leftcenterrightdel
 Đồng yen bất ngờ phục hồi ngày 11/7, từ mức tỷ giá 161 yen/USD. (Ảnh: THX/TTXVN)

Dữ liệu do Chính phủ Nhật Bản công bố ngày 8/11 cho thấy nước này đã có sự can thiệp vào thị trường tiền tệ trong hai ngày 11 và 12/7, với khoảng 5.530 tỷ yen (36 tỷ USD) đã được tung ra để hỗ trợ đồng nội tệ Nhật Bản vực dậy từ mức thấp nhất trong khoảng 38 năm so với đồng USD.

Theo đánh giá của hãng tin Kyodo, dữ liệu này khẳng định chính xác những đồn đoán về việc các nhà chức trách đã can thiệp vào thị trường, sau khi đồng yen bất ngờ phục hồi ngày 11/7, từ mức tỷ giá 161 yen/USD.

Trước đó, Bộ Tài chính Nhật Bản đã từng xác nhận rằng đã chi một khoản tiền để “giải cứu” đồng nội tệ trong khoảng thời gian từ ngày 27/6 đến ngày 29/7. Tuy nhiên, Bộ này không công bố số tiền cũng như thời gian can thiệp cụ thể.

Dữ liệu do Bộ Tài chính công bố hôm nay cho thấy rõ hơn các con số chi tiết. Theo đó, có 3.170 tỷ yen được chi ra ngày 11/7 và 2.370 tỷ yen chi ngày 12/7 cho hoạt động bán USD và mua vào đồng yen. Với số liệu mới này tổng số tiền Nhật Bản sử dụng cho các biện pháp can thiệp năm nay lên 15.320 tỷ yen.

Sau đợt can thiệp vào tháng 7/2024, đồng yen đã tăng giá so với đồng USD trong một thời gian, một phần nhờ vào động thái nâng lãi suất của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất.

Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực của Chính phủ Nhật Bản, đồng yen hiện vẫn tiếp tục suy yếu.

Trong bối cảnh ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ các nhà phân tích cho rằng hành động tăng thuế quan và tăng bảo hộ doanh nghiệp trong nước theo những gì mà ông đã tuyên bố trong chiến dịch tranh cử có thể sẽ dẫn đến lạm phát cao hơn, thúc đẩy Fed phải duy trì lãi suất cao lâu hơn.

Điều này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tỷ giá của đồng yen và có khả năng khiến các nhà chức trách Nhật Bản sẽ phải ban hành thêm các biện pháp can thiệp tiền tệ trong tương lai./.

Theo vietnamplus