leftcenterrightdel
(Ảnh minh họa do AI tạo ra trên công cụ của Bing) 

Trước tình trạng ngày càng nhiều người Nhật Bản không muốn kết hôn hoặc kết hôn muộn, chính quyền nước này đã áp dụng nhiều biện pháp kinh tế để khuyến khích người dân kết hôn,

Từ tháng 4/2021, các cặp đôi mới kết hôn ở Nhật Bản có thể được nhận khoản trợ cấp tới 600.000 yen (5.700 USD) để trang trải phí thuê nhà và các chi phí khác khi bắt đầu cuộc sống mới nếu họ sống tại các khu vực đô thị áp dụng chương trình hỗ trợ của chính phủ đối với các cặp đôi mới kết hôn.

Vào tháng 6/2023, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã công bố chính sách mới nhằm đảo ngược tỷ lệ sinh thấp lịch sử của nước này.

Các biện pháp dự kiến sẽ tiêu tốn khoảng 22 tỷ USD, bao gồm cam kết tăng gấp đôi chi tiêu cho chăm sóc trẻ em vào đầu những năm 2030 và nâng mức trợ cấp nuôi dưỡng trẻ em, cùng các ưu đãi khác mà chính phủ Nhật Bản hy vọng sẽ khuyến khích các cặp vợ chồng trẻ sinh con nhiều hơn.

Tuy nhiên, khi các biện pháp kinh tế chưa đưa ra một hiệu quả rõ rệt nào, nhiều người Nhật Bản vẫn lựa chọn kết hôn muộn hoặc không kết hôn, chính quyền nước này đã sử dụng đến trí tuệ nhân tạo như một “vũ khí" mới nhằm hối thúc những người độc thân tìm một nửa của mình.

Chính quyền ở nhiều địa phương đã tổ chức các sự kiện mai mối, trong đó sử dụng AI để sàng lọc sự tương thích giữa các đối tác tiềm năng. Họ nói rằng cách thức này đôi khi dẫn đến kết quả là sự tác hợp của những cặp đôi mà trước đó chưa bao giờ tưởng tượng rằng họ có thể sẽ kết hôn với nhau.
leftcenterrightdel
(Ảnh minh họa do AI tạo ra trên công cụ của Bing) 

Chính phủ Nhật Bản cũng góp phần hỗ trợ những hoạt động như vậy khi quốc gia này đang phải đối mặt với tình trạng dân số giảm. Các khoản trợ cấp cho các sự kiện mai mối nhờ AI đã được gia tăng kể từ năm tài chính 2021.

Theo Cơ quan Trẻ em và Gia đình Nhật Bản, tính đến cuối tháng 3 năm ngoái, 31 trong số 47 quận của Nhật Bản đã cung cấp dịch vụ mai mối AI để tìm bạn đời. Chính quyền thủ đô Tokyo cũng tham gia vào dịch vụ này từ tháng 12 năm ngoái.

Lo lắng về tỷ lệ sinh giảm và dân số già, tỉnh Ehime đã sử dụng kho dữ liệu lớn để kết nối mọi người với những bạn đời tiềm năng.

Hệ thống AI của tỉnh đề xuất việc tìm kiếm bạn đời dựa trên thông tin cá nhân đã đăng ký với Trung tâm Hỗ trợ Kết hôn và lịch sử duyệt Internet của người đang tìm bạn đời.

Hirotake Iwamaru, cố vấn tại trung tâm, cho biết mục đích của chương trình này là mở rộng tầm nhìn của mọi người, giúp họ không bị giới hạn việc tìm kiếm theo những tiêu chí cũ như trường đại học đã học hay tuổi tác. Khoảng 90 cặp vợ chồng đã kết hôn mỗi năm nhờ sự hỗ trợ của trung tâm này.

Tỉnh Tochigi sử dụng hệ thống tương tự. Katsuji Katayanagi, làm việc tại trung tâm hỗ trợ hôn nhân của tỉnh, cho biết: "Những người trẻ tuổi có xu hướng đẩy công việc cho người khác làm, vì vậy tôi nghĩ đôi khi chúng ta cần sử dụng một nguồn dữ liệu lớn để giúp họ giới thiệu bạn đời."

Trong một hệ thống khác, người dùng sẽ trả lời hơn 100 câu hỏi, dựa trên đó AI sẽ phân tích những phẩm chất mà một người đang tìm kiếm ở một đối tác tiềm năng và ngược lại, sau đó ghép đôi họ với nhau.

Tại tỉnh Saitama, nơi hệ thống này được ra mắt vào năm 2018, có 139 cặp đôi đã kết hôn tính đến cuối tháng 11 năm ngoái. Một số cặp đôi thừa nhận họ đã kết hôn vơi người mà nếu để tự mình lựa chọn, họ sẽ không chọn. Một quan chức địa phương cho biết hệ thống này hiện đang cung cấp nhiều lựa chọn hẹn hò khác nhau.

Tỉnh Shiga đã ra mắt một trung tâm hỗ trợ kết hôn trực tuyến vào năm 2022, với một hệ thống tương tự như hệ thống đang được áp dụng tại tỉnh Saitama. Tính đến cuối tháng 1, đã có 13 cặp đôi quyết định kết hôn thông qua trung tâm hỗ trợ. Sáu người trong số họ lựa chọn các đối tác do AI giới thiệu.

Một phụ nữ ở độ tuổi 30 đang chuẩn bị kết hôn với người bạn đời mà cô gặp thông qua dịch vụ AI cho biết: “Lúc đầu, tôi có chút lo lắng khi sử dụng hệ thống này. Nhưng tôi rất vui vì cuối cùng mình đã có đủ can đảm để đăng ký.”

Mayu Komori, giám đốc văn phòng trẻ em và thanh thiếu niên tỉnh Shiga, cho rằng với phí đăng ký 15.000 yen, tương đương với 100 USD trong hai năm, những người đăng ký dịch vụ sẽ nghiêm túc hơn trong việc tìm đối tác kết hôn.

Bên cạnh đó, Komori cũng cho biết việc các hệ thống này do chính quyền địa phương điều hành cũng khiến cho nhiều người cảm thấy yên tâm hơn.

Takeaki Uno, giáo sư lý thuyết thuật toán tại Viện Tin học Quốc gia, người từng tham gia phát triển hệ thống của tỉnh Ehime, cho biết việc sử dụng AI trong các dịch vụ mai mối sẽ mở rộng phạm vi đối tác tiềm năng.

Ông cho biết hình thức này có hiệu quả về mặt chi phí và mang lại lợi ích cho nhiều người./.

Theo vietnamplus