Đứng đầu Đông Nam Á về số ngày nghỉ lễ chính thức (không tính ngày nghỉ bù) là Myanmar 24 ngày, tiếp sau là Campuchia và Thái Lan cùng 22 ngày. Top 4 thuộc về Philippines với 21 ngày.

Nhóm có số ngày nghỉ lễ thấp nhất khu vực là Lào 9 ngày còn Việt Nam và Singapore cùng 11 ngày.

Số ngày nghỉ như vậy có giúp người Việt tái tạo năng lượng, thư giãn hoàn toàn để "bơm thêm năng lượng" cho công việc hay học tập?

Kỳ nghỉ dài nhất ở Việt Nam chắc chắn là dịp Tết Nguyên đán, theo thông báo chính thức con số ngày nghỉ là 5 ngày. Tuy nhiên thực tế tùy vào hoạt động doanh nghiệp và thời gian khai trương của nhiều công ty, đơn vị ngành hàng mà người Việt được nghỉ tầm 7-10 ngày.

Những năm gần đây, Chính phủ và nhiều bộ ngành cố gắng tạo điều kiện tối đa cho người dân khi tạo ra những kỳ nghỉ lễ kéo dài 4-5 ngày (khi ngày lễ rơi vào trúng thứ bảy hay chủ nhật).

Kỳ nghỉ lễ 2.9 kéo dài 4 ngày vừa qua với nhiều người sẽ là quá dài khi chúng ta vẫn hay thấy các trend thách thức nhau ngủ suốt tại nhà trong kỳ nghỉ nói trên. Nhưng 4 ngày cũng là quá ngắn cho đại đa số sinh viên, người lao động xa quê có thể sắp xếp về quê thăm nhà, thăm ba mẹ (nếu ở xa).

Năm nay, kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2.9 kéo dài 4 ngày, từ thứ bảy ngày 31.8 đến hết thứ ba ngày 3.9. Đợt nghỉ này bao gồm 2 ngày nghỉ lễ Quốc khánh và 2 ngày nghỉ hằng tuần.

Câu hỏi đặt ra là kỳ nghỉ lễ 4 ngày có thực sự dài để người dân thực hiện các kế hoạch vui chơi, nghỉ ngơi tái tạo năng lượng hay không?

Cá nhân người viết cũng mạo muội kể luôn, vì đặc thù công việc nên trong 4 ngày nghỉ phải mất 2 buổi ghi nhận mưa to, đường ngập tại TP.HCM. Không riêng gì ngành truyền thông mà nhiều ngành khác, tại VN, nhiều người vẫn phải cắt bớt ngày nghỉ để chu toàn cho công việc. Đợt nghỉ 4 ngày thực thụ chỉ còn 2 ngày với tác giả bài viết này.

Thời gian bên cạnh cha mẹ

Về quê luôn là lựa chọn của chị Lê Thị Thanh Dung (25 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức), nhân viên truyền thông của một tập đoàn lớn ở TP.HCM. Với những kỳ nghỉ lễ, chị Dung cho rằng không có lựa chọn nào tốt hơn việc được trở về quê nhà Đồng Tháp, tận hưởng khoảng thời gian chất lượng bên gia đình.

Nữ nhân viên cho biết, nhiều người bạn, đồng nghiệp của mình có những sự lựa chọn khác trong ngày lễ như đi du lịch, làm việc hoặc ở lại TP.HCM thì với chị: "Những ngày ở quê không khí trong lành, mát mẻ, được ở cạnh cha mẹ và người thân, ăn những món ăn mình thích, được gặp gỡ những người bạn cũ… sẽ giúp mình xả stress, xua tan những áp lực thường nhật. Với mình, nghỉ lễ là để tái tạo năng lượng, khi trở lại đi làm sẽ có tinh thần tốt nhất", chị nêu quan điểm.

 
leftcenterrightdel
Thời gian nghỉ lễ dù ít hay nhiều vẫn khiến nhiều người thấy giảm stress, lấy lại tinh thần để làm việc. 

Cô gái quê Đồng Tháp cũng cho biết thường trong kỳ nghỉ, chị sẽ rời xa hoàn toàn công việc để có được những ngày nghỉ trọn vẹn nhất và chất lượng nhất. Ở Việt Nam, trong năm không có quá nhiều ngày nghỉ lễ nên mỗi dịp như nghỉ lễ dài như đợt lễ Quốc khánh 2.9 vừa qua là khoảng thời gian quý giá.

Tương tự, anh Phú Nguyễn (26 tuổi, ngụ Q.8) dự định dịp lễ ở lại TP.HCM tận hưởng kỳ nghỉ. Dịp lễ năm nay nghỉ 4 ngày, anh quyết định về quê ở Cà Mau để ở cạnh gia đình. Trong những đợt nghỉ lễ trước, anh dành thời gian đi du lịch cùng bạn bè, tránh xa những áp lực trong công việc. Còn lần này, với anh chỉ đơn giản là: "Nhiều người lễ sẽ đi chơi nhiều, uống rượu bia. Nhưng tụi mình lễ kéo dài thích nhất là được ngủ và về quê", anh chia sẻ.

leftcenterrightdel
 Lễ Quốc khánh 2.9 năm nay kéo dài 4 ngày, được xem là dài hơn so với mọi năm do có thêm 2 ngày nghỉ hằng tuần.

