leftcenterrightdel
Mẹ Robi Williams từng giúp cô giải quyết vấn đề ở chỗ làm. 

Trong một lần tới cửa hàng bán lẻ Dollar Tree ở Loganville (Georgia, Mỹ) gần đây, Robi Williams (22 tuổi) thấy một người phụ nữ đang tức giận.

“Cô ấy bước đi như thể đang thực hiện một nhiệm vụ. Hóa ra, con gái cô ấy làm thu ngân ở cửa hàng. Một vị khách đã gây khó dễ cho cô con gái và người mẹ đã xuất hiện phản ứng”.

Nhiều bậc cha mẹ đã bảo bọc con cái mình qua thời kỳ trung học, đại học và cả đại dịch Covid-19. Giờ đây, họ xuất hiện ở cả nơi làm việc của con cái.

Các nhà tuyển dụng và quản lý cho biết họ đang chứng kiến sự gia tăng các phụ huynh chen chân vào công việc của con, gọi điện cho người quản lý tuyển dụng, thay mặt con xin việc và thậm chí có mặt tại chỗ làm để giúp hòa giải các xung đột.

Giúp con xin việc, giải quyết vấn đề

Trong đại dịch, khi Williams đang làm việc tại cửa hàng phụ kiện Claire's, một người mẹ đã đến xin việc cho con gái mình. Khi đó, người quản lý không mấy ấn tượng và không gọi cô gái đó tới phỏng vấn. Theo Williams, những can thiệp như vậy không đặc biệt hữu ích. Tuy nhiên, đấng sinh thành đôi khi cũng đóng vai trò nhất định.

Khi còn là thiếu niên, làm nhân viên bán hàng, Williams từng gọi mẹ đến để giúp xoa dịu khi một khách hàng trở nên tức giận do cô vô tình làm rơi điện thoại của anh, khiến màn hình bị vỡ.

“Nhất là khi nếu một đứa con còn ở tuổi thiếu niên, cần một người bênh vực mình, cha mẹ sẽ là những người tốt nhất làm điều đó. Lúc ấy, tôi thực sự biết ơn mẹ”. 

Các chuyên gia nhân sự cho biết họ có xu hướng không đồng tình với việc cha mẹ can thiệp vào công việc của con cái như vậy và việc can thiệp quá mức có nguy cơ khiến con cái họ dường như không còn động lực hoặc trở nên quá phụ thuộc vào sự giúp đỡ từ người khác.

“Các bậc cha mẹ thực sự quan tâm đến việc con cái họ xin việc. Nhưng cái tôi cần là đứa con của họ quan tâm”, Kate Gebo, phó chủ tịch điều hành nhân sự và quan hệ lao động của United Airlines, nói.

Tại Smugglers’ Notch Resort (bang Vermont, Mỹ), điều phối viên nhân sự Sam McDowell cho biết các bậc cha mẹ không chỉ nộp đơn xin việc mùa hè thay con mà còn thường cố tham gia quan sát cả các cuộc phỏng vấn.

“Họ thường bước vào phòng phỏng vấn trước và đứa con theo sau. Đôi khi, có sự bối rối nhẹ không biết ai mới thực sự là ứng viên”, anh nói.

Một số cha mẹ thậm chí còn đi xa hơn. Mẹ của một nhân viên cứu hộ tuổi teen tại khu resort gần đây tranh luận với McDowell về việc con trai bà xứng đáng được tăng lương.

Tác động

Một số nhà quản lý tuyển dụng cho biết kể từ sau dịch Covid-19, hiện tượng cha mẹ thay mặt con nộp đơn và hướng dẫn chúng đi làm đã tăng nhanh.

Harley Johnson, người điều hành chương trình dành cho trẻ em và thanh thiếu niên tại Smugglers' Notch, cho biết trong thời kỳ đại dịch, nhiều người trẻ tuổi không có cơ hội như nhau để học cách tương tác với thế giới bên ngoài, điều này có thể là nguyên nhân khiến họ phải dựa dẫm nhiều hơn.

