Cuộc điện thoại người đàn ông này nhận được đến từ phòng chăm sóc đặc biệt của Bệnh viện Nhân dân đại học Vũ Hán, nơi bà Trương, 84 tuổi đang nằm điều trị tại giường bệnh số 24.

Bà Trương mới được kéo lại từ tay tử thần, nhưng từ khi tỉnh lại, bà sống trong tâm trạng u uất, không nói chuyện với ai. "Chúng tôi sẽ liên lạc với gia đình bà, được chứ", một bác sĩ hỏi sau khi biết bà có tới 6 người con. Bà Trương không nói gì, chỉ nắm chặt tay bác sĩ, nước mắt lưng tròng.

Nhân viên y tế sau đó đã tìm được con trai bà đang điều trị Covid-19 tại một bệnh viện khác. Khi người đàn ông này cất giọng, bà khóc không ngừng. Ở tuổi 84, sau thời gian dài chiến đấu với virus, bà Trương không thể nhớ đầy đủ tên mình nhưng sáu đứa con, bà vẫn gọi tên từng đứa.  

Kể từ cuộc gọi vào cuối tháng 2/2020, con cái bà hỏi thăm mẹ hàng ngày. Họ nói với bác sĩ rằng 5 đứa cháu do bà Trương chăm sóc đều nhiễm nCoV, và bà đã luôn sống trong mặc cảm tội lỗi.

Các bác sĩ tại phòng chăm sóc đặc biệt Bệnh viện Nhân dân Đại học Vũ Hán chăm sóc cho bệnh nhân già mắc Covid-19. Ảnh: sohu.

Các bác sĩ tại phòng chăm sóc đặc biệt Bệnh viện Nhân dân Đại học Vũ Hán chăm sóc cho bệnh nhân già mắc Covid-19. Ảnh:sohu.

Bác sĩ Cố Quốc Vinh không thể quên lần đầu gặp bà Trương trên giường bệnh số 24. Đó là vào đầu tháng 2. Đội ngũ y tế của Bệnh viện Trung Sơn, Thượng Hải nơi ông công tác đã đến Hồ Bắc để bổ sung lực lượng cho Bệnh viện Nhân dân Đại học Vũ Hán. Ấn tượng đầu tiên của nhân viên y tế mới đến là sự yên tĩnh đến kinh ngạc.

Bệnh nhân tỉnh táo luôn im lặng, nhìn chằm chằm vào các bác sĩ đến rồi đi. Một số người cao tuổi không quần áo cử động trên giường bệnh, nước tiểu và phân vương vãi khắp ga giường. Có những tủ giường bệnh có đến 6 vỏ hộp cơm xếp chồng lên nhau, chưa được dọn dẹp. "Không khí thật chua chát và khó thở", bác sĩ Cố hồi tưởng.

Khu vực này trước là khoa thần kinh của bệnh viện, dịch bệnh bùng phát, khoa được chuyển đổi để chữa cho những bệnh nhân nặng nhiễm Covid-19. Trước khi đội y tế Thượng Hải đến, chỉ có 5 bác sĩ thần kinh, thêm 8 y tá và phải chăm sóc 40 bệnh nhân nặng trong phòng bệnh. Họ không có kinh nghiệm chăm sóc người bệnh này và thiếu các biện pháp bảo vệ. Nhân viên y tế ở đây vẫn mặc áo bảo hộ thông thường và chỉ đeo khẩu trang y tế thông thường.  

Bác sĩ Cố và đồng nghiệp đến đúng vào ngày nơi đây chuyển thành phòng chăm sóc đặc biệt, đó cũng là ngày số bệnh nhân mới đạt đỉnh điểm. Toàn bộ bệnh viện đã phải tiếp nhận thêm 200 bệnh nhân nặng và tăng lên 400 rồi 800 người trong vài ngày tiếp theo. Những ngày giữa tháng 1, riêng phòng chăm sóc đặc biệt đã phải tiếp nhận 8-9 bệnh nhân nguy kịch mỗi ngày.

Y tá trưởng của bệnh viện, Trịnh Cát Lợi là người từng đến Indonesia hỗ trợ nạn nhân sóng thần năm 2004 nói rằng: "Những thứ diễn ra ở Vũ Hán ám ảnh tôi không khác gì những xác chết tỏa ra mùi hôi thối tại bãi biển năm đó. Dù ở Vũ Hán sự khốc liệt không thể nhìn thấy hay chạm tay vào". 

