Đó là "thực trạng chạnh lòng" như chia sẻ của một số nhà biên kịch phim truyền hình về nghề này ở Việt Nam hiện nay.

Biên kịch chưa sống tốt với nghề

Theo nhà sản xuất Nguyễn Minh, giám đốc Công ty Kịch Bản Việt, trong cơ cấu về chi phí sản xuất của phim (dài tập) hiện nay, thù lao dành cho biên kịch chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn, chỉ khoảng 5 - 7% mức đầu tư cho phim. "Chính vì thù lao chưa tương xứng nên họ phải làm nhiều việc hoặc xem biên kịch như một phần công việc của nghề chứ không dồn toàn lực, sống chết với nghề", anh Minh lý giải.

Nhà biên kịch Việt đang ở đâu ? - Ảnh 1.

Phim Mặt trời mùa đông đang thu hút người xem bởi câu chuyện hấp dẫn, song đó là tác phẩm làm lại từ nước ngoài

VieON

Được biết, thù lao của biên kịch phim dài tập hiện nay dao động từ vài triệu đến hơn chục triệu đồng cho mỗi tập phim. Chưa kể, để hạn chế kinh phí, một số nhà sản xuất không ngại chấp nhận dễ dãi trong việc sử dụng kịch bản, bởi một kịch bản được viết bởi "dân tay ngang" có mức thù lao thường chỉ bằng khoảng 1/3 biên kịch chuyên nghiệp.

Chia sẻ vấn đề này, nhà văn - biên kịch Trương Huỳnh Như Trân (với các phim Mai anh đào, Gia đình số đỏ, Gia tài bác sĩ, Những cuộc phiêu lưu của Hai Lúa - phần 2, Dịch vụ gỡ rối từ A - Z, hay series phim ngắn Tôi yêu Việt Nam…) bày tỏ: "Các nhà biên kịch Việt Nam đã được đãi ngộ đúng mức với quyền lợi và trách nhiệm của họ chưa? Chẳng hạn một môi trường làm việc phù hợp với đặc trưng của nghề sáng tác kịch bản thay vì quán cà phê, tranh thủ làm ở nhà… Thu nhập có đủ để họ trang trải cho những nhu cầu thiết yếu phục vụ cho việc viết kịch bản chưa? Ví như đi khảo sát, trải nghiệm thực tế, tìm chuyên gia tư vấn về một chuyên ngành nào đó được khai thác trong kịch bản…". Chưa kể, biên kịch hay bất cứ người lao động, sáng tạo ngành nghề nào cũng không thoát được suy nghĩ khi dốc toàn tâm toàn lực cho nghề của mình, thu nhập có đảm bảo để tích lũy được với nghề, để trang trải cho gia đình hay cải thiện, nâng cao đời sống?... Mà thực tế là, nếu chỉ với nghề biên kịch, "việc sống với nghề là bất khả thi", một tác giả kịch bản thổ lộ.

Mọi so sánh luôn khập khiễng, nhưng không thể không đề cập khi mới đây, cùng với tiếng vang của bộ phim The Glory (Vinh quang trong thù hận - Hàn Quốc), thông tin về thù lao của nhà biên kịch phim này cũng được công bố, với khoảng hơn 1,8 tỉ đồng/tập phim, tương đương cát sê một tập phim của diễn viên ngôi sao. Trong khi ở ta, tuy là thuận mua vừa bán, nhưng như một biên kịch chia sẻ, đó chỉ là con số mà biên kịch đành chấp nhận thôi, chứ "tóm lại vẫn do vai trò của biên kịch chưa được coi trọng ngay cả trong nhận thức của người làm nghề".

Nhà biên kịch Việt đang ở đâu ? - Ảnh 2.

Đừng làm mẹ cáu, một trong những phim Việt hấp dẫn với kịch bản do 2 biên kịch Diệu Thúy và Nguyễn Thu Thủy đảm nhiệm

VFC

Mơ về "biên kịch vàng"

Hiện nay, chưa có nơi nào, đơn vị nào tổ chức hoặc quy tụ các biên kịch lại để cùng sáng tạo, mà mỗi hãng phim, mỗi đơn vị sản xuất tự tìm nguồn và đào tạo nguồn nhân lực theo tiêu chí của hãng mình. Vì thế, rất nhiều biên kịch hoạt động nhưng không được công nhận. Chưa kể, "nhiều biên kịch khó ngồi chung với nhau. Điều này ít nhiều dẫn đến sự hạn chế về sáng tạo, chủ quan. Trong khi với ngành nghề này, mô hình biên kịch theo nhóm hiện được xem là đặc thù", một nhà sản xuất cho biết.