Cô con gái 15 tuổi của Johnson làm việc cho khu resort với tư cách là người hỗ trợ trẻ nhỏ, dù Johnson không thúc ép cô bé làm như vậy và cô không phải sếp của con gái. Tuy nhiên, Johnson cho biết cô rất vui khi thấy con mình tổ chức những bữa tiệc khiêu vũ ngẫu hứng và chơi với những người cắm trại trong hồ bơi.

Shawna Lake, nhà tuyển dụng và tư vấn hướng nghiệp ở Zionsville (Mỹ), cho biết các “cha mẹ trực thăng” - chỉ phụ huynh kiểm soát và chăm sóc con cái một cách thái quá - đã xuất hiện nhiều thập kỷ nay. Tuy nhiên, đặc biệt là do tính phổ biến của công việc từ xa, khi con cái tham gia lực lượng lao động, cha mẹ họ ngày càng ẩn nấp - thường theo nghĩa đen - ở phía sau.

leftcenterrightdel
 Johnson cố gắng không can thiệp vào công việc của con ở chỗ làm thêm. 

Lake lưu ý rằng đại dịch đã khiến nhiều người trẻ tuổi phải chuyển về sống với cha mẹ và sau đó tiếp tục ở lại. Hơn một nửa số người trưởng thành ở Mỹ trong độ tuổi 18-24 tuổi sống ở nhà của cha mẹ vào năm 2022, theo dữ liệu điều tra dân số.

Lake cũng nhận thấy ngày càng có nhiều ứng viên hỏi ý kiến cha mẹ về việc thỏa thuận mức lương, đãi ngộ hay có nên chấp nhận lời mời làm việc ngay từ đầu hay không.

“Họ thường gọi và bảo: ‘Mẹ tôi không nghĩ đó là một ý kiến hay’”, Lake kể.

leftcenterrightdel
 Malik Williams biết ơn khi mẹ quan tâm, hỗ trợ trong chuyện tìm chỗ thực tập.

Trong các cuộc phỏng vấn qua Zoom với ứng viên, đôi khi cô ấy thấy các bậc cha mẹ lấp ló ở cuối phòng, thậm chí thì thầm với con nên nói, hỏi về điều gì.

Khi còn là sinh viên, Malik Williams (25 tuổi) rất cảm kích khi được mẹ giúp nộp đơn xin thực tập. Vào thời điểm đó, anh đã đăng ký hàng trăm nơi và cảm thấy muốn bỏ cuộc. Dù sự hỗ trợ của mẹ không đem lại kết quả, anh vẫn biết ơn vì sự khích lệ.

“Sự quan tâm mới là điều đáng giá”, chàng trai chia sẻ. Anh hiện sống ở Raleigh (North Carolina, Mỹ) và tự xin được vị trí tại một tập đoàn công nghệ thông tin.

Kylie Bayer, làm việc trong bộ phận nhân sự cho một công ty cấp nước ở Beaverton (Oregon, Mỹ), cho biết công ty cô từng nhận được các cuộc gọi từ phụ huynh hỏi về việc làm cho con cái. Cô đồng cảm với bản năng giúp đỡ con cái của họ, nhưng cho rằng cha mẹ đang làm thui chột khả năng tự lập của con mình.

“Hãy để con cái tự giải quyết. Họ sẽ phải làm điều đó cả đời”, cô nói.

Can thiệp quá nhiều còn có thể phản tác dụng theo nhiều cách khác. Houston Wade (42 tuổi, sống tại Seattle, Mỹ) từng gặp trường hợp cha mẹ của một đồng nghiệp gọi điện cho người quản lý, yêu cầu sắp xếp lại ca làm việc của con trai bà để anh có thể xem các trận đấu bóng đá vào chủ nhật. Cuối cùng, tin tức lan truyền, cậu con trai trở thành trò cười và lịch làm việc vẫn như cũ.

Theo zingnews