Giống Việt Nam, nhiều nước trên thế giới yêu cầu người dân phải có giấy xác nhận độc thân, đặc biệt là khi công dân nước đó muốn kết hôn tại nước ngoài.
Nói cách khác, giấy xác nhận tình trạng độc thân cho thấy bạn hiện chưa lập gia đình và có quyền kết hôn với người khác một cách hợp pháp.
Nhiều thủ tục, tốn kém
Nếu muốn kết hôn ở Tây Ban Nha, chính quyền sẽ yêu cầu bạn có đơn xác nhận tình trạng hôn nhân hiện tại. Để có được nó, bạn sẽ cần đến luật sư hoặc cố vấn pháp luật lập một bản khai, mang đến chính quyền và tờ đơn sẽ được in ra trên giấy của họ. Kế tiếp, người làm đơn sẽ phải cam đoan và ký vào văn bản trước mặt các nhân viên.
Tại Australia, ngoài những thông tin như tên tuổi, ngày sinh, người dân còn phải khai thông tin về tên cha mẹ, cha mẹ nuôi, và chứng minh bản thân đã ly dị hoặc đối tác cũ đã qua đời, trong trường hợp từng kết hôn trước đó.
Giấy chứng nhận độc thân là giấy tờ bắt buộc tại nhiều quốc gia khi công dân nước đó muốn kết hôn tại nước ngoài. Ảnh: Stock.
Để cung cấp danh tính xác thực của bản thân, người dân cũng có thể sử dụng giấy phép lái xe, thẻ bảo hiểm hay thẻ ngân hàng thay cho căn cước công dân.
Tại Anh, giấy chứng nhận độc thân được yêu cầu thường xuyên đối với các công dân của Anh có ý định kết hôn ở nước ngoài. Với những người Anh sống và muốn kết hôn ở quốc gia khác, bạn sẽ phải tìm đến Lãnh sứ quán Anh gần nhất và bên này sẽ thay mặt bạn hoàn thành quy trình hoặc cung cấp tài liệu thay thế.
Ngoài giấy chứng nhận độc thân, nếu một trong hai người chuẩn bị cưới dưới 18 tuổi, người đăng ký cần phải đưa ra bằng chứng cha mẹ hoặc người giám hộ đồng ý với cuộc hôn nhân.
Bên cạnh xác nhận của chính quyền, các tài liệu này còn có thể yêu cầu đóng dấu tem riêng để được chấp nhận khi xuất trình ở nước ngoài.
Ngoài ra, mức phí mà người dân bỏ ra để có chứng nhận này cũng khá tốn kém, với mức giá từ 34-178 USD ở Australia.
Các thủ tục liên quan đến giấy tờ chứng nhận độc thân khá phức tạp và nhiều bước, liên quan nhiều bên khiến không ít cặp đôi có quốc tịch khác nhau muốn làm kết hôn, sinh sống tại nước khác gặp không ít rắc rối về quy định của từng nước, trước khi có thể tiến tới đám cưới.
Loại bỏ vì không cần thiết
Cũng vì tính rườm rà, mất thời gian của thủ tục, nhiều quốc gia đã loại bỏ giấy tờ xác nhận độc thân ra khỏi quy trình.
Tháng 2/2019, Liên minh Châu Âu EU tiến hành áp dụng các quy định mới nhằm cắt giảm chi phí và các thủ tục cho công dân của khối, trong đó có việc chứng nhận tình trạng hôn nhân.
Trước đó, người dân thuộc các nước của EU muốn chuyển đến sống tại quốc gia khác trong khối sẽ phải lấy đóng dấu, chứng minh các giấy tờ của họ (giấy khai sinh, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, giấy xác nhận kết hôn) là hợp pháp.
Theo quy định mới, việc lấy dấu và các thủ tục liên quan sẽ không còn phải thực hiện khi người dân đưa các giấy tờ này ra trước chính quyền nước khác.
Ngoài ra, người dân cũng không còn phải cung cấp các bản cam đoan thông tin họ đưa ra là sự thật. Đồng thời, quy định mới yêu cầu các biện pháp mạnh mẽ hơn để ngăn ngừa, chống gian lận, khai báo thông tin sai.
Thủ tục lằng nhằng, rắc rối là điều khiến giấy tờ chứng nhận độc thân bị loại bỏ ở Trung Quốc vào năm 2015.
"Đây là một tin tuyệt vời cho những công dân EU đang sống hoặc muốn sống ở một quốc gia EU khác. Các thủ tục tốn kém và tốn thời gian sẽ không còn nữa, giúp cuộc sống hàng ngày của người dân dễ dàng và tiết kiệm hơn", V#ra Jourová, Ủy viên Tư pháp của EU đánh giá.
Sự thay đổi được đưa ra trong bối cảnh 17 triệu công dân EU sống ở quốc gia khác trong cùng khối. Trong đó, khoảng 2 triệu người dân thường xuyên đi xuyên biên giới để học tập và làm việc tại đất nước khác, rồi lại quay trở về nhà ở nước họ mỗi ngày.
Các quy tắc đã được Ủy ban châu Âu đề xuất vào tháng 4/2013, sau nhiều phản hồi từ người dân rằng các thủ tục rườm rà và tốn thời gian.
Tương tự, tháng 9/2015, Bộ Nội vụ Trung Quốc đưa ra thông báo các giấy tờ xác nhận tình trạng hôn nhân của một cá nhân tại nước này sẽ bị hủy bỏ.
Theo đó, chính sách mới sẽ làm đơn giản hóa thủ tục cho cả người dân và cán bộ.
Tại quốc gia này, khi một công dân muốn đi vay ngân hàng, đi du học hoặc định cư nước ngoài, họ sẽ được yêu cầu chứng minh tình trạng hôn nhân của họ. Trong đó, các bộ phận dân sự có trách nhiệm cung cấp các loại giấy tờ này.
Theo ước tính, riêng trong năm 2013, các cơ quan dân sự tại Trung Quốc đã cung cấp ít nhất 8,41 triệu số giấy tờ cho người dân nước này, theo số liệu của Bộ Nội vụ.
“Những giấy tờ như vậy là không cần thiết và làm tăng khối lượng công việc của chúng tôi”, Wang Jinhua, một quan chức cấp cao của Bộ cho biết.
“Nếu không có cơ sở pháp lý, không có lý do gì mà một tổ chức yêu cầu công dân chứng minh tình trạng hôn nhân của mình. Nếu pháp luật yêu cầu như vậy, bản thân tổ chức nên liên hệ với bộ phận dân sự, thay vì đó là trách nhiệm phải đưa ra của công dân bình thường”, Yang Zongtao, một quan chức khác của Bộ cho biết.
Theo Zing