|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Tại sao khi ra đường ai cũng là những phụ nữ tinh tế, những người đàn ông lịch lãm nhưng lúc về nhà, chúng ta lại biến thành sư tử Hà Đông/ông chồng lười nhác trong mắt chồng mình/vợ mình?
Tại sao ta luôn biết nhịn nhường người dưng nhưng lại hơn thua với người nhà?
Tại sao ta bị thiên hạ vùi dập nhưng lại đem ấm ức đó về dập vùi lại chính người thân trong nhà mình?
Về đến nhà là... hiện nguyên hình
Nhiều phụ nữ dũng cảm thừa nhận rằng: “Nhiều khi công việc ở cơ quan quá áp lực, bị đồng nghiệp chơi xấu, vất vả mưu sinh khiến mình về nhà rất hay cáu giận vô cớ với chồng con. Biết là sai đấy nhưng không sửa được. Sau mỗi lần như thế lại cảm thấy có lỗi nên nấu bữa cơm thật ngon để bù đắp. May mà ông xã cũng hiểu và thông cảm cho vợ. Người nhà với nhau mà, không xả ra chẳng lẽ lại ôm cục tức trong lòng? Người nhà là người để mình được sống thật với cảm xúc của mình mà”.
Tôi dùng từ dũng cảm trong trường hợp này là bởi họ đã nhận ra họ sai. Nhiều phụ nữ lẫn đàn ông khác còn chẳng dám thừa nhận mình sai. Họ mặc định rằng người nhà là phải thế. Nhiều người chồng còn chắc nịch rằng: về đến nhà là không phải diễn nữa. Nên họ về đến nhà là… hiện nguyên hình.
Hôm nọ, vợ tôi bảo: “Nhiều khi em thấy làm vợ, làm chồng thật đáng thương. Bao nhiêu thứ tốt đẹp toàn người ngoài được hưởng. Trong khi đó, vợ chồng về nhà toàn nhìn thấy những thứ xấu xí nhất của nhau. Chưa kể ra ngoài, cô vợ nào cũng phấn son lộng lẫy, dịu dàng thùy mị, nói toàn lời hay ý đẹp còn về nhà thì mắng chồng chửi con, mặt không trang điểm, quần áo luộm thuộm...
Các ông chồng cũng vậy. Ra đường toàn nói những lời quân tử anh hùng nhưng về nhà nhiều khi còn ăn thua với vợ; người ngoài nhờ gì cũng xăng xái làm, vợ nhờ tí là quát nhặng lên. Thà cứ yêu nhau còn hơn cưới nhau, đúng không anh?”.
Ngẫm lại thấy có sai đâu! Lấy ngay ví dụ rành rành về chính mình: đôi khi tôi được mời tham gia talk show thì trên ti vi, mọi người đều thấy tôi “lung linh”, nói toàn những lời đầy ý nghĩa về cách làm chồng, thuật làm vợ, hướng dẫn sử dụng hôn nhân sao cho tốt đẹp...
Thế nhưng phải đứng vào vai vợ tôi mà nhìn mới thấy hình ảnh một người chồng quát to đến mức chó còn phải sợ, lười biếng đến mức vợ nhờ lấy cái điều khiển điều hòa là lại gọi con: “Nguyên ơi, mang cho bố cái điều khiển điều hòa vào cho mẹ”. Cuối cùng, vợ tôi phải tự ra phòng khách lấy.
Hay vô số lần tôi lắng nghe hàng ngàn phụ nữ trải lòng, chăm chú đến thế, dịu dàng đến thế còn khi về nhà, vợ mới kể chuyện hôm nay ở xưởng thế này, có khách thế kia… là lại nhăn mặt nhăn mũi: “Để yên cho anh xem bóng đá”…
Người nhà - chúng ta thường mặc định rằng đó là người thân của mình, người sẽ đi cùng ta đến cuối cuộc đời nên chẳng có gì phải cân nhắc lời nói, chẳng có gì phải giữ ý. Là người nhà thì phải sống thật với cảm xúc của nhau (nhưng sao toàn cảm xúc tiêu cực?). Là người nhà phải chấp nhận mọi tốt xấu của nhau (nhưng sao cái xấu nhiều hơn cái tốt?). Là người nhà thì phải trở thành nơi ta có thể trút bỏ mọi điều (nhưng sao nghe giống thùng rác?).
|
Tương kính như tân là một bí quyết giữ hôn nhân nhưng không phải ai cũng áo dụng được (ảnh minh họa) |
Người nhà là người thương
Tôi không biết mọi người nghĩ về 2 chữ “người nhà” thế nào, còn tôi vẫn nghĩ rằng người nhà là người thương. Là thương hơn người ngoài. Là xót hơn người ngoài. Là gìn giữ hơn người ngoài. Là sợ làm họ đau lòng hơn người ngoài. Là khi buồn bực ngoài kia đừng biến người nhà thành cái thớt, đừng coi người nhà là thùng rác, là nơi trút bực dọc. Thay vào đó, sao không dùng nhau như chiếc gối ôm, như nơi ngả đầu, như chốn dựa dẫm?