Có người đàn ông 84 tuổi đang ổn định thì đột nhiên chuyển nặng rồi qua đời. Một thanh niên 31 tuổi không có biểu hiệu nặng thì đến chiều đổ mồ hôi rất nhiều và rơi vào tình trạng nguy kịch. "Ngoài việc đổ mồ hôi thì chẳng ai biết anh ta nguy kịch cả", y tá Trịnh nói. Nhân viên y tế ngay lập tức thực hiện đặt máy thở và hồi sức tích cực, may mắn người đàn ông này đã ổn định sau một tuần.

Nhiều bệnh nhân khác bị bỏ rơi trước đó. Một phụ nữ 94 tuổi được đưa tới từ viện dưỡng lão, bị lở loét khắp người, bà đã không được chăm sóc và không có gia đình để liên lạc. Một số bệnh nhân khác ngoài 60 tuổi, trên cột điền thông tin người thân đều ghi "Không có gia đình".

"Ba ngày đầu tiên chúng tôi cảm thấy tuyệt vọng vì bệnh nhân chết mỗi ngày", bác sĩ Cố hồi tưởng lại. Vào thời điểm đó, máy thở không đủ, ngay cả ống thông tiểu cũng không biết tìm ở đâu. Cánh cửa gỗ trong khu vực cách ly và phía bên ngoài bị nứt, rò khí ra ngoài, bác sĩ Cố chỉ có thể tìm được một lọ keo xịt để trám vào chỗ bị nứt.

Tình hình được cải thiện sau đó vài ngày. Quy trình kiểm soát dịch bệnh trong bệnh viện đã được triển khai, đồ ăn được cung cấp và thu dọn sạch sẽ, máy thở và ống thông tiểu cho bệnh nhân không còn quá thiếu thốn. Bệnh viện Nhân dân Đại học Vũ Hán đã trang bị cho đội ngũ y tế một số hotline, tạo điều kiện truyền thông tin từ phòng cách ly ra khu vực bên ngoài. Nhân viên y tế sau đó đã sử dụng chính số điện thoại này giúp các bệnh nhân kết nối với gia đình.

Một bệnh nhân mắc Covid-19 tại Bệnh viện Nhân dân Đại học Vũ Hán được gọi video call cho người thân sau nhiều người bị mất liên lạc. Ảnh: sohu.

Một bệnh nhân mắc Covid-19 tại Bệnh viện Nhân dân Đại học Vũ Hán được gọi video call cho người thân sau nhiều người bị mất liên lạc. Ảnh:sohu.

Với lệnh phong tỏa toàn thành phố, người nhà bệnh nhân dù có biết người thân của mình được chữa trị tại Bệnh viện Nhân dân đại học Vũ Hán cũng không thể tiếp tế. Nhân viên y tế đã phân phát cho người bệnh nhu yếu phẩm cần thiết. Một số bác sĩ nam còn tặng đồ lót cho bệnh nhân già.

Một ngày cuối tháng 1, bác sĩ Cố tặng bệnh nhân 70 tuổi một cục xà phòng thảo dược. Ngày hôm sau bệnh nhân này nói rằng ông đã không được tắm trong mười ngày. "Tôi đã dùng cục xà phòng này sát từ đầu đến chân, cảm giác bệnh giảm đi một nửa".

Nhưng bệnh nhân khác lại không có tinh thần lạc quan như thế. Một người đàn ông 87 tuổi khi tỉnh lại, câu đầu tiên nói được là muốn về nhà. "Giọng ông ấy hụt hơi, gần như cầu xin. Ông ấy muốn từ bỏ điều trị để dành thời gian cuối đời bên gia đình", bác sĩ Cố chia sẻ.

Bệnh nhân này vốn là nhạc sĩ của một dàn nhạc giao hưởng thành phố và là giáo sư âm nhạc đại học. Là một trí thức, ông không muốn làm phiền người khác như giảm chế độ ăn và số lần đi tiểu. Bữa sáng ông không đụng vào, thậm chí khi truyền xong nước biển cũng không bấm chuông gọi y tá.

