Vaccine Covid-19 được sản xuất và việc tiêm chủng đang được đẩy mạnh, những hạn chế dần được dỡ bỏ khắp nơi. Những người đã tiêm vaccine bị cuốn hút bởi ý tưởng xa rời chiếc ghế bành cùng những bộ phim trên Netflix, hòa mình vào tiệc tùng, các cuộc vui trên bãi biển.
Thế nhưng, theo The Conversation, bộ não của họ không thực sự háo hức để quay trở lại cuộc sống trước đây.
Các biện pháp giãn cách xã hội được đánh giá cần thiết, giúp ngăn chặn sự gia tăng của ít nhất 500 triệu ca nhiễm trên toàn thế giới. Song không thể phủ nhận rằng hơn một năm sống trong giãn cách đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe tinh thần của nhiều người.
Nhiều người vẫn chưa sẵn sàng tương tác xã hội trực tiếp sau thời gian giãn cách. Ảnh: Shutterstock.
Sợ tái hòa nhập cộng đồng
Trong một cuộc khảo sát quốc gia vào cuối năm ngoái, 36% người trưởng thành ở Mỹ (trong đó có 63% ở độ tuổi thanh niên) cho biết cảm thấy "cô đơn nghiêm trọng" trong đại dịch.
Sau giãn cách, việc ngồi nói chuyện cùng một đám đông vui vẻ trở thành ý tưởng đáng sợ đối với một số người.
Theo khảo sát, gần một nửa số người Mỹ cho biết cảm thấy không thoải mái khi quay lại tương tác trực tiếp với người khác, bất chấp chuyện họ đã tiêm chủng.
"Những nhà khoa học thần kinh như tôi có nhiều nghiên cứu sâu sắc về việc cô lập xã hội ảnh hưởng như thế nào đến não bộ", Tiến sĩ Yuchin Albert Pan, một nhà nghiên cứu về thần kinh, cho biết.
Đã quen với việc ở nhà và tương tác qua màn hình, nhiều người lo lắng khi phải quay trở lại cuộc sống bình thường.
Con người có nhu cầu giao tiếp xã hội mạnh mẽ về mặt tiến hóa. Cân bằng nội môi xã hội - sự cân bằng phù hợp giữa các kết nối xã hội - phải được đáp ứng. Bộ não của con người đã phát triển hệ thống mạch chuyên biệt để đánh giá các mối quan hệ và thực hiện các điều chỉnh chính xác, giống như một "bộ điều chỉnh nhiệt độ".
Cân bằng nội môi xã hội liên quan đến nhiều vùng não, trong đó trung tâm là mạch mesocorticolimbic, hay còn gọi là "hệ thống khen thưởng". Chính mạch đó thúc đẩy một người ăn chocolate khi thèm đồ ngọt hay quẹt Tinder khi cần có bạn tình.
Phản ứng tương tự xảy ra khi con người "đói kết nối xã hội", họ luôn cố gắng tìm kiếm tương tác.
Một tác động của việc bị cô lập về mặt xã hội lâu dài là làm gia tăng sự lo lắng và căng thẳng.
Các nghiên cứu trên người cũng cho thấy những người có "vòng tròn xã hội hẹp" có mức cortisol, hormone gây căng thẳng cao hơn.
Những người tự cho mình là "cô đơn" thường cảnh giác hơn với các mối đe dọa xã hội như bị từ chối hoặc bị loại bỏ.
Theo các nghiên cứu, ngay cả sự cô lập tạm thời ở tuổi trưởng thành cũng làm suy yếu trí nhớ xã hội, như không nhận ra khuôn mặt quen thuộc, và trí nhớ làm việc, như nhớ lại công thức nấu ăn.
Sợ quay lại cuộc sống cũ
Theo The Business Journal, sau khi lệnh giãn cách được nới lỏng hoặc dỡ bỏ, nhiều người cố gắng trở lại cái gọi là "cuộc sống bình thường". Tuy nhiên, nhanh chóng quay trở lại thói quen cũ có thể gây ra lo lắng, vì mọi người đã bị thay đổi khi ở nhà và ngăn cách với xã hội quá lâu.
Mọi người sẽ mất thời gian để thích nghi với "bình thường mới" sau giãn cách. Ảnh: Cigna Global.