Về vấn đề này, đạo diễn Việt Linh chia sẻ thêm: "Tuy chưa có trải nghiệm làm việc nhóm, nhưng tôi tin nhiều cái đầu - cùng làn sóng, mục đích - vẫn hơn một cái đầu. Chưa hẳn là công thức nhưng đã có nhiều nhóm biên kịch rất thành công, đặc biệt phim dài tập. Riêng tôi, dù không làm việc nhóm, vẫn luôn tham khảo những người tin cậy để tìm thêm phản biện, sau khi đã nghiêm túc tự phản biện. Ở khía cạnh này, nhóm biên kịch có nhiều điều kiện, ưu thế hơn cá nhân".

Quả thực, theo biên kịch Trương Huỳnh Như Trân, dù sáng tạo độc lập, nhà biên kịch chuyên nghiệp đến đâu cũng cần được làm việc với đạo diễn, nhà sản xuất/đầu tư hoặc biên tập, cố vấn… đủ tầm, thẩm thấu, phản biện, phê bình, góp ý để nâng cao chất lượng kịch bản; thay vì phải sửa theo cái tôi của một cá nhân có quyền quyết định mà thiếu chiều sâu với nghề.

Xem phim truyền hình, các series chiếu app hiện nay, không khó để nhận thấy một trong những nguyên nhân khiến khán giả dễ chuyển kênh là bởi kịch bản còn lỏng lẻo, thiếu logic, thiếu thực tế đến mức khó chấp nhận. Trong khi đó, nhìn lại các phim gây sốt và thực sự hấp dẫn, bên cạnh số ít phim do nhóm biên kịch Việt Nam viết kịch bản (Đừng làm mẹ cáu, Về nhà đi con…), phần lớn có kịch bản từ nước ngoài (Thương ngày nắng về, Hương vị tình thân, Cây táo nở hoa, Gạo nếp gạo tẻ, Vợ quan… hay mới đây là Mặt trời mùa đông).

Chúng ta có đạo diễn tên tuổi được săn đón, có diễn viên ngôi sao trở thành "gà cưng" của các hãng sản xuất, nhưng để có một "biên kịch vàng" bảo chứng cho sức hút của bộ phim thì vẫn còn là ước mơ. Dù vậy, như mong ước của biên kịch Trương Huỳnh Như Trân, để cải thiện phần nào tình trạng thiếu kịch bản chất lượng cao, cần phải tạo môi trường làm việc phù hợp cho nhà biên kịch, nâng mức thù lao để các biên kịch có thể yên tâm dành trọn một khoảng thời gian (ví dụ một năm) chỉ để nghiên cứu tư liệu, viết và chỉnh sửa kịch bản, mời nhiều nhà biên kịch nổi tiếng, chuyên gia từ các nước có nền điện ảnh - truyền hình phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc... sang đào tạo, bồi dưỡng cho các nhà biên kịch hay các công ty, hãng phim, đài truyền hình, hội điện ảnh... Có thể tuyển chọn những biên kịch trẻ, thực sự tiềm năng gửi ra nước ngoài đào tạo (4 năm trở lên), sau đó phải trở về phục vụ cho nền phim ảnh nước nhà. Trương Huỳnh Như Trân cũng cho rằng nên có một hiệp hội biên kịch để hỗ trợ nhau cùng phát triển, về cả quyền lợi và trách nhiệm.

Ở góc nhìn khác, nhà sản xuất Nguyễn Minh gợi mở: "Các trường đại học đủ lực cũng nên thành lập trung tâm chế tác kịch bản; các ngành thuộc văn học ứng dụng nên xem biên kịch là ngành học thế mạnh, tập trung đào tạo sâu và chất lượng để có nguồn nhân lực tốt nhằm đáp ứng cho nhu cầu của thị trường. Hoặc các đài truyền hình có thể đầu tư và thu hút biên kịch, chọn kịch bản sau đó đưa ra cho các hãng, nói cách khác, cần một nơi đủ uy tín để "hiệu triệu" các biên kịch, trao cơ hội công việc, công nhận sự đóng góp và nâng cao tay nghề của họ thì lâu dài mới có đội ngũ chắc tay và có đội ngũ kế thừa".

Theo Thanh niên