Không đủ!

Cả 2 nhân vật phỏng vấn nói trên đều ở miền Tây, tức là không quá xa TP.HCM để họ trở về cùng ba mẹ và gia đình. Nhưng với câu chuyện những người miền Trung, miền Bắc vào Nam lập nghiệp thì kỳ nghỉ lễ vẫn không thể đủ cho một lần trở về quê.

Ở Hà Tĩnh, Lý Thị Mai (27 tuổi, ngụ Q.Bình Tân) cho biết kỳ nghỉ 4 ngày không đủ để cô sắp xếp về thăm gia đình. Mai làm nhân viên văn phòng, lương chưa đến 10 triệu đồng/tháng. Sau khi chi trả các khoản như tiền trọ, tiền ăn uống và chu cấp cho em ruột đang học đại học, Mai hầu như không có dư. Cách TP.HCM hơn 1.000 km nên để tiết kiệm thời gian nhất thì chỉ có máy bay. Tuy nhiên, tiền vé 2 chiều hơn 3 triệu đồng, số tiền khiến Mai phải đắn đo. "Nếu đi tàu, xe thì rẻ hơn phân nửa nhưng thời gian 1 chiều đi đã mất hơn 1 ngày. Chưa kể, nếu không có thêm 2 ngày nghỉ hằng tuần thì kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2.9 năm nay thật chất chỉ có 2 ngày - về quê là điều không thể", Mai phân tích.

Với Mai, kỳ nghỉ lễ lớn nhưng chỉ 2 hoặc thậm chí 4 ngày như năm nay vẫn là "quá ít" với những người con xa quê và thu nhập không quá cao. Thời sinh viên, cô về quê 2 lần vào dịp tết và nghỉ hè. Từ lúc đi làm, chỉ có kỳ nghỉ Tết là Mai có đủ thời gian để về quê thăm cha mẹ.

Kinh tế không dư dả, thời gian eo hẹp khiến Mai chọn cách đơn giản nhất, tiết kiệm nhất đó là ở lại thành phố. Sống xa gia đình, chưa có người yêu và cũng ít bạn bè, kỳ nghỉ của Mai thường chỉ gặp đồng nghiệp uống cà phê 1 lần rồi sau đó ở nhà xem phim và "ngủ bù".

leftcenterrightdel
 Thời gian di chuyển về quê hay đi chơi xa cũng khiến nhiều người thấy mất sức, nên họ mong muốn kỳ nghỉ lễ dài hơn 4 ngày.

Không quá khó để thấy rằng những người như Mai chiếm số đông ở các trung tâm kinh tế lớn. Họ sống, làm việc ở Hà Nội và TP.HCM nhưng một kỳ nghỉ đủ dài để họ ngược xuôi Nam Bắc thăm cha mẹ già, sum họp gia đình vẫn rất xa xỉ. Với nhiều người, cái nghèo cái khó và miếng cơm manh áo vẫn đeo bám họ để khi tết đến, dù kỳ nghỉ đủ dài nhưng họ đành ở lại làm thêm mà không về.

Nguyễn Thành (30 tuổi, ở Q.Gò Vấp) cho rằng khoảng thời gian 4 ngày không đủ để anh lập kế hoạch cho một chuyến đi du lịch dài. Quê Thành ở Bến Tre, cách TP.HCM chỉ hơn 100 km nên anh có thể dễ dàng về nhà bằng xe máy. "Mình muốn được 1 lần đi du lịch ở các tỉnh phía bắc, được thoải mái vui chơi mà vẫn còn thời gian nghỉ ngơi lấy lại sức trước khi đi làm lại nhưng 4 ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2.9 năm nay thì không đủ", Thành chia sẻ.

Kỳ nghỉ dài giúp làm được nhiều thứ

Anh Huỳnh Hào Huy (28 tuổi, quê An Giang), nhiều năm làm thực tập sinh tại Nhật Bản cho biết ở Nhật có nhiều kỳ nghỉ dài và nhiều ngày nghỉ lễ hơn Việt Nam. Vừa trải qua kỳ nghỉ kéo dài hơn một tuần của lễ Obon, anh nói đây là một trong 3 kỳ nghỉ dài nhất trong năm của người Nhật bên cạnh kỳ nghỉ tết và kỳ nghỉ của "Tuần lễ vàng".

Những ngày nghỉ lễ dài, anh Huy quyết định đi từ nơi mình làm việc ở TP.Tamano (tỉnh Okayama, Nhật Bản) đến Tokyo du lịch, thăm thú và đã có những trải nghiệm, khám phá tuyệt vời. Theo anh, đó cũng là cách để tận hưởng kỳ nghỉ của mình, tái tạo lại năng lượng.

