Tại một nhà hàng ở thủ đô Bắc Kinh, các món ăn cay kiểu Tứ Xuyên được phục vụ theo cách ăn gia đình. Ở đây, thực khách thoải mái chọc đũa vào những bát vằn thắn với nước chan cay thơm hay dùng đũa bới tìm những miếng cá nướng được bày lẫn vào ớt trên đĩa.
Gắp đồ ăn cho người khác là cách người Trung Quốc và một số nơi khác trên thế giới thể hiện tình cảm thân mật. Bố mẹ gắp những miếng ngon vào bát của con để thể hiện sự quan tâm với con cái, cháu chắt gắp thức ăn cho ông bà để thể hiện sự kính trọng hay lãnh đạo gắp đồ ăn cho nhân viên để bày tỏ sự hào hiệp.
Nhưng người Trung Quốc chỉ dùng một đôi đũa duy nhất để gắp đồ ăn từ đĩa thức ăn chung sau đó ăn hoặc gắp cho người khác.
Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, thói quen này có thể góp phần làm gia tăng sự lây lan của virus. Do đó chính quyền Trung Quốc đang tăng cường tuyên truyền thuyết phục người dân sử dụng một đôi đũa dành riêng để gắp đồ.
Truyền thông Trung Quốc gọi chiến dịch này là "cuộc cách mạng trên bàn ăn". Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Trung Quốc cũng lên tiếng ủng hộ chiến dịch này. Ở khắp nơi trên toàn đất nước, chính quyền địa phương trưng các băng rôn với khẩu hiệu như "Khoảng cách giữa bạn và cách ăn uống văn minh chỉ là một đôi đũa dùng riêng để gắp đồ".
Một số nhà hàng và thực khách cũng thể hiện sự ủng hộ với chiến dịch này. Nhiều nhà hàng giảm giá cho những thực khách dùng đũa chuyên để gắp đồ. Thậm chí ở Hàng Châu, hơn 100 nhà hàng lớn cùng nhau tạo nên một "Liên minh sử dụng đũa gắp đồ".
Bai Yiwen, một trong những chủ nhà hàng ở Bắc Kinh, cho biết kể từ khi nhà hàng này mở cửa trở lại vào tháng 4, hơn một nửa số khách hàng tới đây đã đề nghị cung cấp đũa chuyên để gắp đồ.
"Trước đây, người ta cảm thấy dùng đũa chuyên để gắp đồ thật là rắc rối. Nhưng bây giờ mọi người ngày càng nhận thức tốt hơn và đang dần làm quen với việc này", Bai cho biết.
Mặc dù vậy, vẫn có nhiều người phản đối ý tưởng này. Họ cho rằng dùng đũa mình ăn để gắp đồ cho người khác là một trong những cách thiết thực nhất để thể hiện văn hóa cộng đồng và sự coi trọng gia đình của người Trung Quốc. Đối với họ, điều đó giống như người Mỹ ôm nhau hay người Pháp hôn nhẹ lên má để thể hiện sự tình cảm vậy. Những người này cho rằng dùng đũa riêng để gắp đồ chỉ dành cho những sự kiện trang trọng như tiệc tùng hay khi đi ăn với người lạ.
Việc dùng đũa chuyên để gắp đồ chỉ phổ biến ở các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải, nơi người dân có nhận thức cao về vấn đề vệ sinh. Ngược lại ở một số vùng của Trung Quốc, người dân, đặc biệt là nam giới, cảm thấy tự hào về cái mà người Trung Quốc vẫn gọi là "ăn thùng uống vại" và không hề quan tâm tới những tiểu tiết như vi trùng hay virus.
Trong khi đó, theo kết quả một cuộc thí nghiệm chính quyền Trung Quốc vừa thực hiện, lượng vi khuẩn trong các đĩa mà người ăn có sử dụng đũa riêng để gắp đồ là rất thấp, chỉ bằng 0,4% so với lượng vi khuẩn trong các đĩa đồ ăn dùng chung theo kiểu truyền thống.
Theo Liu Peng, một tư vấn viên về giáo dục ở thành phố Thanh Đảo, mặc dù trong những tháng qua anh bắt đầu quen với việc đeo khẩu trang nhưng anh và các bạn vẫn chưa thay đổi thói quen ăn uống.
"Có thể việc dùng đũa riêng để gắp đồ hợp vệ sinh hơn nhưng đối với chúng tôi ăn uống là lúc để thư giãn và chúng tôi không muốn bị làm phiền bởi những quy tắc lặt vặt đó", anh nói.
Anh cũng lập luận rằng nCoV có tính lây nhiễm rất cao nên kể cả dùng đũa chuyên để gắp đồ cũng không làm giảm sự lây lan của virus này.
"Trong thời gian 30 năm ăn nhà hàng của mình, tôi chưa bao giờ bị nhiễm bệnh cả", Liu tuyên bố.
Trước đây trong lịch sử Trung Quốc có thời kì người dân đã ăn theo khẩu phần riêng, từ 3.000 năm trước cho tới thời đại nhà Đường. Hồi những năm 1910, sau một đại dịch viêm phổi diễn ra ở phía bắc Trung Quốc, một bác sĩ cũng đã khuyến cáo người dân sử dụng đũa riêng để gắp đồ và dùng bàn ăn xoay, loại bàn được mệnh danh là "chiếc bàn ăn hợp vệ sinh" của người Trung Quốc.
Nhà sử học Zhao cho rằng Covid-19 là cơ hội để khôi phục lại phong trào "ăn uống văn minh". "Nếu chúng ta không thay đổi thói quen "dùng một đôi đũa bới thức ăn từ dưới lên" thì chúng ta sẽ bị nhân loại cũng như quy luật chọn lọc tự nhiên đào thải", ông nhận xét.
Tuy nhiên, trừ phi Trung Quốc ra một đạo luật về vấn đề này, thay đổi thói quen ăn uống của người dân nước này không phải là điều dễ dàng, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa.
Shu Xiao, một giáo viên 27 tuổi ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, cho hay cô cảm thấy không thoải mái mỗi lần đi ăn tập thể. Shu cho biết gia đình cô đã bắt đầu dùng đũa riêng để gắp đồ từ năm ngoái khi có tin vi khuẩn gây bệnh dạ dày lây lan trong cộng đồng nơi cô ở.
Cô kể mỗi khi đi ra ngoài ăn với bạn bè, cô không đủ dũng cảm để yêu cầu thêm bộ đũa khác. Thay vào đó, cô cố gắng chỉ ăn phần thức ăn mà các bạn cô ít đụng đũa tới nhất. Cô cũng phải kiềm chế không nghĩ tới có bao nhiêu vi khuẩn trên bàn ăn.
"Các bạn tôi vốn đã nghĩ gia đình tôi thật kì lạ khi dùng đũa riêng để gắp đồ ăn. Vì thế tôi phải làm theo số đông mặc dù trong thâm tâm tôi luôn phản đối họ", Shu tâm sự.
Theo vnexpress