Mọi việc chỉ thực sự thay đổi khi y tá Trịnh giúp ông liên lạc với người nhà. Trong phòng bệnh, nữ y tá 50 tuổi mặc quần áo bảo hộ kín mít và đeo ba lớp găng tay, phải mất một phút để cô quay số. 9h sáng một ngày cuối tháng 2, cuộc gọi đã được trả lời. Ông lão hỏi con gái đang ở đâu và mọi người trong gia đình có ổn không. Con gái khuyên ông hợp tác với các bác sĩ. "Nước mắt người đàn ông đó không ngừng rơi, tôi cũng không kìm được sự xúc động của mình", y tá Trịnh kể lại.

Sau cuộc gọi, ông lão bắt đầu ăn uống tích cực. Hiện tại ông đang hồi phục và suốt ngày ngêu ngao những bài hát nổi tiếng của Trung Quốc như "Bài ca bốn mùa" hay "Ngày nào anh trở lại". Thỉnh thoảng y tá Trịnh hỏi đùa: "Trước ông không nghe lời bác sĩ đó, nhớ không?", người đàn ông trả lời không nhớ.

Sáng sớm ngày 23/2, hotline của khoa chăm sóc đặc biệt reo tới 20 lần. Cháu gái của một bệnh nhân 78 tuổi nhắn chúc mừng sinh nhật bà. Y tá Trịnh đến giường bệnh nhân, cúi xuống nhét điện thoại vào tay, thì thầm: "Bác phải giữ chặt nhé". Người phụ nữ lớn tuổi không trả lời, hai hôm trước bà phải đặt ống nội khí quản và đang hôn mê.

Có lúc, những cuộc gọi đến là lời vĩnh biệt. Trong những ngày đầu, nhân viên y tế trong phòng chăm sóc đặc biệt biết tới tâm nguyện của một cụ ông gần 80 tuổi, muốn được nói chuyện với người nhà. Vợ ông đã chết vì dịch bệnh, con trai đang điều trị Covid-19 ở một bệnh viện khác. Sau nhiều ngày tìm kiếm, họ cũng có được số điện thoại của con gái ông cụ. Khi bác sĩ bật video call, dù mệt mỏi nhưng ông già đã tỉnh dậy ngay lúc đó. Hai ngày sau, ông qua đời trên giường bệnh.  

Những người chết trong phòng chăm sóc đặc biệt, sau khi được hỏa táng, tro cốt đều được lưu lại tại nhà tang lễ chờ người nhà đến nhận. Còn với các bác sĩ trong khoa chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện Nhân dân đại học Vũ Hán, họ cố lưu giữ những kỷ vật của người đã khuất, mong ngày trao trả lại.

Một bác sĩ cùng ngắm hoàng hôn với bệnh nhân mắc Covid- 19 tại Bệnh viện Nhân dân Đại học Vũ Hán. Ảnh: sohu.

Một bác sĩ cùng ngắm hoàng hôn với bệnh nhân mắc Covid- 19 tại Bệnh viện Nhân dân Đại học Vũ Hán. Ảnh:sohu.

Vào giữa tháng 3, khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, các bệnh viện ở Vũ Hán hoạt động bình thường. Các bệnh viện dã chiến đóng cửa, bệnh nhân nhẹ cũng được chuyển lên phòng chăm sóc đặc biệt. "Giờ tôi vẫn lo lắng, những bệnh nhân khi hồi phục luôn nghĩ mình bị bỏ rơi", bác sĩ Cố nói. Vị bác sĩ này sau đó đã nảy ra sáng kiến thành lập một nhóm chia sẻ nhằm truyền đi thông tin về bệnh nhân không có thân nhân trong khoa. Số người nhà tìm được người thân ngày càng tăng nhờ chia sẻ của ông.

Hiện một vài bệnh nhân trong khoa chăm sóc đặc biệt vẫn trong tình trạng nguy kịch. Tuần trước, y tá trưởng Trịnh Y Lợi nhận được cuộc gọi kèm theo 3 video của con trai bệnh nhân giường 14.

Người đàn ông trong video mặc bộ quần áo màu đỏ, nói: "Mẹ ơi, con biết mẹ rất mệt nhưng con mặc quần áo đỏ để cổ vũ cho mẹ. Hãy nhớ rằng chúng con luôn ở bên, mẹ nhé".

Bệnh nhân giường 14 đang được đặt nội khí quản. Bà có nghe thấy không, y tá Trịnh không rõ nhưng vẫn đi đến giường và mở từng video một. Bệnh nhân không mở mắt, nhưng y tá Trịnh thấy nhịp tim và huyết áp trên màn hình đang dần tăng nhẹ.

Theo vnexpress