Biến đổi khí hậu không chỉ khiến người dân ở nhiều nơi của Ấn Độ đối mặt với tình trạng nắng nóng, mùa hè đến sớm mà còn đặt lên vai phụ nữ gánh nặng lấy nước cho gia đình. Khi nguồn nước trở nên khô hạn, phụ nữ phải đi bộ một quãng đường xa để lấy nước. Tuy nhiên, ngoài việc phải dậy từ sáng sớm và mất hàng giờ đồng hồ đi lấy nước, điều này còn có tác động đến cả hôn nhân của người dân ở một số ngôi làng Ấn Độ.

Cưới thêm vợ để có người lấy nước

Với đàn ông ở làng Denganmal, tây Maharashtra, cách thủ phủ Mumbai của bang Maharashtra (Ấn Độ) khoảng 185 km, việc đàn ông có nhiều vợ là chuyện bình thường. Làng Denganmal nằm trên địa hình núi đá, không có đường ống dẫn nước đến các hộ gia đình và thường xuyên gặp hạn hán trong những tháng mùa hè nóng nực. Nguồn nước duy nhất ở làng là đập Bhatsa, với khoảng thời gian đi và về là 12 tiếng đồng hồ. Đây là một chặng đường gian khổ, khiến phụ nữ không có thời gian cho việc nhà.

Do thiếu nước, đàn ông ở đây theo chế độ đa thê chỉ để đảm bảo gia đình có đủ nước sử dụng. Hầu hết họ là nông dân, thường làm việc ngoài đồng còn vợ thì quán xuyến nhà cửa, nấu nướng, dọn dẹp và giặt giũ. Vào những tháng mùa hè, nắng nóng gay gắt khiến giếng cạn nước, gia súc chết và không có nước dùng cho sinh hoạt hằng ngày. Trong khi đó, phụ nữ không thể dành cả nửa ngày để lấy nước mà không lo việc nhà cửa hay con cái. Vì vậy, đàn ông sẽ lấy nhiều hơn một vợ để có người đi lấy nước cho gia đình, và thậm chí một số người có tới 4 vợ.

Vào mùa hè, phụ nữ đi lấy nước rời nhà lúc mặt trời mọc, mang theo hai chiếc bình rỗng trên đầu, mỗi bình chứa khoảng 15 lít nước. Họ đi bộ qua các cánh đồng và đường bùn, băng qua đồi núi, đến một con sông để lấy nước. Sakharam Bhagat, một người đàn ông làm thuê ở trang trại, đã kết hôn ba lần và cũng là gia đình có nhiều người nhất trong làng. Bhagat cưới vợ thứ hai và thứ ba để đảm bảo rằng gia đình có nước để uống và nấu ăn. Ông cho biết: "Tôi cần người đi lấy nước và kết hôn lần nữa là lựa chọn duy nhất. Người vợ đầu tiên lo việc chăm con, khi vợ thứ hai bị ốm và không thể đi lấy nước nên tôi kết hôn với người thứ ba".

Những cuộc hôn nhân từ nước - Ảnh 1.

Trẻ em gái ở làng Dandichi Bari, bang Maharashtra, miền tây Ấn Độ, đổ nước vào chậu - Ảnh: AN

Không có nước, không thể cưới vợ

Trong khi đó, ở làng Dandichi Bari, cũng thuộc bang Maharashtra, cuộc khủng hoảng nước không chỉ khiến phụ nữ vất vả lấy nước từ sáng sớm mà còn kết thúc hy vọng cưới vợ của đàn ông độc thân khi phụ nữ từ làng khác không muốn kết hôn với họ.

Người dân Dandichi Bari sống phụ thuộc vào nông nghiệp trong mùa mưa và làm việc theo hợp đồng vào mùa hè. Đồng ruộng khô cạn và cái nóng như thiêu đốt khiến khu vực này rất khó làm ăn sinh sống. Phụ nữ phải đi bộ xuống nguồn nước, trước khi mặt trời mọc và sau khi mặt trời lặn, để lấy nước về nhà vì giếng làng đã cạn nước. Mohna Bai Wagmare, 60 tuổi, nói: "Cuộc sống thật khó khăn đối với phụ nữ ở ngôi làng này. Mỗi sáng chúng tôi lấy nước lúc 4 giờ và trở về sau một tiếng rưỡi với những chậu nước. Chúng tôi cũng làm như vậy vào buổi tối". Bà Wagmare chuyển đến làng Dandichi Bari bốn thập kỷ trước, sau khi kết hôn với một người địa phương.

Tuy nhiên, do vấn đề thiếu nước, những cuộc hôn nhân với người ngoài làng ngày càng trở nên hiếm hoi. Nước là vấn đề lớn nhất. Nhiều thanh niên trong làng chật vật khi muốn lấy vợ ở những làng khác. Nitin, một chàng trai độc thân trẻ tuổi đang tìm vợ, nói rằng nam giới trong làng có thể mất ít nhất ba năm để tìm được vợ. "Ngôi làng mang tai tiếng về cuộc khủng hoảng nước và nhiều cha mẹ từ các làng lân cận phản đối việc cho con gái lấy chồng ở làng Dandichi Bari". Trong khi quan chức địa phương phủ nhận việc hôn nhân trong làng đang sụt giảm, nhà hoạt động địa phương Ramesh Thorat nhận định làng đã gặp "các vấn đề xã hội" ít nhất kể từ năm 2014, khi một cô dâu bỏ trốn khỏi Dandichi Bari. Ông nói: "Một cô dâu mới cưới rời làng chỉ hai ngày sau khi kết hôn khi trải qua cơn khủng hoảng nước nghiêm trọng. Không có gì thay đổi nhiều sau đó".

Trước những vấn đề nảy sinh do thiếu nước, chính quyền địa phương đã vào cuộc vào năm ngoái và cung cấp một bồn nước để khiến làng vượt qua những tháng nóng nhất. Tuy nhiên, dân làng nói rằng bồn nước chỉ cung cấp đủ nước cho ăn uống, không đủ để đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt hằng ngày khác.

Kim Ngọc