Nguy cơ lây lan COVID-19 từ thói quen đeo khẩu trang dưới cằm
Cập nhật lúc 11:59, Thứ ba, 27/04/2021 (GMT+7)
Bác sỹ đa khoa của Phòng khám DTAP Singapore Grace Huang cho biết một thói quen xấu khác của nhiều người là đeo khẩu trang lên cánh tay hoặc khuỷu tay khi tập thể dục.
Nhiều người vẫn mắc phải lỗi sai cơ bản khi sử dụng vật dụng quen thuộc này như kéo khẩu trang xuống dưới cằm.(Ảnh: Hanoi)
Đeo khẩu trang đã trở thành một thói quen nhằm phòng chống dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, một số người vẫn mắc phải lỗi sai cơ bản khi sử dụng vật dụng quen thuộc này như kéo khẩu trang xuống dưới cằm trước khi ăn uống, hoặc tạm thời đeo khẩu trang vào cánh tay khi tập thể dục.
Tuy nhiên, theo bác sỹ đa khoa của Phòng khám DTAP Singapore Grace Huang, đeo khẩu trang ở khuỷu tay hoặc cằm đều là thói quen xấu. Điều này làm mất đi ý nghĩa ban đầu của khẩu trang là nhằm bảo vệ hoặc giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh.
“Với người đã nhiễm bệnh, việc kéo khẩu trang xuống cằm sẽ khiến vi khuẩn tích tụ tại khu vực tiếp xúc với da. Ngoài ra, khẩu trang đã sử dụng bị ẩm bởi các giọt bắn, vì thế bề mặt bên trong của khẩu trang là môi trường thuận lợi cho virus phát triển trên da mặt chúng ta,” tiến sỹ Catherine Ong, chuyên gia tư vấn của Khoa bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore cho hay.
Hơn nữa, mặt ngoài của khẩu trang còn chứa hàng triệu vi khuẩn, virus và bụi bẩn từ môi trường. Bác sỹ Huang khẳng định, kéo khẩu trang xuống cằm khiến cho mặt ngoài của khẩu trang lây lan mầm bệnh trực tiếp tới da mặt và môi.
Một thói quen xấu khác của nhiều người đó là đeo khẩu trang lên cánh tay hoặc khuỷu tay khi tập thể dục. Mặc dù chưa có nghiên cứu nào cho thấy mồ hôi có thể lây lan COVID -19, bác sỹ Huang cho biết, khi đổ mồ hôi, mọi người có xu hướng vô tình chạm vào mặt, làm tăng nguy cơ lây lan mầm bệnh từ tay hoặc cánh tay sang mắt, mũi và miệng.
Hơn nữa, việc đeo khẩu trang lại cũng đưa mầm bệnh vào cơ thể khi rất có thể, khẩu trang đã chạm từ nhiều bề mặt khác ở ngoài môi trường.
Nhiều người nghĩ rằng đặt khẩu trang lên ví hoặc điện thoại thay vì đặt trực tiếp trên bàn là giữ khẩu trang sạch sẽ . Bác sỹ Huang cho biết: “Ví và điện thoại thực chất là những đồ vật bẩn nhất mà chúng ta sở hữu. Chúng ta chạm vào các bề mặt bên ngoài, sau đó chạm vào điện thoại và ví của mình, về cơ bản đã làm những đồ vật này bị nhiễm khuẩn. Lựa chọn an toàn nhất vẫn là một hộp đựng hoặc giá đỡ khẩu trang, giữ cho khẩu trang hoàn toàn không tiếp xúc với bụi bẩn và mầm bệnh bên ngoài."
Tiến sỹ nói thêm, đừng bao giờ gấp khẩu trang khi cho và túi vì nó có thể bị nhàu nát khi bạn di chuyển.
Tiến sỹ Huang cho biết, khẩu trang vải tái sử dụng không có khả năng chống thấm nước và có thể dễ dàng thấm mồ hôi hoặc bất kỳ chất lỏng nào mà nó tiếp xúc. Vì vậy, những chiếc mặt nạ này hoạt động giống như một vật trung gian truyền nhiễm, thấm hút chất lỏng ở trên cánh tay hoặc cằm, và trực tiếp đưa mầm bệnh từ đó đến miệng và mũi khi đeo khẩu trang.
Tiến sỹ Huang khuyên tốt nhất nên sử dụng khẩu trang y tế dùng một lần vì nó có khả năng kháng chất lỏng và lọc tốt hơn khẩu trang vải tái sử dụng. Tuy nhiên, cần phải phân biệt khẩu trang y tế và khẩu trang giấy dùng một lần vì đây là hai loại khác nhau và khẩu trang giấy sẽ không mang lại hiệu quả tương tự như khẩu trang y tế.
Theo Vietnamplus