Ảnh minh họa. (Nguồn: europa)

 

Các vấn đề sức khỏe tâm thần do dịch COVID-19 gây ra sẽ là đại dịch tiếp theo. Đây là kết luận được đưa ra trong một nghiên cứu do Viện Y tế toàn cầu có trụ sở ở Barcelona của Tây Ban Nha (ISGlobal) công bố ngày 5/4.

Trong bản báo cáo, các tác giả nghiên cứu cho biết sức khỏe tâm thần của con người đã chịu tác động của nhiều yếu tố khác nhau và đây là vấn đề cấp bách cần được giải quyết.

Ước tính, chi phí toàn cầu liên quan đến các vấn đề sức khỏe tâm thần đã lên tới hàng nghìn tỷ mỗi năm và 85% những người bị rối loạn tâm thần ở các nước nghèo và thu nhập trung bình không được điều trị. Thực trạng này đã gây ra một "cuộc khủng hoảng toàn cầu chưa từng có."

Các tác giả giải thích đại dịch COVID-19 không những ảnh hưởng tới sức khỏe của mọi người mà còn tác động tới các mục tiêu cá nhân, động lực gia đình, vai trò của họ trong công việc và sự ổn định kinh tế.

Ngoài ra, có nhiều yếu tố khác khiến cuộc khủng hoảng này thêm nghiêm trọng như những thay đổi về vai trò của các cá nhân trong gia đình, bạo lực gia đình, việc cách ly, sự cô đơn, nỗi đau vì mất người thân hoặc bạn bè, tâm trạng lo lắng chung, tình trạng kiệt sức khi làm việc và căng thẳng sau chấn thương.

Nghiên cứu cũng ghi nhận từ 30% đến 60% bệnh nhân mắc COVID-19 bị ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương và ngoại vi, dẫn đến nhiều vấn đề khác nhau. Trong đó, mê sảng là hội chứng tâm thần kinh cấp tính và thường xuyên gặp nhất mà bệnh nhân COVID-19 mắc phải, tiếp đó là trầm cảm và lo lắng.

ISGlobal kêu gọi các chiến lược bảo trợ xã hội để chống lại các vấn đề phát sinh từ thất nghiệp, sự mất mát người thân đột ngột, nỗi cô đơn và cảm giác bị cô lập, song song với việc đảm bảo cung cấp các dịch vụ cơ bản và tài trợ cho các dịch vụ xã hội để giúp đỡ các gia đình khó khăn.

Theo vietnamplus