Susana de Sant'Anna nhập viện ở San Francisco tháng 6/2015 trong tình trạng nhiễm trùng huyết nặng, biến chứng bởi hội chứng Lemierre, một bệnh truyền nhiễm hiếm gặp, và áp xe phổi trái. Trong 2 năm, cô đã trải qua 2 cuộc phẫu thuật và mất thêm 2 năm để hồi phục. Việc điều trị bệnh khiến Sant'Anna cạn kiệt tài chính và trở thành người vô gia cư. Suốt năm năm nay, cô đã phải ở nhờ nhà bạn bè.

Khi vụ cháy rừng khiến thành phố bị khói bụi bao phủ dày đặc, Sant'Anna bị đe dọa bởi một loại virus có thể tấn công phổi. Cô đang phải “trốn” cả ngày trong một khách sạn. Số tiền được mọi người giúp đỡ vốn rất ít ỏi, vì vậy cô phải nhịn ăn để có đủ tiền trả khách sạn.

Hàng chục ngàn người dân trên khắp tiểu bang California đã rơi vào hoàn cảnh tương tự như Sant'Anna: không có nơi ở hoặc không thể về nhà khi nơi họ ở đang chìm trong khói lửa.

                                                                                Khu lều trại của người vô gia cư dọc theo vỉa hè ở San Francisco

Ngọn lửa đã bùng cháy trong rừng quốc gia Angeles từ ngày 12/8, đến nay đã có hơn 900 đám cháy, thiêu rụi hàng ngàn km2 rừng và làm 8 người chết.

Mặc dù ở cách nơi bùng phát ngọn lửa dữ dội hơn 80km về phía nam, nhưng tro bụi từ vụ cháy vẫn phủ kín lều bạt của Brooke Carillo (48 tuổi) và những người trong nhóm của cô.

“Sống ngoài đường, chúng tôi phải hít quá nhiều bụi bẩn và muội. Khói không phải là điều đáng sợ với chúng tôi mà chính là tro bụi”, cô nói.

Cô và nhóm những người vô gia cư ở đây may mắn được cơ quan cứu hỏa địa phương tặng khẩu trang để bảo vệ khỏi khói bụi và virus corona, trong khi nhóm những người vô gia cư xa hơn về phía bắc phải tự lo cho mình.

Ngay cả trước khi xảy ra cháy rừng, những người vô gia cư ở California đã bị cắt giảm một số dịch vụ, việc kiếm sống cũng khó khăn hơn do ảnh hưởng của dịch bệnh.


                                                           Khói từ cháy rừng che khuất tầm nhìn của đường chân trời San Francisco và San Francisco-Oakland Bay Bridge


Đám cháy LNU Lightning Complex đang là trận cháy rừng lớn thứ 3 trong lịch sử California, thiêu rụi các khu vực ở khu vực các hạt Lake, Napa, Sonoma, Solano và Yolo (Wine Country, Bắc California) khiến các cuộc sơ tán dân cư đang diễn ra trên diện rộng, nhưng nhiều người vô gia cư bị bỏ lại.

Khi cộng đồng dân cư thuộc khu vực Russian River ở Guerneville phải di dời, những người giúp đỡ người vô gia cư như Marcos Ramirez - đồng sáng lập của Mask Sonoma, một tổ chức chuyên cung cấp khẩu trang cho những người vô gia cư để bảo vệ khỏi khói bụi và coronavirus - nhận được báo cáo về những người lang thang trên đường vắng, không được bảo vệ và cũng không có nỗ lực nào đưa họ ra khỏi khu vực.

“Địa phương không hề cung cấp khẩu trang giúp họ chống khói bụi và dịch bệnh COVID-19. Họ phải chịu đựng cuộc sống hiện tại dù sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng lâu dài”, Ramirez nói.

Ramirez ước tính Mask Sonoma tặng hàng chục ngàn khẩu trang cho người vô gia cư kể từ trận hỏa hoạn Tubbs năm 2017 và cho rằng những người vô gia cư đều đeo khẩu trang. 

Quay trở lại câu chuyện của Sant'Anna, khi không thể ở chung với bạn từ cuối tháng 6, cô liên hệ với các dịch vụ dành cho người vô gia cư, nhưng không có phản hồi. Kể từ khi phải ra ngoài, Sant'Anna sống nhờ vào số tiền quyên góp được thông qua trang GoFundMe của mình.

Các quan chức thành phố cho biết họ không thể bình luận về các trường hợp riêng lẻ. Deborah Bouck - phát ngôn viên của trung tâm hỗ trợ người vô gia cư và hỗ trợ nhà ở của San Francisco - nói rằng vào những ngày có cảnh báo không khí ô nhiễm nhiều do khói bụi, các đội tiếp cận người vô gia cư cung cấp khẩu N95 cho “những nhóm người nhạy cảm, hoặc có vấn đề về hô hấp”.

Sant'Anna chuyển đến San Francisco vào năm 2013 sau khi lấy bằng thạc sĩ về truyền thông kỹ thuật số, với hy vọng kiếm được một công việc trong lĩnh vực công nghệ như nhiều người khác. Nhưng căn bệnh hô hấp và khói bụi đã đảo lộn tất cả mọi dự định, khiến cô không thể làm việc và phải sống nhờ sự hỗ trợ của bạn bè và cộng đồng.

Theo  phunuonline.com