Ả Rập Xê Út chỉ cho phép những người hành hương “miễn dịch” đến Mecca - Ảnh: AFP/Getty Images

 

Bộ phụ trách hoạt động hành hương của Ả Rập Xê Út (HUM) giải thích khái niệm “miễn dịch” bao gồm ba loại đối tượng: Những người đã được tiêm đủ 2 liều vắc-xin COVID-19; những người đã được tiêm một liều duy nhất trước đó ít nhất 14 ngày và những người đã được điều trị khỏi COVID-19.

Chỉ những người “miễn dịch” như trên mới đủ điều kiện để được cấp phép thực hiện chuyến hành hương, cũng như tham dự các buổi cầu nguyện tại Nhà thờ Hồi giáo lớn ở thánh địa Mecca.

Chính sách mới ban hành sẽ "nâng cao năng lực hoạt động" của Đại đền Hồi giáo trong tháng Ramadan, điều kiện này cũng được áp dụng cho người hành hương đến Đền thờ nhà tiên tri ở thánh địa Medina.

Bộ HUM cho biết quy định sẽ có hiệu lực từ tháng Ramadan - dự kiến bắt đầu vào cuối tháng này - nhưng không cho biết sẽ kéo dài bao lâu. Cũng không rõ liệu chính sách, được đưa ra trong bối cảnh gia tăng lây nhiễm COVID-19 ở Vương quốc Ả Rập Xê Út, sẽ được áp dụng cho hành hương cuối năm nay và cho các cuộc hành hương trong cả năm hay không.

Ả Rập Xê Út đến nay ghi nhận hơn 393.000 ca nhiễm COVID-19, trong đó đã có 6.700 trường hợp tử vong. Bộ Y tế vương quốc có 34 triệu dân cho biết họ đã tiêm hơn 5 triệu liều vắc-xin COVID-19 cho người dân nước này.

Thông báo về điều kiện hành hương đến Mecca được đưa ra sau khi Quốc vương Salman thay thế Bộ trưởng HUM - ông Mohammad Benten - vào tháng trước bằng tân Bộ trưởng Essam bin Saeed, chưa đầy một năm sau khi vương quốc tổ chức lễ hành hương nhỏ nhất trong lịch sử hiện đại do đại dịch.

Hãng thông tấn Ả Rập Xê Út (SPA) cho biết, cuối tháng 7 năm ngoái, vương quốc đã tổ chức một cuộc hành hương hajj - một trong năm trụ cột của Hồi giáo và phải dành cho những người Hồi giáo - có sức khỏe ít nhất một lần trong đời. Chỉ có tối đa 10.000 cư dân Hồi giáo của Ả Rập Xê Út được phép tham gia, khác xa so với 2,5 triệu người Hồi giáo từ khắp nơi trên thế giới tham gia vào năm 2019.

Đến nay vẫn chưa rõ bao nhiêu người hành hương sẽ được phép đến Mecca trong năm nay, nhưng các cuộc hành hương đến thánh địa sẽ được phép hoạt động trở lại hết công suất, một khi mối đe dọa của đại dịch giảm bớt.

Việc Ả Rập Xê Út quản lý  Mecca và Medina - hai địa điểm linh thiêng nhất của đạo Hồi - được coi là nguồn gốc mạnh mẽ nhất về tính hợp pháp chính trị của chế độ quân chủ. Các thánh địa cũng là nguồn thu quan trọng của Ả Rập Xê Út, khi nền kinh tế vương quốc đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.

Theo phunuonline