Bao Tiểu Tây (30 tuổi) và vợ đến thành phố Kinh Châu, tỉnh Hồ Bắc giúp việc cho một quán mì ramen được hai năm. Hai vợ chồng thuê trọ ở ngoài nhưng khi Kinh Châu bị phong tỏa, không có tiền, họ đành tá túc trong căn gác xép 7 m2 ngay tại quán do ông chủ bố trí. Không cửa sổ, không lỗ thoát khí, ánh sáng duy nhất trong phòng là bóng đèn nhỏ màu trắng được gắn trên tường.
|
Căn phòng gác mái nơi Bao và vợ bầu 9 tháng phải tá túc suốt 2 tháng tại thành phố Kinh Châu, tỉnh Hồ Bắc. Ảnh:sohu. |
Để lên được gác xép phải trèo qua chiếc cầu thang dốc đứng, vợ Bao mang bầu, bụng to không thể lên xuống cầu thang nên mọi sinh hoạt đều diễn ra tại đây. "Nó rất ngột ngạt nhưng vẫn phải cố chịu đựng", Trình Liên, vợ Bao nói.
Trước khi chủ cửa hàng rời đi, họ để lại cho vợ chồng hai túi bột mì. "Với hai túi lương thực này, vợ chồng tôi đã sống sót qua ngày mà không phải đi ra ngoài ", người đàn ông 30 tuổi cho biết.
Cô Trình dự kiến sinh con vào ngày 14/4. Ngày sinh đến gần và bột mì cũng đang dần chạm đáy. Cặp đôi đã trải qua hai tháng khó khăn trên căn phòng gác mái, sinh hoạt chật chội và ăn mì qua ngày. Họ là những người chắc chắn không đủ khả năng chi trả hàng chục nghìn tệ để có thể sinh nở ở thành phố đắt đỏ như Kinh Châu. Về quê là giải pháp tốt nhất của họ.
Hành trình trở về nhà của gia đình Bao cũng không suôn sẻ bởi vợ không thể đi máy bay. Anh đành trả lại vé và chuyển sang đi tàu cao tốc.
3h chiều ngày 21/3, sau nhiều trục trặc, họ đã lên được tàu và trở về nhà sau đó 12 tiếng. "May mắn mọi thứ đều ổn thỏa. Nếu vợ tôi chuyển dạ trên chuyến tàu, tôi không biết sẽ phải làm gì tiếp theo", Bao nói và cho biết, vợ anh đã được nhập viện tại địa phương. "Có một cửa sổ lớn trong phòng bệnh, tôi rất hạnh phúc vì cuối cùng vợ cũng được nằm ở nơi thoáng gió".
|
Ông Trương phải khai báo danh tính và sức khỏe của những người ngồi trên xe trước khi xe đi vào cao tốc. Ảnh:sohu. |
Cũng khởi hành từ Kinh Châu, gia đình ông Trương (55 tuổi) được cấp phép để trở về nhà mình ở Thâm Quyến vào ngày 15/3. Mắc kẹt tại Hồ Bắc hai tháng sau chuyến đi về quê đón Tết, cả gia đình 4 người đã tự lái xe trở về nhà ngay trong đêm.
Trong những ngày mắc kẹt tại Kinh Châu, gia đình ông Trương chỉ sống dựa vào 3.000 tệ tiền lương cơ bản của ông. Cả 4 người trong gia đình phải tá túc trong căn nhà đã xuống cấp với nhà vệ sinh không khép kín. Thức ăn thường xuyên của cả nhà chỉ là cơm trắng với cá khô.
"Chúng tôi thèm rau và hoa quả nhưng mọi thứ quá đắt đỏ, thỉnh thoảng mới dám mua đôi lần", ông Trương nói và cho biết, trong hai tháng cả nhà ai cũng bị táo bón. "Dù rất khó khăn nhưng cũng phải cố, ai cũng khó khăn như nhau cả", ông nói.
Khi xe về đến Thâm Quyến, cả nhà ông đều reo hò. Căn nhà bị bỏ hoang hai tháng đã phủ đầy bụi. Qua những ngày mưa ẩm, góc nhà đã mốc xanh, phân chuột, gián xuất hiện khắp nơi. Cả nhà ông phải quét dọn, lau chùi nguyên ngày ngôi nhà mới sáng sủa trở lại.
