt lịch hẹn với các cửa hàng váy cưới trước nhiều tháng và lựa chọn để có được mức giá tốt nhất. Cuối cùng, nữ giáo viên nghệ thuật 26 tuổi ở Lan Châu, thủ phủ tỉnh Cam Túc (Trung Quốc) này đã quyết định mua váy cưới tại một cửa hàng quần áo gần nơi làm việc của cô. Trong lễ cưới diễn ra vào dịp tết Nguyên đán, cô và chồng cũng quyết định bỏ việc chụp ảnh cưới, phù dâu, phù rể lẫn xe cưới để tiết kiệm thời gian và công sức.

leftcenterrightdel
 Khách mời (bạn bè và đồng nghiệp) chụp ảnh cùng cô dâu Jezamine Chua và chú rể Alvin Leong tại đám cưới siêu nhỏ của họ vào tháng 6/2023 - Ảnh: Tan Yen Lin (Today)

Những gì từng được coi là phong tục cưới bắt buộc đang thay đổi ở Trung Quốc, khi người trẻ không còn chuộng sự ồn ào, từ chối tiền mừng cưới, hủy bỏ tiệc trà và không mời người dẫn chương trình. Thay vào đó, họ tổ chức đám cưới đơn giản, dùng rau và trái cây để trang trí bàn tiệc và thực khách có thể mang chúng về sau lễ cưới. Một cuộc khảo sát với 1.251 thanh niên Trung Quốc do tờ China Youth Daily thực hiện vào tháng Sáu cho thấy, 78,4% thích đám cưới đơn giản và 63,4% muốn hủy bỏ các phong tục cưới đã lạc hậu.

Tại Singapore, kiến trúc sư Jezamine Chua (30 tuổi) luôn muốn ngày trọng đại của mình trở thành sự kiện có ý nghĩa hơn đối với khách mời. Năm 2023, cô và vị hôn phu Alvin Leong đã tổ chức “đám cưới siêu nhỏ” chỉ với 30 khách tại một quán cà phê. Các thành viên trong gia đình thì dùng bữa trưa riêng sau lễ thành hôn. Đây là một trong rất nhiều đôi ở Singapore quyết định tổ chức lễ cưới theo cách riêng tư, khác biệt so với chuẩn mực truyền thống, dù có khi họ phải vượt qua sự phản đối của cha mẹ hoặc họ hàng lớn tuổi.

Thông lệ mời hàng trăm khách dự đám cưới ở Singapore đã thay đổi do các hạn chế trong đại dịch COVID-19 khiến mọi người chú ý hơn đến việc tổ chức đám cưới siêu nhỏ, kể cả sau đại dịch. Cô Chua cho biết: “Chúng tôi chỉ muốn một địa điểm ấm cúng để bạn bè có thể dễ dàng trò chuyện. Chúng tôi cũng không dành quá nhiều thời gian cho việc lên kế hoạch và chỉ chi hơn 1.100 USD”. Người lập kế hoạch đám cưới Nor Suhailah giải thích: “Nhiều người từng cảm thấy tổn thương nếu không được mời dự đám cưới, nhưng hiện tại, họ đã thông cảm hơn nếu không được mời vì thực sự, họ không quá thân thiết với cặp đôi”.

Tiết kiệm chi phí

Vào tháng Năm, thay vì chi khoảng 75.000 USD để tổ chức đám cưới với khoảng 150 khách, Vanessa Acosta và Sam Roberts ở thành phố Pasadena, bang California (Mỹ) đã quyết định tổ chức lễ cưới ngay tại sân sau nhà mình với 54 thành viên gia đình và bạn bè thân thiết. Acosta và Roberts đã chi chỉ 3.000 USD và sáng tạo lễ cưới theo phong cách riêng. Acosta cho biết: “Chúng tôi tự làm và mua mọi thứ từ tiệm đồ cũ. Tôi tự may váy cưới và khăn voan”.

Theo nghiên cứu về đám cưới thực tế năm 2023 của công ty tổ chức đám cưới The Knot, chi phí trung bình cho một buổi lễ và tiệc cưới vào năm 2023 là 35.000 USD, tăng 5.000 USD so với năm 2022. Lạm phát trong vài năm qua là lý do chính khiến chi phí tăng cao.

The Wedding Report - một công ty nghiên cứu về đám cưới tại Mỹ - ghi nhận số lượng khách trung bình tại các đám cưới đã giảm kể từ mức trung bình 184 người năm 2006. Năm 2023, các đám cưới có từ 25-50 khách chiếm khoảng 15% thị trường cưới ở Mỹ và các đám cưới có ít hơn 25 khách chiếm khoảng 2%.

Năm 2023, Tạp chí Newsweek đã hợp tác với công ty tư vấn Redfield and Wilton Strategies để khảo sát 1.500 người Mỹ về mức chi phí hợp lý đối với một đám cưới. Kết quả: 25% số người được hỏi thuộc thế hệ Z (sinh từ năm 1997-2012) trong độ tuổi từ 18-25 tin rằng 10.000-20.000 USD là ngân sách hợp lý cho một đám cưới. Đây là sự khác biệt rõ rệt so với thế hệ Y (sinh từ năm 1981-1996), bởi 21% người trong độ tuổi từ 25-35 và 25% người trong độ tuổi từ 35-44 cho rằng chi phí cho một đám cưới nên từ 50.000 USD trở lên.

Ariel Stallings - người sáng lập công ty xuất bản kỹ thuật số Offbeat Wed - giải thích: thế hệ Z đang chú trọng những khía cạnh quan trọng khác của đám cưới đối với họ như: lưu giữ hình ảnh đẹp, hợp thức hóa hôn nhân, chia sẻ trên phương tiện truyền thông; loại bỏ những thứ khác mà họ cho là không cần thiết như ăn uống, thiệp mời sang trọng, tìm kiếm địa điểm tổ chức lớn và chỗ ở cho quan khách.

Theo phụ nữ TPHCM