Gần 10 năm sau sự việc, tôi mới nhận ra rằng chuyện xảy ra giữa mình và chàng trai không phải quan hệ tự nguyện, mà là tấn công tình dục.

Ở tuổi 19, tôi chưa có nhiều hiểu biết về sự đồng thuận khi quan hệ và bạo lực tình dục. Tôi có cảm tình với một cậu trai ở trường đại học, bị anh ta lợi dụng, và vẫn vờ như mình ổn khi bạn bè hỏi: "Đêm qua thế nào?".

Nhiều năm sau, những gì xảy ra vào đêm đó vẫn thường khiến tôi trăn trở. Khi được hỏi, tôi sẽ mô tả trải nghiệm ấy như một lần quan hệ "không mấy vui vẻ", bắt đầu bằng câu nói: "Tôi không bị cưỡng hiếp, nhưng...".

                  Nhiều phụ nữ từng bị tấn công tình dục, song không nhận ra mình là nạn nhân và sống với nỗi ám ảnh. Ảnh: CNA.


Nhưng khi phong trào #MeToo lan tỏa sức ảnh hưởng trên toàn cầu vào năm 2017, suy nghĩ đó đã thay đổi.

Khi mở lòng chia sẻ về vụ việc năm xưa, một nhà trị liệu tâm lý khẳng định tôi bị chấn thương tinh thần nghiêm trọng. Lúc đó, tôi có thể khẳng định: Mình là nạn nhân bị tấn công tình dục.

Tôi không phải phụ nữ duy nhất từng trải qua sự việc này. Thực tế, nhiều nạn nhân bị bạo lực tình dục có thể mất vài tháng, vài năm, thậm chí vài thập kỷ để nhận ra rằng họ bị cưỡng hiếp hay tấn công tình dục.

Không tố giác vì nghĩ mình "hiểu lầm"


Tình huống trên được các chuyên gia tâm lý học gọi là "hiếp dâm, hành hung không được xác nhận". Một nghiên cứu của Mỹ ước tính gần 60% sinh viên nữ từng bị hiếp dâm mà không thể nhận thức được mình là nạn nhân.

Một số nghiên cứu khác cũng xác nhận 30%-88% nạn nhân từ các vụ tấn công tình dục khó ý thức được mình bị lạm dụng.

Vì thế, trong cuốn sách Rough: How Violence Has Found Its Way Into the Bedroom and What We Can Do About It của tôi, "hiếp dâm không được xác nhận" là các trải nghiệm hội tụ đầy đủ các dấu hiệu lạm dụng, tấn công tình dục nhưng nạn nhân không thể ý thức được.


60% nạn nhân cho rằng mình có trải nghiệm "ân ái tồi tệ", "không hợp với đối tác" thay vì nhận thức được mình bị cưỡng hiếp. Ảnh: Insider.


Một phân tích năm 2016 trên 6.000 phụ nữ, trẻ em gái trên 14 tuổi từng bị bạo lực tình dục chỉ ra 60% người sống sót không cho rằng mình bị "hiếp dâm", thay vào đó mô tả thành "lần ân ái tồi tệ", "nhầm lẫn".

"Sâu thẳm trong lòng, tôi biết mình bị tấn công tình dục nhưng quá sợ phải thừa nhận điều ấy suốt nhiều năm. Tôi tự trấn an: 'Mọi thứ không tệ tới vậy, nó không giống cưỡng hiếp'", Jodie, một phụ nữ trẻ, tâm sự với tôi.

Cô ấy đổ lỗi cho bản thân khi ấy quá say xỉn, không nhớ rõ sự việc. Jodie mất 5 năm để nhận ra rằng mình không có lỗi, mình chỉ là nạn nhân.

"Tôi thấy hối hận vì khi đó không tố giác anh ta. Hơn hết, tôi học được cách chấp nhận và tha thứ cho bản thân vì những gì đã xảy ra", Jodie nói.

Giáo sư Heather L Littleton, nhà tâm lý học từ ĐH Colorado (Mỹ), nói các nạn nhân có thể mất thời gian dài để nhận thức được chuyện xảy ra với mình.

