Lều trú ẩn thành phòng phẫu thuật

Xung quanh các cơ sở y tế - những nơi được bảo vệ theo luật nhân đạo quốc tế - các gia đình đã dựng nên những chiếc lều với các bức tường vải. Những chiếc lều này xuất hiện ở hành lang bệnh viện, bãi đậu xe và sân. Bên trong lều, các gia đình vẫn tiếp tục các sinh hoạt hàng ngày và cố gắng thiết lập lại cảm giác bình thường.

Một đứa trẻ Palestine ôm em mình sau khi phải sơ tán và trú ẩn tại Bệnh viện Nasser ở Khan Younis, Gaza [Mohammed Salem/Reuters]
Một đứa trẻ Palestine ôm em mình sau khi phải sơ tán và trú ẩn tại Bệnh viện Nasser ở Khan Younis, Gaza

 

Những chiếc lều này xuất hiện chỉ vài ngày sau ngày 7/10. Nó không chỉ là nơi trú ẩn tạm thời cho những người thoát khỏi cái chết mà còn là phòng phẫu thuật tạm thời và phòng cấp cứu khi số người chết ở Palestine tăng cao (hơn 9.300 người).

Trong bệnh viện, phụ nữ và trẻ em chiếm đa số. Với họ, sự riêng tư giờ là một ký ức xa vời. Trong khi đó, thức ăn, nước sạch và nhà vệ sinh bị hạn chế nghiêm ngặt. Họ chỉ được dùng 1, 2 lần một ngày.

Một gia đình 7 thành viên đang co cụm trong lều nói: “Chỉ qua một đêm, từ khi có tất cả, giờ chúng tôi chẳng còn gì”.

Những người trú tạm ở bệnh viện đang phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm và tiếp xúc với hóa chất độc hại.

Các cơ sở y tế trên khắp Gaza lâm vào tình trạng thiếu thiết bị y tế, khiến chất lượng chăm sóc sức khỏe xuống cấp nhanh chóng.

Nhân viên y tế bị khủng hoảng sức khỏe tâm thần 

Xung đột tiếp diễn cũng làm gia tăng mối lo ngại về sức khỏe tinh thần và thể chất của nhân viên y tế, bao gồm bác sĩ, y tá, nhân viên hành chính và đội cứu hộ.

Vì phải làm việc suốt ngày đêm, một số người đang kiệt sức tột độ. Những người khác đang phải chịu đựng tâm lý mệt mỏi khi phải điều trị những vết thương khủng khiếp.

Những người Palestine bị thương nằm nghỉ trong căn lều dựng bên ngoài bệnh viện ở khu vực Deir el-Balah thuộc miền trung Dải Gaza vào ngày 16 tháng 10 [Ảnh Adel Hana/AP]
Những người Palestine bị thương nằm tạm trong căn lều dựng bên ngoài bệnh viện ở khu vực Deir el-Balah thuộc miền trung Dải Gaza

 

Y tá Huda Shokry từ Khu liên hợp y tế Al-Daraj cho biết: “Chúng tôi có trách nhiệm làm giảm bớt căng thẳng và chấn thương cho những người bệnh và bị thương, nhưng giờ đây chúng tôi đang bế tắc khi cơ thể và tinh thần trở nên kiệt quệ".

Tiến sĩ Ahmed Ghoul, người giám sát phòng cấp cứu tại Al-Daraj, nói rằng từ khi xung đột xảy ra, các nhân viên y tế không còn biết gì ngoài bệnh nhân, người chết, máu và nước mắt. "Chúng tôi không rời khỏi phòng của mình, dù ngày hay đêm, ngoại trừ những lúc đi vệ sinh nhanh chóng. Chúng tôi đã quên mất các ngày trong tuần vì thứ chúng tôi quan tâm nhất là hàng ngàn người bị thương".

Làm việc đến kiệt sức nhưng bác sĩ cũng không có chỗ để ngủ. Phòng riêng của họ đã được trưng dụng làm khu điều trị bệnh nhân. Giường của họ được dùng để phẫu thuật và chăm sóc cấp cứu.

“Chúng tôi ngày càng mệt mỏi. Chúng tôi mất đi cảm giác sợ hãi và kiệt sức. Không thể duy trì được tâm lý hay thậm chí là cảm xúc bình thường" - Shokry nói.

Tràn ngập bệnh nhân trẻ em

Hàng giờ, tại các bệnh viện liên tục có người bị thương được đưa đến. Phần lớn là trẻ em. Trong những gương mặt đầy bụi đất, khi được đến các bệnh viện nhân viên y tế khó mà phân biệt được em nào còn sống, em nào đã chết.

Những cơ thể nhỏ bé nằm bất động dưới sàn bệnh viện.

Trên nền gạch, các bác sĩ cố gắng ngăn dòng máu chảy ra từ đầu một cậu bé. Bên cạnh cậu là đứa em nhỏ với chiếc mặt nạ dưỡng khí đeo trên người, phủ đầy tro, ngực em co thắt trong từng hơi thở. Cha của 2 cậu bé ngồi bên cạnh. Ông hét lên: "Chúng là trẻ con. Con cái chúng tôi chết mỗi ngày”.

Lực lượng cứu hộ Palestine cố gắng kéo một cậu bé bị thương ra khỏi đống đổ nát của tòa nhà bị phá hủy sau cuộc không kích của Israel tại trại tị nạn Bureij, Dải Gaza, hôm thứ Năm. (AP- Yonhap)
Lực lượng cứu hộ Palestine cố gắng kéo một cậu bé bị thương ra khỏi đống đổ nát của tòa nhà bị phá hủy

 

Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, đã có gần 3.900 trẻ em và trẻ vị thành niên Palestine thiệt mạng. Các vụ đánh bom đã khiến hơn một nửa trong số 2,3 triệu người dân ở Dải Gaza phải rời bỏ nhà cửa, trong khi thực phẩm, nước và nhiên liệu cạn kiệt còn số người chết dự kiến tăng lên từng ngày.

Theo phụ nữ TPHCM