Hay như tôi vẫn tâm sự với 3 đứa trẻ nhà mình mỗi khi tôi gặp chuyện không vừa ý trong đời. Dù có thể chúng chẳng cho tôi lời khuyên nào cả nhưng chúng biết bố cũng có những phút giây yếu đuối để rồi thương bố hơn. Ý nghĩa của người nhà chẳng phải vậy ư?
Có câu chuyện về chiếc ô tô mới mua của mình khiến tôi nghĩ mãi. Những ngày đầu mới mang xe về, tôi đem xe đi rửa gần như mỗi tuần. Tôi lái nó rất cẩn thận, phần vì xe mới là xe 7 chỗ, khác với chiếc 5 chỗ tôi quen lái, phần cũng vì nó đang… đẹp quá. Nhưng rồi một hôm, do lùi xe không chú tâm, tôi làm chiếc xe bị xước 1 vệt dài. Tôi đã lên mạng tìm mua bút phủ sơn xe về để phủ lên vết xước. Tốn một khoản kha khá. Nhưng sau vết xước đầu tiên đó là vết xước thứ hai, thứ ba, thứ tư… Tôi bắt đầu mặc kệ chúng. Tôi lái ẩu hơn (vì quen xe rồi). Tôi cũng vứt chiếc bút phủ sơn mua mấy triệu đồng ở đâu đó chẳng dùng vì lười ngồi tô tô vẽ vẽ.
Tôi nghĩ mãi về 2 chữ người nhà. Chắc cũng vậy. Ngày chúng ta mới kết hôn, vợ chồng đều “tương kính như tân”. Người vợ dù đi làm về mệt mỏi thế nào vẫn vui vẻ với chồng. Người chồng mới cưới được vợ nên đi đâu cũng nắm tay vợ thật chặt, mặt đầy vẻ tự hào. Nhưng sao những điều đó chẳng tồn tại được lâu? Một lần cãi cọ. Một hôm tủi thân. Một phen giận dỗi. Ban đầu chúng ta còn cuống lên y hệt tôi với vết xước xe đầu tiên. Nhưng rồi thì sao? Chúng ta gọi nó bằng cụm từ mỹ miều: bao dung cho nhau trong khi tên thực tế là: thôi thì chấp nhận.
Cứ thế, giá trị của người này trong mắt người kia giảm dần. Rồi, thay vì gọi vợ yêu, chồng yêu, ta đổi thành vợ, thành chồng, rớt chữ yêu lúc nào chẳng hay. Nhiều khi người thương ngày nào giờ còn bị gọi là… “cọp cái ở nhà”, “chồng hết thuốc chữa”. Tệ hơn, đến một ngày, ta chỉ coi người đang sống cùng ta như một đồ vật lâu ngày trong nhà.
Chúng ta cư xử với người nhà thế nào đây? Chúng ta bị cư xử thế nào rồi? Có bao giờ bạn tự hỏi điều đó? Để rồi như hôm trước, tôi có đưa 1 đề nghị trong nhóm cho những người vợ, người chồng: Hãy flex (khoe) 1 điều nào đó về cuộc hôn nhân của bạn. Có điều gì khiến bạn tự hào về cuộc hôn nhân này?
Giữa rất nhiều cú flex - khoe chồng quan tâm đến vợ, vợ sinh được 3-4 đứa con… đầy ngưỡng mộ và tự hào thì vẫn thấy những cú flex trái ngang. Nhiều người vợ flex về nỗi đau của họ khi bị chồng đối xử tệ. Như “Cưới được người chồng tâm lý. Tâm lý với mọi người, trừ vợ”. Như “Chồng em thương người lắm. Với mọi phụ nữ, chồng em đều thương, trừ em - vợ của ảnh”. Như cả lời khen chồng mà nhiều người vợ chia sẻ hóa ra không phải chồng chung thủy, biết quan tâm đến vợ mà lại là: chồng giỏi chịu đựng vợ. Cũng còn may là họ nhận ra đôi khi mình thất thường, nhận ra rằng chồng mình đang chịu đựng mình.
Còn bao nhiêu người vợ vẫn hằng ngày trút vào chồng con những bực dọc của họ mà cho rằng người nhà phải vậy?
Chúng ta lên án những vụ bạo hành gia đình nhưng đôi khi chính mình lại là thủ phạm mà không biết. Đó là khi ta nhân danh người nhà để trút những cảm xúc tiêu cực vào người thân. Bao nhiêu đứa trẻ đã nói rằng: “Mẹ đẹp nhất khi mẹ cười. Chỉ là lâu rồi mẹ chẳng cười”. Bao nhiêu người chồng nói đùa nhưng rất thật: “Ra đường sợ nhất công nông/ Về nhà sợ nhất vợ không nói gì”. Bao nhiêu người vợ đang thở dài khi nói: “Chồng em được cả thiên hạ khen nhưng em lại là một người vợ bất hạnh”.
Người nhà đâu đáng bị đối xử như vậy!
Theo phụ nữ TPHCM