Từ hình tượng người cha nghiêm khắc…
Sự lựa chọn cách xưng hô của Oh Yoon-suk phản ánh khoảng cách tình cảm của anh ấy với cha mẹ mình. "Tôi có thể đi du lịch hoặc đi xem triển lãm với mẹ nhưng tôi lại khó làm được điều tương tự với cha tôi", Yoon-suk cho biết.
Vai trò của người cha trong các gia đình tại Hàn Quốc thường được gắn với vai trò kinh tế trong khi việc nuôi dưỡng, chăm sóc con cái chủ yếu do người mẹ đảm nhận. Sự phân công lao động này trong gia đình đã tạo ra hình tượng người cha nghiêm khắc, hiếm khi ở nhà và nếu ở nhà thì ông cũng luôn tỏ ra xa cách trong các vấn đề gia đình. Trong khi đó, người mẹ lại gắn bó với các con hơn.
Tuy nhiên, xã hội Hàn Quốc hiện đại đang viết lại kịch bản về tình cha con. Khi tỷ lệ phụ nữ đi làm tăng lên trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều người đàn ông đảm đương công việc nội trợ và chăm sóc con cái. Sự kìm kẹp của tư tưởng gia trưởng đang dần được nới lỏng. Mặc dù sự thay đổi này được đánh giá là tích cực nhưng trong cuộc sống hằng ngày, nó lại đặt ra những thách thức cho những người cha ở nhiều lứa tuổi. Trong khi những người đàn ông lớn tuổi, vốn quen với vai trò làm cha kiểu gia trưởng, gặp khó khăn trong việc thay đổi thì các ông bố trẻ tuổi mong muốn xây dựng mối quan hệ gần gũi, tình cảm với con cái lại cảm thấy bối rối bởi trước đây, họ được nuôi dạy kiểu khác.
Trong nhiều phim truyền hình Hàn Quốc, người cha thường được miêu tả là người nghiêm khắc, thậm chí đáng sợ. Sự hiện diện của họ tạo ra bầu không khí nặng nề, cản trở sự giao tiếp cởi mở khi họ thường ra lệnh cho con của mình nên hoặc không nên làm.
Đã nghỉ hưu tại một tập đoàn, ông Yoon, 63 tuổi, đến từ tỉnh Kyunggi, là một người cha theo phong cách gia trưởng này. Ông Yoon giải thích, trong thời đại mà việc thể hiện cảm xúc của đàn ông bị coi là yếu đuối thì nhiều ông bố đã cố kìm chế cảm xúc của mình. "Tôi nghĩ một người cha tốt là người nghiêm khắc. Đó là cách mà tôi đã lớn lên", ông Yoon nói.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhiều ông bố thuộc thế hệ của ông Yoon bắt đầu đặt câu hỏi về hình mẫu này bởi nó khiến họ bị cô lập trong gia đình. "Con gái út của tôi thường gọi điện thoại cho mẹ vào cuối tuần nhưng với tôi thì nó không bao giờ gọi. Tôi chỉ có thể nói chuyện ké với con bé qua cuộc gọi của vợ tôi", Jang Young-ho, 65 tuổi, một nhân viên văn phòng đã nghỉ hưu ở Seoul, cho biết.
Một người cha khác cũng ở độ tuổi 60 là Min, đến từ tỉnh Kyunggi, bày tỏ sự tiếc nuối: "Tôi không cảm thấy cô đơn nhưng tôi ước, giá mình dành nhiều thời gian hơn cho gia đình. Tôi khuyên các ông bố trẻ hãy quan tâm hơn đến gia đình mình".
… đến những ông bố nội trợ
Sự thay đổi về cách nhìn nhận vai trò người cha nêu trên xuất phát từ những thay đổi trong xã hội Hàn Quốc. "Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 cùng việc chuyển sang chế độ làm việc 5 ngày một tuần bắt đầu từ những năm 2000 là bước ngoặt cho phép các ông bố thoát khỏi văn hóa tham công tiếc việc và bắt đầu quý trọng thời gian dành cho gia đình", Lee Jae-in, Giám đốc Viện Chăm sóc Trẻ em Hàn Quốc, cho biết.
Một báo cáo của Viện Nghiên cứu Quản lý (Tập đoàn Tài chính KB) có tựa đề "Đấu tranh để cân bằng giữa công việc và gia đình: Người cha hiện đại tuổi 30" đã tiết lộ sự thay đổi về ưu tiên của các ông bố Hàn Quốc trong thập kỷ qua. So sánh các khảo sát của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc năm 2013 và 2023, báo cáo cho thấy trong khi 63,8% nam giới ưu tiên công việc hơn gia đình (vào năm 2013) thì 10 năm sau, con số này đã giảm xuống 39,9%. Ngược lại, những người chọn ưu tiên gia đình hơn công việc đã tăng từ 8,3% lên 16,5%. Những người đàn ông ở độ tuổi 30 dẫn đầu xu hướng này. Tuy nhiên, họ phải đối mặt với nhiều thách thức. Một trong số đó là việc thiếu hình mẫu.
Jeon Hyo-jun, 38 tuổi, làm việc trong lĩnh vực tài chính ở Seoul, cho biết: "Bố tôi là một giáo viên, ông ấy rất nghiêm khắc. Tôi không muốn con trai mình cảm thấy điều tương tự về tôi. Nhưng đôi khi tôi nhận ra mình nói chuyện khá giống bố".
Chỉ ra một thách thức khác, Choi Hyung-cheol, 38 tuổi, cũng là nhân viên trong ngành tài chính ở Seoul, cho biết, tại văn phòng của anh, nhân viên nữ có thể nghỉ một ngày để tham dự một sự kiện ở trường học của con hay từ chối làm thêm giờ để còn về nhà nấu bữa tối. Nếu nhân viên nam cũng làm như vậy xem như họ đã hoàn toàn từ bỏ việc thăng tiến. "Tôi thấy rằng, xã hội có những kỳ vọng khác nhau đối với nam giới và nữ giới. Với nam giới, dường như họ được kỳ vọng phải ưu tiên trách nhiệm xã hội", Choi nói.
Dữ liệu từ Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc cho thấy, các ông bố chiếm gần 1/3 tổng số người nghỉ phép để chăm con trong nửa đầu năm nay. Đây là con số cao nhất từng được ghi nhận ở nước này. Năm 2016, chỉ có 8,7% tổng số người lao động nghỉ phép chăm con nhỏ là nam giới. Nhưng thực tế, Kim Sang-hyun, 41 tuổi, làm việc tại một công ty xây dựng ở Seoul cho biết, lao động nam vẫn khó xin nghỉ phép. "Tôi có nghe tin tức về việc nam giới nghỉ phép để ở nhà chăm con nhưng tôi không tin lắm. Trong nhóm nhân viên của tôi chưa có người đàn ông nào từng nghỉ phép vì lý do đó cả".
Kim Rando và Jeon Mi-young, hai nhà nghiên cứu của bộ sách dự báo xu hướng hằng năm "Trend Korea", cũng thừa nhận những khó khăn của các ông bố trong việc theo đuổi hình mẫu mới về người cha mà xã hội Hàn Quốc đang mong đợi. Nhà nghiên cứu Jeon Mi-young cảnh báo rằng, những đòi hỏi ngày càng cao về trách nhiệm làm cha mẹ có thể khiến người trẻ càng ngại kết hôn và sinh con. "Vì cả hai vợ chồng đều phải cân bằng giữa công việc và gia đình nên việc kết hôn, sinh con và chăm sóc con ngày càng trở nên áp lực với người trẻ", Jeon nói.
Hải Hà/Nguồn: Korea Herald