Nhà đầu tư Trung Quốc bỏ giấc mơ ‘ngôi nhà thứ hai’ tại Malaysia

 

Năm 2017, Patricia Li chuyển từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đến Malaysia với nhiều viễn cảnh tươi sáng. Hàng nghìn người trung lưu Trung Quốc đổ xô đến Malaysia để mua bất động sản với mơ ước có một ngôi nhà thứ hai ở nước ngoài.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc cũng đẩy mạnh đầu tư vào Johor, bang phía nam Malaysia, với lý do gần Singapore. Những dự án phù hợp nhu cầu của người giàu Trung Quốc mong muốn đầu tư ra nước ngoài hoặc xây dựng một phong cách sống mới ở nước ngoài đã được phát triển. Từ năm 2011, Country Garden, công ty bất động sản có trụ sở tại Quảng Đông đã đầu tư gần 4,83 tỷ USD vào Malaysia, tạo ra hơn 1.500 việc làm.

Với Patricia Li, cô đã mở một quán trà ở Johor phục vụ cho cộng đồng người Hoa đang ngày một đông hơn nhờ vào chương trình Malaysia ngôi nhà thứ hai của tôi (Malaysia my second home – MM2H). MM2H ra mắt hồi 2002, cung cấp thị thực dài hạn lên đến 10 năm cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, nhiều thứ đã thay đổi trong thời gian ngắn. Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 và căng thẳng địa chính trị gia tăng khiến giới đầu tư Trung Quốc trở nên thận trọng. Tháng trước, Malaysia đã quyết định đình chỉ chương trình MM2H. Quyết định này nhằm tuân thủ quy định cấm người ngoại quốc nhập cảnh trong bối cảnh đại dịch.

Giữa nhiều bất định, những người muốn được định cư ở Johor buộc phải cân nhắc lại kế hoạch. Nhiều người đã chọn cách bán đi căn nhà tại Malaysia khi họ không chắc chắn bao giờ có thể quay trở lại bất chấp lỗ nặng.

Patricia Li cho biết trên WeChat, cô đọc thấy các bài rao cố gắng bán một căn hộ 48 m2 với giá 600.000 nhân dân tệ (88.640 USD). Trong khi đó, cô đã chi hơn 1 triệu nhân dân tệ cho một căn tương tự. Quán trà của cô cũng đang phải đóng cửa vì vắng khách khi nhiều người Trung Quốc rời khỏi Johor.

Chủ đề có nên bán lỗ bất động sản hay không thường xuyên được Patricia Li và những người bạn thảo luận trong vài năm qua. Cô từng nghĩ tài sản sẽ tăng giá, quán trà sẽ đông những người Trung Quốc mới đến, nhưng thực tế rất khác những gì cô mong đợi.

Wendy Wu, một người đến từ Bắc Kinh đầu tư bất động sản ở Johor cho biết, sẽ không có nhà đầu tư Trung Quốc mới, nếu không được cấp thị thực dài hạn.

Giai đoạn 2002-2018, chuơng trình MM2H đã cấp 43.934 visa cho chủ đầu tư đến từ 131 quốc gia và vùng lãnh thổ. 30% trong số đó đến từ Trung Quốc đại lục. Tuy nhiên, cánh cửa này đã đóng lại và không ai dự đoán được khi nào cửa sẽ mở.

Theo Hiệp hội tư vấn về MM2H, 90% đơn đăng ký được gửi đi từ tháng 9 đến tháng 11 năm ngoái, tức trước khi Covid-19 xuất hiện, đã bị từ chối mà không có bất cứ lý do gì được đưa ra.

Mua nhà ở nước ngoài được xem là con đường tắt giúp các gia đình Trung Quốc có cuộc sống tốt đẹp hơn. Ngôi nhà không chỉ là tài sản tăng theo thời gian, mà còn là môi trường thuận lợi cho cuộc sống trong khi vẫn tương đối gần Trung Quốc đại lục và Singapore.

GS Simon Zhao, đến từ đại học quốc tế BNU-HKBU cho biết quy mô đầu tư của giới trung lưu Trung Quốc ở nước ngoài đã giảm mạnh do đại dịch, đặc biệt là khả năng chi tiêu của nhiều người bị ảnh hưởng do suy thoái kinh tế. Ông nhận định hầu hết nhà đầu tư cá nhân này không chuẩn bị sẵn sàng về mặt tài chính hoặc tâm lý trước những rủi ro khi đầu tư ra nước ngoài.

Theo vnexpress