Dù biết trở về là phải tự cách ly 14 ngày nhưng người đàn ông này vẫn hạnh phúc vì dù sao cũng được ở nhà mình. "Khi mắc kẹt ở Hồ Bắc tôi có cảm giác đang bị tù chung thân, về đến nhà tự cách ly 14 ngày giống như đi tù giam cố định nhưng vẫn biết có ngày được tự do hoàn toàn", ông nói.
|
Chú chó của Đại Dung chạy ra đón chủ sau 2 tháng xa nhà. Ảnh:sohu. |
Đối với chàng trai trẻ Đại Dung, 24 tuổi, đường về nhà từ thành phố Tiên Đào, tỉnh Hồ Bắc đến thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên gặp quá nhiều trắc trở.
11h sáng ngày 15/3, Đại Dung và bạn gái bắt đầu khởi hành từ Tiên Đào, Hồ Bắc để trở về nhà. Sau một ngày một đêm đi liên tục, họ đến thành phố Trùng Khánh nhưng không được phép đi vào thành phố bởi đến từ Hồ Bắc. Cả hai lại quyết định thay đổi tuyến đường, vòng lại đi qua tỉnh Hồ Nam rồi băng qua tỉnh Quý Châu để về đến Thành Đô với tổng chiều dài hơn 1.000km.
"Tôi không muốn quay lại Tiên Đào để gặp gia đình bạn gái", Đại nói và cho biết, bố mẹ của Tiểu Linh - bạn gái anh không hài lòng về mình trong buổi ra mắt, ngày 17/1. Mắc kẹt tại Tiên Đào, trong hai tháng anh phải sống một mình ở một căn phòng trọ nhỏ hẹp, nơi chỉ có một chiếc giường và đôi khi chỉ có thể ăn một bữa một ngày.
"Tôi không dám ra ngoài. Tôi cẩn trọng trong mọi hành động và lời nói vì sợ bị đuổi ra khỏi phòng trọ. Còn nơi nào để sống ở thành phố xa lạ mà đang bị phong tỏa này", Đại nói.
Nghe tin thành phố Tiên Đào sẽ được dỡ phong tỏa, Đại đã nhảy từ giường xuống đất rồi gọi cho bạn gái "Nhanh lên, chúng ta hãy về Thành Đô ngay lập tức", anh hét trong điện thoại.
Trước khi lái xe đến tỉnh Hồ Nam, Đại Dung đã gọi điện trước cho cơ quan chức năng để xin phép đi vào thành phố và được yêu cầu có giấy chứng nhận sức khỏe. "Nhưng tôi không có giấy đó", thanh niên 24 tuổi nói.
Anh hứa qua điện thoại rằng sẽ không dừng xe, không xuống cao tốc, không tiếp xúc với mọi người và lái xe một mạch. Cuối cùng cũng nhận được sự đồng ý. Bốn tiếng đi trong địa phận tỉnh Hồ Nam, Đại chấp hành tốt lời hứa, không dừng xe dù chỉ một phút.
Khi đến tỉnh Quý Châu, mọi thứ đều suôn sẻ. Tuy nhiên nếu xe muốn vào khu vực dịch vụ và nhà vệ sinh, cần phải quét mã QR. Lo lắng về xuất thân Hồ Bắc của bạn gái, trong 7-8 tiếng tiếp theo, cả hai đều không dám đi vệ sinh.
Phải mất 45 tiếng, đến 8h sáng ngày 17/3, Đại Dung mới trở về đến nhà ở Thành Đô. Mệt mỏi, căng thẳng, Đại cho hay, khi xuống xe, lưng của anh dường như không còn cảm giác.
"Nhưng trái tim tôi đã chạm được đất. Trong ngôi nhà của mình, tôi được ăn bất kỳ những gì mình muốn", anh nói và cho biết, khi trở về nhà, chú chó con đã không nhìn thấy hai tháng mừng rỡ chạy về phía mình. "Cuối cùng tôi cũng đã được tự do", anh nói.
Ngày 25/3, những hạn chế về đi lại đã được dỡ bỏ tại tỉnh Hồ Bắc. Theo đó, người dân được cấp "mã xanh lá" xác nhận họ không nhiễm virus, thông qua ứng dụng Alipay sẽ được phép rời tỉnh từ ngày 25/3. Trong khi người dân Vũ Hán – thành phố với 11 triệu dân sẽ được dỡ bỏ lệnh hạn chế đi lại kể từ ngày 8/4. Hồ Bắc và thủ phủ của nó, Vũ Hán, là nơi khởi phát Covid-19 với hơn 420.000 ca nhiễm trên toàn cầu tính tới thời điểm hiện tại, trong đó có hơn 81.000 ca ở Trung Quốc.
Theo vnexpress