Ở tuổi 43, bà mẹ hai con có điều kiện thuận lợi để sinh thêm một đứa con nữa. Cô có thu nhập khá, chồng thu nhập ổn định ở một trường đại học và hai con đã lớn. Có điều vợ chồng Ma Li nhận ra, chi phí để nuôi thêm một đứa con quá cao. "Chi tiêu nhiều hơn nên phải làm việc chăm chỉ hơn, bạn sẽ còn rất ít thời gian dành cho con", cô giải thích.

Khi đứa con thứ hai chào đời, Ma đã thuê một vú em. Lương của bảo mẫu là 6.500 tệ (khoảng 22 triệu đồng) mỗi tháng, trong khi thu nhập bình quân của người dân là 54.000 tệ một năm (khoảng 190 triệu đồng). Đó là chưa kể đến chi phí học thêm - khoản mà nhiều phụ huynh xem là cần thiết để vào một trường tốt.

"Nếu bạn cho con đi học toán, tiếng Anh, hát và nhảy, bạn có thể tốn 100.000 tệ một năm," cô nói. Muốn sinh con thứ ba, thì phải rất giàu, không phải giàu bình thường, mà là siêu giàu", người mẹ hai con nói.

Phản ứng của Ma là một dấu hiệu cho thấy thách thức Trung Quốc phải đối mặt khi tìm cách ngăn chặn tỷ lệ sinh giảm và cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đang rình rập.

     Người đàn ông vận chuyển một bức ảnh gia đình con một ở Bắc Kinh, năm 2012. Ảnh: Zhang Jusheng / People Visual

Hồi tháng 5, chính phủ đột ngột tuyên bố sẽ cho phép các gia đình có ba con, kèm một loạt những ưu đãi như thuế, cải thiện khả năng tiếp cận nhà trẻ... Nhưng thuyết phục những cha mẹ bình thường như Ma có ba đứa con vô cùng khó khăn. Nhiều thành phố đã khảo sát sau khi ban hành chính sách này. Kết quả đã khiến các quan chức địa phương mất tinh thần.

Tại Kim Hoa, một thành phố ở tỉnh Chiết Giang, hơn 90% số cặp vợ chồng cho biết không có ý định sinh con thứ ba. Tại Tế Nam, thủ phủ của tỉnh Sơn Đông, các cặp vợ chồng có học thức, thu nhập cao ít muốn có thêm con.

Trước đây, người ta kỳ vọng Ôn Châu, một thành phố thịnh vượng ở bờ biển phía đông Trung Quốc, sẽ áp dụng chính sách ba con ngay lập tức. Đây là địa phương có "truyền thống đông con" và nổi tiếng vì thường xuyên vi phạm luật kế hoạch hóa gia đình trong thời kỳ một con.

Chính sách hai con ban hành cuối năm 2015 cho kết quả tức thì ở Ôn Châu. Khoảng một nửa số trẻ ra đời trong năm năm qua là con thứ hai. Nhưng bây giờ, người dân ở đây chào đón chính sách ba con bằng một cái nhún vai.

Chính quyền địa phương đang dùng các "phương pháp tinh tế" để khuyến khích sinh đẻ. Ví dụ, một số học sinh lớp 7 trong thành phố được giao viết một bài luận có chủ đề: "Tại sao cha mẹ nên sinh cho tôi một đứa em".

Lịch sử gia đình của Ma phản ánh thái độ của người dân địa phương đã thay đổi như thế nào trong những năm qua. Vào đầu những năm 80, cha của cô, ông Ma Keluo đã vi phạm luật kế hoạch hóa gia đình để có ba cô con gái. Giờ đây, Ma Li và các chị gái, không ai muốn lặp lại việc đó.

Yao Yinmei, chuyên gia nhân khẩu học tại ĐH Chiết Giang, cho rằng chi phí giáo dục là yếu tố chính cản trở các cặp vợ chồng sinh thêm con. "Đó là lý do tại sao trung ương hiện đang tập trung vào các biện pháp hỗ trợ để đồng hành với chính sách ba con. Chúng cũng quan trọng như làm chính sách", bà nói.

