Khoảng 2/3 người sử dụng lao động cho biết thế hệ nhân viên sinh từ năm 1981 đến 1996 là nhóm có tỷ lệ nghỉ việc cao nhất trong công ty mình, theo cuộc khảo sát với 72 nhà quản lý doanh nghiệp sử dụng khoảng 400.000 nhân viên.

Một phần ba những người được hỏi cho biết các nhân viên Gen Z, người ở độ tuổi đầu đến giữa 20, là nhóm có nhiều khả năng rời đi nhất và chỉ 4% cho rằng Gen X, những người ở độ tuổi 40 và 50, là nhóm nghỉ việc nhiều nhất, theo Bloomberg.

Ông Mark Williams, giám đốc điều hành khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi tại WorkJam, công ty thực hiện cuộc khảo sát, cho biết trong 2 năm qua, các nhân viên trực tiếp làm việc với khách hàng ngày càng xa cách với công ty họ.

"Nhân viên không cảm thấy được lắng nghe và đánh giá cao", ông nói.

 
nhan vien tre nghi viec anh 1

Theo nhiều nhà điều hành doanh nghiệp, nhân viên trẻ là nhóm có tỷ lệ nghỉ việc cao nhất. Ảnh:Chong Jun Liang.

Các công ty ở mọi ngành công nghiệp và quốc gia đã phải đối mặt với tình trạng nhân viên nghỉ việc gia tăng với những con số kỷ lục. Điều này một phần do trong đại dịch, nhiều người cảm thấy cuộc sống quá ngắn ngủi và không muốn mắc kẹt trong một công việc không ưng ý.

Lý do này cũng được chứng minh bởi cuộc khảo sát, khi lý do phổ biến nhất cho quyết định nghỉ việc của Gen Z là không được đánh giá cao, tiếp theo là mong muốn có được sự linh hoạt hơn và thất vọng với triển vọng nghề nghiệp.

Hậu đại dịch, làn sóng tự nguyện nghỉ việc (Great Resignation) bùng nổ khắp toàn cầu.

Eric Knudsen, nhà nghiên cứu cấp cao về khoa học con người của LinkedIn, cho biết nhân viên không chỉ xem xét lại cách thức và lý do họ làm việc, mà còn muốn sự linh hoạt và hiệu quả cao hơn. Nếu họ không tìm ra ý nghĩa, nhiều người sẽ từ bỏ.

Theo khảo sát của LinkedIn về mức độ hạnh phúc của nhân viên tại nơi làm việc, trong 3 tháng từ tháng 4/2021 đến tháng 7/2021, mức độ hạnh phúc giảm 3% và tình trạng kiệt sức tăng 9%. Nhiều người sẵn sàng chấp nhận rủi ro để ra đi tìm con đường mới.

Theo Zing