"Mọi người có thể gặp phải một cú sốc nếu họ cố gắng quay trở lại lịch trình cũ. Các biện pháp giãn cách không chỉ thay đổi công việc, quan hệ gia đình và thói quen đi lại mà còn cả cách chúng ta tương tác với người khác", Cynthia Mulder, nhân viên xã hội lâm sàng tại Phòng khám Menninger, cho biết.
Dù khao khát bước ra thế giới, nhiều người vẫn lo sợ khi quay trở lại nhịp sống trước thời đại dịch, và điều đó là bình thường.
"Hòa nhập trở lại với xã hội giống như hòa mình vào bể bơi, bạn có thể chọn nhúng ngón chân vào vùng cạn hoặc bạn lao đầu vào vùng sâu. Khi đánh giá được mức độ thoải mái của mình, người ta có thể bắt đầu đưa ra những lựa chọn lành mạnh cho cuộc sống hậu đại dịch của mình", Angela Koreth, chuyên gia tại phòng khám Menninger, cho biết.
Chứng nghiện khẩu trang
Đại dịch đã khiến chứng nghiện khẩu trang, thuật ngữ do chuyên gia tâm lý Yuzo Kikumoto đề ra đầu tiên, ngày càng trở nên phổ biến ở Nhật Bản. Chứng bệnh này dùng để chỉ những người đeo khẩu trang với mục đích khác ngoài phòng dịch bệnh, chẳng hạn chứng rối loạn lo âu hoặc muốn được ẩn danh.
Đại dịch khiến chứng nghiện khẩu trang ở Nhật Bản càng trầm trọng. Ảnh: Jiji/AFP.
Theo kết quả nghiên cứu năm 2018 của bác sĩ tâm thần Noboru Watanabe tại Văn phòng Y tế Akasaka, khẩu trang cho phép người dùng che giấu bất kỳ dấu hiệu lo lắng hoặc hồi hộp, mặc dù việc phụ thuộc vào chúng sẽ khiến chứng rối loạn lo âu xã hội trở nên nặng nề hơn.
Không chỉ tại Nhật Bản, nơi đeo khẩu trang đã trở thành văn hóa, mà ở nhiều nước phương Tây, trong đó có Mỹ, nhiều người cho biết họ cảm thấy lo lắng nếu không đeo khẩu trang khi đến nơi đông người.
Reuters đã thực hiện cuộc phỏng vấn với khoảng hơn 10 người tại thủ đô Washington, và tìm ra nhiều lý do khác nhau khiến người Mỹ ngại tháo khẩu trang.
Emmanuel Long và AJ Barber, đều 19 tuổi và đã được tiêm vaccine đầy đủ, vẫn đeo khẩu trang khi đến thăm Đài tưởng niệm Lincoln (Washington DC), dù lệnh giãn cách tại Mỹ đã được nới lỏng.
Long lo ngại rằng CDC đã thông báo quá sớm rằng việc đeo khẩu trang khi đi đến nơi đông người là không cần thiết, bởi nguy cơ nhiễm Covid-19 vẫn đang hiện hữu, đặc biệt với những người có hệ miễn dịch yếu.
"Tôi cảm thấy như khỏa thân khi không đeo khẩu trang ra ngoài", Barber nói với Reuters.
Tại Mỹ, nhiều người vẫn giữ thói quen đeo khẩu trang dù CDC đã nới lỏng quy định phòng dịch với các trường hợp tiêm chủng đầy đủ. Ảnh: Reuters.
Nhiều người Mỹ khác nói rằng họ vẫn tiếp tục đeo khẩu trang sau khi tiêm chủng vì sợ bị lây nhiễm từ những người lạ mà họ không biết liệu có mang mầm bệnh hay không.
"Tôi không nghĩ mình là Superman", Andrew Nussbaum (51 tuổi), một người đã tiêm chủng đầy đủ, nói. Anh kể có lần đã hoảng hốt khi đến nhà một người bạn và biết rằng những người đang tụ tập ở đó đã không tiêm phòng.
"Tôi vẫn lo sẽ bị nhiễm, tôi sợ mình là một trong những trường hợp ngoại lệ bị dính virus dù đã tiêm vaccine".
Theo Zing