Những bức ảnh gia đình Trung Quốc từ những năm 1950 và 1960, từ cuốn sách "Những bức ảnh không tên" năm 2020 của Jin Yongquan. Các gia đình đông con rất phổ biến ở Trung Quốc trong thời kỳ này. Ảnh: Wu Huiyuan /Sixth Tone

Nhưng theo ông Ma Keluo, cũng có những vấn đề sâu sắc hơn, dài hạn hơn đằng sau sự thay đổi này. Ông cho rằng xu hướng sinh ít con sẽ khó đảo ngược. "Quan niệm về sinh con đã thay đổi. Ngày xưa, người ta muốn sinh nhiều con vì tỷ lệ sống sót của trẻ sơ sinh không cao do bệnh tật. Ngoài ra, họ sẽ không ngừng sinh cho đến khi họ có con trai", người đàn ông 71 tuổi, nói.

Khi Ma Keluo lớn lên ở vùng nông thôn bên ngoại ô Ôn Châu, hầu hết mọi người sống trong các trang trại nhỏ và dành cả ngày để lao động chân tay nặng nhọc. "Bạn có thể tưởng tượng tại sao việc có con trai lại quan trọng. Đàn ông có thể làm nhiều việc nặng hơn", ông nói.

Quyết tâm có con trai đã khiến Ma Keluo vi phạm chính sách một con. Ông là một trong số ít người làng thoát khỏi cuộc sống ở nông trại, học giỏi và làm giảng viên. Nhưng ông vẫn bị áp lực nặng nề khi chưa có con trai. "Ở quê tôi vẫn còn tồn tại một định kiến: Thật xấu hổ nếu bạn không có con trai", ông kể.

    Một cặp vợ chồng chăm sóc hai con của họ, ở Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, ngày 19/12/2017. Ảnh: Zhao Yong / People Visual

Khi chính sách một con có hiệu lực vào năm 1979, Ma Keluo chỉ có một cô con gái - Ma Li. Vợ chồng ông sinh đứa thứ hai năm 1981, khi địa phương vẫn dung túng cho sai phạm. Họ cho phép sinh hai con nếu chúng có khoảng cách 4 tuổi trở lên. Vào thời điểm đó, một số cặp vợ chồng có tới 5 đứa con. "Nhu cầu sinh thêm con của người dân rất cao - một số lên núi để sinh con, trong khi những người khác chuyển đến nơi khác chỉ để đẻ", ông kể.

Vẫn khao khát có con trai, Ma Keluo quyết định sinh thêm đứa con thứ ba. Nhưng khi Ma Mei chào đời năm 1984, người cha phải từ bỏ ước mơ của mình. Trường giảm lương của ông vì vi phạm giới hạn sinh và cảnh báo sẽ phải đối diện hình phạt nghiêm khắc hơn. "Khi tôi còn trẻ, tôi ước mình có một đứa con trai. Nhưng cuộc sống thật khắc nghiệt, và thực tế dạy bạn phải đối mặt với sai lầm", ông giáo về hưu thừa nhận.

Hai con gái đầu của Ma đã sinh thêm con khi chính sách con một bãi bỏ. Nhưng khi cô con gái thứ ba định sinh thêm cháu, ông khuyên nên cân nhắc.

"Tôi đã chứng kiến những gì mà gia đình hai cô con gái lớn trải qua. Chúng sống căng thẳng và áp lực rất lớn. Tôi tin rằng những người trẻ tuổi coi trọng chất lượng cuộc sống. Một số thậm chí không bao giờ kết hôn", ông giải thích.

Ngoài ra, một số đứa trẻ mà ông biết không muốn gia tài cha mẹ để lại bị chia nhỏ thêm. Khi đang có trọn vẹn tình yêu của cha mẹ, chúng không mong chờ việc có thêm em.

Là con út trong gia đình ba con, Ma Mei, con gái ông Ma Keluo không thấy may mắn khi được sinh ra. Cô vẫn nhớ khi còn nhỏ đã phải trốn các thanh tra kế hoạch hóa gia đình. "Cứ khi nào thanh tra xuất hiện, hàng xóm sẽ cảnh báo tôi và tôi sẽ trốn," cô kể.

Ma Mei cho biết cô luôn ghen tị với những người bạn cùng lớp tiểu học và cảm thấy mình ít nhận được sự quan tâm của cha mẹ vì là con gái thứ ba.

Ma Mei và chồng vẫn chưa quyết định về việc có sinh con thứ hai hay không nhưng chắc chắn không muốn sinh ba con.

Theo vnexpress