"Ông muốn gọi thêm một ly rượu ạ?"
Người hành khách nhìn lên nam tiếp viên hàng không rồi lè nhè yêu cầu thêm 5 ly. Tiếp viên từ chối, khiến du khách say xỉn kia rất tức giận. Ông ta rời khỏi chỗ ngồi và lao về phía tiếp viên. Cảnh sát hàng không xuất hiện và khóa tay vị khách ra sau lưng.
Tình huống trên chỉ là một buổi diễn tập, nhưng những hành vi nguy hiểm phi hành đoàn phải đối mặt là có thật.
Tại một tòa nhà gần sân bay LaGuardia ở Queens, New York (Mỹ), một đoàn tiếp viên bắt đầu buổi huấn luyện tự vệ kéo dài 4 tiếng do Cục An ninh Giao thông vận tải (TSA) tổ chức.
Từ 2004, TSA đã cung cấp những lớp huấn luyện cho các phi hành đoàn khắp nước Mỹ, nhưng giờ bài học mới thực sự phát huy tác dụng, theo Washington Post.
Buổi diễn tập tại lớp học tự vệ cho các tiếp viên hàng không.
Tiếp viên gặp nhiều căng thẳng
Du lịch hàng không đang dần phục hồi từ mức đáy. Những hành vi xấu của du khách cũng trở lại và trở nên phổ biến hơn. Năm 2021, Cơ quan Hàng không Liên bang đã nhận được gần 4.000 báo cáo về hành vi chống đối của hành khách, nhiều hơn hẳn con số 146 vào năm 2019.
“Đây là thời điểm nguy hiểm và bấp bênh nhất trong lịch sử ngành hàng không", Sara Nelson, chủ tịch Hiệp hội Tiếp viên Hàng không, cho biết.
Đại dịch đã tàn phá ngành công nghiệp này vì nhiều vấn đề, từ nguy cơ mắc Covid-19 đến sự thiếu hụt nhân sự.
“Các tiếp viên hàng không đang làm việc nhiều hơn, đeo khẩu trang 14-15 giờ/ngày, không được nạp đủ dinh dưỡng trong khi phải giữ an toàn cho mọi người trên chuyến bay”, Nelson nói.
Vì những nhân tố căng thẳng này, các tiếp viên hàng không đang tìm đến lớp huấn luyện tự vệ của TSA.
"Tôi chỉ muốn đảm bảo rằng mình sẵn sàng trước mọi trường hợp", tiếp viên hàng không Katie cho hay.
Trong suốt 17 năm làm việc, Katie luôn muốn học tự vệ, nhưng các lớp huấn luyện chỉ diễn ra tại một số địa điểm nhất định nên cô khó tìm được thời gian rảnh trong lịch trình.
Bởi vậy, khi nhận được email thông báo về lớp tự vệ tại New York, Katie đã chớp lấy cơ hội.
"Tôi từng vướng vào rắc rối trong vài chuyến bay trước đây. Chúng tôi thường cố gắng làm dịu tình hình, nhưng trong một số trường hợp, kỹ năng tự vệ sẽ thực sự cần thiết", cô nói.
Tiếp viên hàng không Katie luyện tập tại lớp tự vệ.
Tính thiết yếu của tự vệ
Sau khi xem tình huống giả định trong máy bay mô phỏng, các tiếp viên hàng không sẽ được đưa tới phòng tập có sàn lót đệm để học cách chuẩn bị về thể chất và tinh thần trước những hành khách hung hăng.
Huấn luyện viên hướng dẫn các tiếp viên cách di chuyển, tiếp cận kẻ tấn công, cũng như phương pháp chiến đấu hoặc tự vệ bằng tay, cùi chỏ, lòng bàn tay, đầu gối, bàn chân và ống chân.
"Hãy nhớ, kẻ này đang tấn công các bạn", cảnh sát hàng không, người huấn luyện các tiếp viên, khích lệ cả lớp giữ tinh thần chiến đấu.
Đoàn tiếp viên thực hành kỹ thuật mới của họ với các cảnh sát hàng không, bao cát và hình nộm kích thước thật.
"Tôi muốn bạn đánh anh ta thật mạnh", người huấn luyện nói với nhóm của Katie khi họ đang tập với hình nộm.
Judith, một tiếp viên hàng không với gần 10 năm kinh nghiệm, cho rằng những hành khách hung hăng đã luôn là vấn nạn lớn trong thời gian dài. Đại dịch không phải điều duy nhất kích động những trường hợp bạo lực mới đây.
"Tôi nghĩ đó là do sự căng thẳng chồng chất từ nhiều yếu tố: phải đi đến sân bay, qua khu vực an ninh, thức dậy sớm, du lịch với gia đình", Judith nói.
Các cảnh sát hàng không hướng dẫn động tác phòng vệ cho tiếp viên.
Stephanie Metzger, cảnh sát hàng không phụ trách lớp huấn luyện, cho biết mục đích của lớp học là để xây dựng sự tự tin cũng như cung cấp những bài học tự vệ quan trọng cho phi hành đoàn.
"Đây là khóa đào tạo quan trọng với các tiếp viên hàng không vì nó chuẩn bị cho họ những kỹ năng cơ bản để đối phó với hành khách ngang ngược", Metzger nói.
Nelson đồng ý. Tham gia lớp học một lần không đủ để biến tiếp viên hàng không thành chuyên gia tự vệ hay giải quyết tình trạng bạo lực trên máy bay, nhưng "nó sẽ cung cấp một số kỹ thuật cơ bản giúp họ bảo vệ bản thân tốt hơn", cô nói.
Sau khi kết thúc lớp học, các tiếp viên vui vẻ cười đùa và trao đổi thông tin liên lạc với huấn luyện viên, người khuyến khích họ quay lại tập luyện nếu muốn.
Katie hy vọng có thể tham gia thêm các khóa huấn luyện tự vệ để duy trì kỹ năng.
“Tôi mong mình không phải dùng vũ lực với ai. Tuy nhiên, quan trọng là phải đảm bảo sẵn sàng cho những tình huống nguy hiểm”, cô nói.
Judith, người chưa bao giờ tham gia các lớp học võ thuật hoặc tự vệ trước đây, cảm thấy việc huấn luyện bổ ích dù có chút mâu thuẫn trong lòng.
“Tôi không muốn làm tổn thương bất kỳ ai hay sử dụng những kỹ thuật này với người thật. Nhưng tôi rất vui khi những kỹ năng nhỏ này có thể tạo ra sự thay đổi lớn”, cô nói.
Theo Zing