Nghiên cứu do Chun-Chu Chen, trợ lý giáo sư Trường Quản lý Kinh doanh Khách sạn thuộc ĐH Washington State University, thực hiện trên các nhân viên bị nhà tuyển dụng sa thải hay cho nghỉ việc tạm thời.

Phần lớn cho biết họ rơi vào trạng thái căng thẳng, trầm cảm, tách biệt với xã hội do công việc chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch.

Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Lao động Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp ở ngành này đạt 37,3% sau khi các biện pháp hạn chế được áp dụng. Nhưng trong số 600 nhân viên được phỏng vấn, nhiều người vẫn thấy may mắn vì chỉ bị cho nghỉ việc tạm thời, dù không nhận được đồng lương từ tháng 6/2020.

          Nhiều người trẻ quyết định bỏ nghề dịch vụ khách sạn, tìm công việc mới ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh hơn. Ảnh: EHL.


"Họ nghĩ như vậy còn tốt hơn mất việc vì đại dịch. Dù không được làm việc trong quãng thời gian dài, các nhân viên thấy nhẹ nhõm, yên tâm hơn khi không thất nghiệp, vẫn thuộc về một tổ chức, công ty nào đó", trợ lý giáo sư Chen nói.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng ý định nhảy việc xảy ra phổ biến ở nhóm lao động trẻ và nữ giới.

Ông Chen lý giải do người trẻ chưa có bản sắc nghề nghiệp, có khả năng thích ứng mới công việc mới nhanh hơn những nhân viên kỳ cựu trong ngành.

"Tôi thấy một vài sinh viên mình giảng dạy đang tìm kiếm công việc mới trong các ngành dịch vụ khác. Thú thực, tôi có cảm xúc lẫn lộn về chuyện này. Họ có đủ kỹ năng để phát triển ở đa số lĩnh vực dịch vụ, nhưng tôi khuyến khích nên ở lại ngành khách sạn", ông chia sẻ.

Theo Zing