Ngày 15/6, toà án nhân dân quận Phú Dương, Hàng Châu, Trung Quốc mở phiên toà đầu tiên liên quan đến nhận diện khuôn mặt. Nguyên đơn là giáo sư luật Guo Bing kiện công viên Safari Hàng Châu vì vi phạm quyền riêng tư.
Sự việc bắt đầu từ ngày 27/4/2019, Guo Bing đăng ký thẻ thành viên một năm tại Safari Hàng Châu. Đến 17/10, ông nhận được thông báo của công viên về việc thay đổi hệ thống nhận diện từ vân tay sang nhận diện khuôn mặt. Những người không đăng ký khuôn mặt sẽ không thể ra vào công viên. Bức xúc về việc này, ông đã yêu cầu công viên huỷ thẻ thành viên và hoàn trả tiền nhưng không chấp nhận. Ngày 28/10, Guo Bing đã đệ đơn kiện lên Tòa án Nhân dân quận Phú Dương. Ngày 3/11, vụ án được toà án thụ lý.
Phiên toà chưa đưa ra kết luận cuối cùng, nhưng giới truyền thông Trung Quốc đánh giá vụ kiện của Guo đã phơi bày nỗi lo sợ công nghệ đang vượt ra ngoài khuôn khổ luật pháp. Trên Weibo chủ đề về vụ kiện thu hút hơn 100 triệu lượt xem, người dùng lên tiếng kêu gọi các tổ chức ngừng việc thu thập dữ liệu cá nhân.
Giáo sư Fu Hualing đến từ Đại học Hong Kong đặt nghi vấn: "Tại sao một vườn thú thu thập dữ liệu khuôn mặt? Bởi vì dữ liệu có giá trị thương mại". Ông Guo Bing nói việc khởi kiện Safari Hàng Châu không nhằm mục đích đòi lại tiền mà muốn người dân và chính phủ nhìn nhận một cách nghiêm túc về việc nhận diện khuôn mặt có đang bị làm dụng không. "Tôi ủng hộ việc chính phủ sử dụng camera nhận diện khuôn mặt, nhưng đối với tư nhân cần có sự cho phép của luật pháp, tránh việc lạm dụng dữ liệu riêng tư của người khác", giáo sư Guo Bing nói.
Wu Shenkuo, Giám đốc điều hành của Trung tâm Luật quốc tế tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh, tin rằng công nghệ nhận dạng khuôn mặt phải chịu sự giám sát của luật pháp và các bộ phận liên quan. Nếu không có luật pháp và thể chế tương ứng, việc bảo vệ thông tin cá nhân có thể buộc phải thỏa hiệp với công nghệ vô thời hạn.
Trường hợp của giáo sư Guo Bing đã mở ra một cuộc thảo luận công khai về hai nội dung lớn: Công nghệ nhận diện khuôn mặt có đang bị làm dụng không và ai có quyền thu thập và sử dụng thông tin trắc sinh học của người dùng.
Peng Jing, thành viên Ủy ban Quốc gia Hội nghị Tham vấn Chính trị Nhân dân Trung Quốc, kiêm Giám đốc Văn phòng Luật Trùng Khánh Jingsheng nói với Beijing News rằng, có 3 đơn vị ở Trung Quốc được truy xuất thông tin công dân. Đầu tiên, cơ quan công an thu thập và sử dụng dữ liệu cá nhân để điều tra tội phạm. Tiếp đó là các cơ quan chính phủ sử dụng vì lợi ích cộng đồng, như phòng chống dịch bệnh. Cuối cùng là các cơ quan giáo dục, dịch vụ tài chính có thể sử dụng khi được sự đồng ý của cá nhân.
Vấn đề đặt ra với công nghệ nhận diện khuôn mặt ở Trung Quốc lúc này là làm sao để cân bằng giữa sự thuận tiện mà vẫn đảm bảo thông tin cá nhân được bảo an toàn.
Nhận diện khuôn mặt đang trở thành một phần quen thuộc trong đời sống của người Trung Quốc từ thanh toán cho đến quản lý nhân khẩu. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc thu thập thông tin sinh trắc học chỉ nên được thực hiện bởi các cơ quan chính phủ. Các doanh nghiệp muốn sử dụng những dữ liệu này phải được sự đồng ý của người dùng và đảm bảo chúng sẽ được an toàn.
Theo vnexpress