Cuộc giao tranh kéo dài gần 1 tháng giữa Israel và các tay súng Hamas đang chứng kiến tốc độ trẻ em thiệt mạng nhanh hơn hầu hết các cuộc xung đột vũ trang khác trong thập niên qua. 

Số trẻ em thiệt mạng cao chưa từng có

Về phía Israel, Liên Hiệp Quốc cho biết hơn 30 trẻ em đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Hamas. Trong khi đó, tính đến ngày 30.10, các báo cáo cho biết đã có 3.542 trẻ em Palestine ở Dải Gaza mất mạng vì giao tranh. 

Con số nêu trên tương đương 41% trong số 8.525 người Palestine đã thiệt mạng ở Gaza. Theo tờ Business Insider, tỷ lệ này vượt quá tất cả các cuộc xung đột vũ trang khác gần đây khác, bao gồm chiến sự ở Ukraine.
Những con số nhói lòng về trẻ em thiệt mạng do xung đột Hamas-Palestine - Ảnh 1.

Một bé trai người Palestine khóc ngất sau khi một khu tị nạn ở Jabalia, phía bắc Dải Gaza, bị tấn công hôm 2.11

REUTERS

Cụ thể hơn, thống kê của tổ chức nhân đạo quốc tế Save The Children (Anh) cho thấy số trẻ em chết ở Gaza trong 3 tuần đầu giao tranh đã vượt qua tổng số trẻ thiệt mạng ở tất cả khu vực xung đột toàn cầu kể từ năm 2019. Theo Liên Hiệp Quốc, ngay cả những quốc gia có xung đột dai dẳng như Syria và Yemen cũng không ghi nhận số trường hợp trẻ em thiệt mạng lớn như vậy.

Hơn nữa, giao tranh đã ảnh hưởng khá lớn đến việc kiểm đếm số người chết, do đó, Liên Hiệp Quốc ước tính con số tổn thất thật sự có thể còn lớn hơn nhiều.

Đâu là nguyên do?

Các chuyên gia nói với Business Insider rằng có 3 nguyên nhân chính góp phần làm tăng số trẻ em chết do xung đột ở Gaza: Địa lý, nhân khẩu học, và một cuộc không kích không ngừng nghỉ

Theo đó, nhân khẩu học và địa lý đóng vai trò rất quan trọng khi gần một nửa trong số 2,1 triệu cư dân của Gaza có độ tuổi từ 18 trở xuống. Ngoài việc là một trong những khu vực có mật độ dân cư đông đúc nhất thế giới, địa hình của Gaza hầu như bằng phẳng, khiến mọi nơi đều có thể dễ dàng trở thành mục tiêu bị tấn công.

Bên cạnh đó, các tay súng Hamas được cho là đang hoạt động cả bên trên mặt đất, lẫn bên trong những đường hầm ở những khu vực đông dân cư nhất. Điều này khiến rủi ro cho dân thường cao vượt bậc.

Những con số nhói lòng về trẻ em thiệt mạng do xung đột Hamas-Palestine - Ảnh 2.

Một đứa trẻ Palestine xếp hàng ở lấy nước uống

REUTERS

Còn theo ông Omar Shakir, giám đốc nghiên cứu về Israel và Palestine của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Mỹ), chiến lược tấn công liên tục, không ngừng nghỉ của Israel ở Gaza càng khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Ông Shakir cho biết việc trú ẩn trong các trại tị nạn, trường học và bệnh viện do Liên Hiệp Quốc điều hành đang tạo ra nguy cơ gây thương vong cho dân thường lớn hơn, bởi đây chính là những khu vực tập trung nhiều người nhất.

Trong các cuộc tấn công ở Gaza trước đây, Israel đôi khi cảnh báo dân thường bên trong các tòa nhà mục tiêu bằng các cuộc gọi điện thoại, truyền đơn hoặc bằng cách triển khai các loại đạn có hiệu suất thấp. Tuy nhiên, việc cảnh báo như thế này vào thời điểm hiện tại hầu như không khả thi.

Ngày 13.10, Israel ban hành lệnh sơ tán tới 1,1 triệu cư dân ở phía bắc Gaza, yêu cầu họ di chuyển về phía nam. Tuy nhiên, những người đồng ý di dời đến phía nam cũng không thoát khỏi mối đe dọa từ các cuộc không kích, khi nhiều máy bay của Israel tiếp tục nhắm mục tiêu vào miền nam Gaza sau lệnh sơ tán. 

Vết hằn trong tâm trí 

Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), tổ chức kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức vài ngày trước khi Israel mở rộng các hoạt động trên bộ ở Gaza, cho biết số trẻ em thiệt mạng "đáng kinh ngạc" là "vết nhơ ngày càng lớn trong lương tâm của chúng ta".

Bà Tahani Mustafa, nhà phân tích cấp cao về Palestine tại Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (Bỉ) cho biết số người chết cao, thương tích và tàn tật là điều mà những đứa trẻ vô tội không đáng để nhận được. Những trẻ em sống sót đều phải hứng chịu những tổn thương tâm lý và nỗi đau thể xác dai dẳng.

"Bọn trẻ đang chứng kiến toàn bộ thế giới của mình bị hủy diệt. Trước lệnh phong tỏa do Israel áp đặt, viện trợ thực phẩm và nước uống vào Gaza đã bị gián đoạn một thời gian. Nhiên liệu cũng tiếp tục bị cắt. Trẻ em đang phải chứng kiến cách mọi người phải cất giữ thi thể, kể cả trong xe chở kem", bà Mustafa nói.

Theo tờ The New York Times, bạo lực ở khu vực bắt nguồn từ sự bất bình chính trị của nhiều thế hệ người Palestine, những người mà cuộc sống của họ bị quyết định bởi những đợt giao tranh quân sự không hồi kết. Do đó, những đứa trẻ sống sót sau cuộc tấn công dữ dội này sẽ càng trở nên cực đoan hơn thế hệ đi trước và vòng lặp sẽ trở nên vô tận nếu không có giải pháp chính trị.

Theo Thanh niên