Với những kỳ nghỉ ngắn, kiểu như ở VN, anh nói rằng mình thường gặp mặt bạn bè, cắm trại qua đêm ở các khu vực gần nhà hoặc những tỉnh lân cận. Có những ngày lễ, anh dành thời gian nghỉ ngơi để có thêm năng lượng sau thời gian làm việc cật lực.

"Cũng có khi, mình sẽ đi làm tăng ca vào dịp nghỉ lễ với mức lương tăng cao. Vì mình làm lương được tính theo giờ, nên đôi khi nghỉ nhiều cũng ảnh hưởng tới thu nhập của mình. Tuy nhiên phải công nhận ở Nhật có nhiều ngày nghỉ lễ để mọi người được vui chơi, thư giãn", anh nói.

Chia sẻ với Thanh Niên, bà Karen Farrell (48 tuổi) sống tại thủ đô Dublin (Ireland) cho biết nước bà có khoảng 9 kỳ nghỉ lễ.

leftcenterrightdel
 Bà Karen luôn dành thời gian cho gia đình, con gái trong những kỳ nghỉ của mình

Bà được nghỉ trong ngày đầu năm mới, Ngày Thánh Patrick (17.3), Lễ Phục sinh (21.4), Lễ Giáng sinh (25.12) và Ngày Thánh Stephen (26.12). Ngoài ra còn có ngày nghỉ rơi vào các ngày thứ hai đầu tiên của tháng 5, tháng 6, tháng 8 và thứ hai cuối cùng của tháng 10, gọi là "bank holidays".

"Vì vậy, trong những tháng mùa hè tháng 5, tháng 6 và tháng 8, rất nhiều người sẽ ăn mừng bằng cách đi nghỉ cuối tuần dài. Những ngày lễ đó rơi vào thứ hai nên chúng tôi được nghỉ làm 3 ngày. Đa phần người dân Ireland sẽ đến một khách sạn đẹp, một điểm nghỉ dưỡng để thư giãn. Tôi và con gái cũng thế!", bà tâm sự.

Kỳ nghỉ không quá dài tương tự kiểu VN nhưng cách sử dụng và tận hưởng ngày lễ của bà Karen và người Ireland thật đáng tham khảo.

Vào Lễ Giáng sinh, bà Karen nói rằng cũng như những người dân Ireland khác, bà thường ăn dành thời gian cho gia đình, ăn tối và dành thời gian tâm sự cùng nhau.

leftcenterrightdel
 Nhiều người nước ngoài dành trọn thời gian cho gia đình vào ngày nghỉ lễ

"Vào Ngày Thánh Patrick, chúng tôi có một cuộc diễu hành lớn và có rất nhiều hoạt động nhảy múa, uống rượu và vui chơi. Vào Lễ Phục sinh, một số người đi nghỉ nhưng hầu hết mọi người ăn mừng ở nhà với gia đình. Người dân chúng tôi rất trân trọng giá trị gia đình", người phụ nữ bày tỏ.

"Không trả lời tin nhắn công việc!"

Chị Jodie Huynh, người gốc Việt sống tại Texas (Mỹ) cũng cho biết ở Mỹ có nhiều ngày lễ lớn trong năm, đặc biệt có những dịp lễ nghỉ dài ngày. "Với tôi, dịp lễ là cơ hội tuyệt vời để rời xa công việc thường nhận, tận hưởng cuộc sống. Đó là lý do tôi muốn kỳ nghỉ của mình chất lượng nhất có thể", chị nói.

Anh Trần Hậu (quê ở Nghệ An) hiện đang sống và làm nghề nhiếp ảnh tại Đức. Anh cho biết, ở Đức tùy từng bang và từng năm sẽ có những ngày nghỉ lễ khác nhau nhưng thường có hai dịp nghỉ lễ chính là lễ Phục sinh và lễ Giáng sinh. Anh gắn bó với nghề tự do nên phụ thuộc vào nhu cầu của khách hàng, nghỉ lễ có thể đi làm như ngày thường.

leftcenterrightdel
 Anh Hậu chụp ảnh đường phố, các tòa nhà ở Đức

"Người Việt ở Đức thường tổ chức lễ cưới vào ngày nghỉ lễ vì khách mời được nghỉ sẽ dễ có mặt hơn ngày thường. Với người Đức, họ dành trọn thời gian để nghỉ ngơi, không trả lời tin nhắn hay email liên quan đến công việc, kể cả ngày thứ bảy, chủ nhật bất dù khách hàng của họ là ở nước ngoài, khác múi giờ. Vào thứ bảy và chủ nhật, các trung tâm thương mại cũng đóng cửa, mọi người nghỉ hẳn, không phải đi làm", anh Hậu nói.

Điều anh Hậu kể thỉnh thoảng vẫn được nhiều người Việt áp dụng tuy nhiên nó không phổ biến với đại bộ phận xã hội như ở nước Đức. Văn hóa nghỉ ngơi, nghỉ lễ của người Việt cũng khác nhiều tùy theo độ tuổi và địa lý, ngành nghề.

Theo Thanh niên