"Những người có hiểu biết về pháp lý sẽ nhận thức rõ hành vi hiếp dâm. Nhưng với những cô gái ít kinh nghiệm, họ dễ nghĩ rằng chuyện xấu xảy ra là do mình hiểu lầm", bà nói.

Một yếu tố khác gây nên tình trạng này là cách phương triện truyền thông, phim ảnh khắc họa các vụ hành hung, cưỡng hiếp. Họ thường nhấn mạnh thủ phạm gây ra vụ việc là người xa lạ trong khi thực tế cho thấy 90% nạn nhân bị lạm dụng quen biết kẻ gây án.

Cần ngừng đổ lỗi nạn nhân


Thiếu giáo dục về sự đồng thuận và quan niệm sai lầm về lạm dụng tình dục có thể khiến nạn nhân khó xác định khi nào mình bị tấn công, hãm hiếp.

Nghiên cứu của Liên minh Chấm dứt Bạo lực với Phụ nữ (EVAW) chỉ ra 33% người anh nhận định phụ nữ không được coi là "bị cưỡng hiếp" nếu họ bị ép quan hệ tình dục nhưng không bị bạo hành thể xác.

Cứ 10 người thì có một cá nhân không chắc chắn hay nghĩ rằng "quan hệ tình dục với một cô gái đang ngủ hoặc say xỉn bất tỉnh nhân sự" không được quy vào hành vi hiếp dâm.


                               Vấn nạn đổ lỗi nạn nhân đóng vai trò dung túng cho tình trạng này tiếp diễn. Ảnh: The Conversation.


Hiệp hội Kế hoạch hóa Gia đình còn chỉ ra chỉ 47% người được hỏi nói có quyền rút lại ý định làm tình kể cả khi đã khỏa thân.

Thực tế, trong thời gian ngắn hạn, nạn nhân bị cưỡng hiếp không xác nhận ít chịu ảnh hưởng về sức khỏe tâm lý hơn so với những người sống sót nhận biết được tình trạng của mình. Tuy nhiên, hậu quả lâu dài có thể rất tàn khốc.

Tiến sĩ Laura Wilson, Phó giáo sư Tâm lý học tại ĐH Mary Washington (Mỹ), nhận định các cô gái bị tấn công tình dục nhưng không nhận biết được "ít có khả năng trình báo cảnh sát, quan tâm đến các dịch vụ hỗ trợ sức khỏe và có thể trở thành nạn nhân một lần nữa".

Sarah (một nạn nhân khác) nói với tôi cô mất nhiều năm để thừa nhận rằng mình bị tấn công tình dục khi còn trẻ, ở độ tuổi 16-19.

"Chỉ khi ở trong mối quan hệ tình cảm lành mạnh, tôi mới nhận ra nhiều người yêu cũ đã làm tình khi chưa được sự đồng thuận của tôi. Hầu hết sự việc có yếu tố rượu bia, ma túy xúc tác nên tôi luôn nghĩ đó là lỗi của mình", cô kể lại.

Mặt khác, tâm lý kỳ thị nạn nhân bị bạo lực tình dục có thể khiến các cô gái gặp khó khăn khi thừa nhận tình trạng của mình.

"Nhiều người sợ mọi người không tin họ bị cưỡng hiếp hay đứng về phía hung thủ, nhất là do họ có quan hệ yêu đương với người gây ra vụ việc. Họ cũng lo rằng sẽ hủy hoại cuộc đời của đối phương nếu tố giác sự việc, mà không nghĩ tới bản thân mình", giáo sư Littleton nói.

Tôi cho rằng giáo dục giới tính, bạo lực tình dục là chìa khóa nhằm ngăn chặn tình trạng trên. Ngoài ra, xã hội cũng cần quan tâm, phản ứng đúng đắn khi các nạn nhân lên tiếng.

Giáo sư Littleton cũng đồng tình. "Tôi nghĩ xã hội cần ngừng coi nhẹ vấn nạn hiếp dâm và đổ lỗi nạn nhân. Các cá nhân thực hiện hành vi phạm tội khó bị tố giác hơn nếu dư luận bao che theo cách đó".

Theo Zing