Câu chuyện của Tami Weissenberg với tư cách là một nạn nhân bị lạm dụng và bạo hành bắt đầu từ một quan niệm sai lầm quen thuộc của cánh đàn ông: "Cô ấy thật yếu đuối. Tôi có thể là vị cứu tinh của cô ấy". Đó là những gì Tami Weissenberg nghĩ khi lần đầu gặp người phụ nữ sau này trở thành bạn gái của anh.

               Một nạn nhân của bạo lực gia đình ở Hà Lan đang được chăm sóc y tế. Ảnh: Holland Family Law.

Người phụ nữ, khi đó đã kể cho anh nghe về việc cô đã bị đánh đập như thế nào, không hạnh phúc như thế nào trong mối quan hệ cũ. Tami vô cùng xúc động. Anh muốn giúp cô, muốn chứng minh cho cô thấy rằng không phải tất cả đàn ông đều giống nhau, và rằng có những người đàn ông thực sự quan tâm và chu đáo. "Tất cả những gì cô ấy nói hóa ra chỉ là một vở kịch được thiết kế để giành được sự tin tưởng của tôi", Weissenberg nhớ lại. Đó là sự khởi đầu của một mối quan hệ kéo dài sáu năm đau khổ đến tuyệt vọng.

Weissenberg là một người đàn ông tự tin, cao lớn. Anh kể câu chuyện của mình với một giọng điệu bình tĩnh và thận trọng. Anh và bạn gái đã dọn đến ở cùng nhau. Anh ủng hộ cô cả về tình cảm và tài chính. Không chỉ ở chung một căn hộ, họ còn cả tài khoản ngân hàng, cuộc sống gần như hoàn toàn phụ thuộc vào nhau.

Và sau đó mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.

"Mọi chuyện bắt đầu lần đầu tiên khi chúng tôi đi nghỉ. Chúng tôi đã đặt một khách sạn không đáp ứng được mong đợi của bạn gái tôi, thế nên cô ấy từ chối thanh toán", Weissenberg nhớ lại. "Cô ấy muốn tôi nói với người quản lý rằng chỗ của anh ta là một bãi rác. Nhưng tôi từ chối và ra xe trước. Khi lên xe, cô ấy bắt đầu tát vào đầu, vào mặt tôi... ", người đàn ông kể.

Sau sự việc, bạn gái cố gắng biện minh cho việc làm của mình bằng cách kể về tuổi thơ không tình yêu, bị đánh đập... Và Tami lại bị thuyết phục.

Nhưng Weissenberg ngày càng khốn khổ. "Tôi cảm thấy mình giống như một người hầu luôn phải làm mọi thứ ổn thỏa", anh nhớ lại. "Nếu tôi không làm hài lòng cô ấy, đó sẽ là một cú đánh vào đầu. Quy tắc là: Hãy làm đúng và làm hài lòng cô ấy, nếu không sẽ có rắc rối!".

Trong những lần bị đánh, anh không có cách nào tự bảo vệ mình và cũng không đánh trả. Trong nhiều năm, anh hy vọng rằng cô sẽ nhận ra lỗi của mình. Tuy nhiên, theo thời gian trôi đi, bạn gái kiểm soát tất cả các mối quan hệ xã hội của anh.

Câu chuyện của Weissenberg tương tự như câu chuyện của khoảng 26.000 người đàn ông trong danh sách nạn nhân của bạo lực gia đình tại Đức được thống kê trong vòng một năm. Số liệu chính thức của Đức cũng cho thấy gần 20% nạn nhân của bạo lực gia đình là nam giới.

Elizabeth Bates - nhà nghiên cứu tại Đại học Cumbria (Anh) cho biết, xã hội không thừa nhận rằng cũng có những người đàn ông dễ bị tổn thương, những người đàn ông là nạn nhân của bạo lực gia đình. Cô chia sẻ: "Chuyện đàn ông bị bạo lực đôi khi được miêu tả trên TV hoặc trong các chương trình hài, với bối cảnh hài hước. Chúng ta có thể cười nhạo bạo lực của phụ nữ với nam giới, và điều này vô tình ngăn cản nam giới tìm kiếm sự giúp đỡ, xuất phát từ nỗi sợ rằng không ai tin họ".

Nghiên cứu của Bates cho thấy, do cách nhìn nhận của xã hội, nam giới khó coi mình là nạn nhân của bạo lực gia đình. Trên thực tế, điều này có thể khiến các nạn nhân nam phải trả một cái giá rất lớn: "Tất cả các nạn nhân đều mô tả các vấn đề sức khỏe thể chất và tinh thần lâu dài do bạo lực mà họ đã phải gánh chịu", Bates giải thích.

Theo một nghiên cứu thí điểm hồi năm 2004 của Bộ Các vấn đề gia đình của Đức, cứ 6 người đàn ông thì có một người cho biết anh ta đã bị bạn tình bạo hành. 10% trong số đó cho biết bị tát, bị đá hoặc bị ném đồ vật vào người. Phổ biến nhất là các báo cáo về sự bạo lực tinh thần. Đồng tác giả của nghiên cứu - Ralf Puchert - cho biết: "Đối tác có thể cắt đứt các liên lạc xã hội và kiểm soát, làm nhục hoặc xúc phạm nạn nhân. Trong các mối quan hệ, nam giới có thể ít bị bạo lực nghiêm trọng so với phụ nữ. Tuy nhiên, đó hoàn toàn không phải là vấn đề của chỉ một vài trường hợp cá biệt".

Tami Weissenberg nói rằng những cú đánh mà anh hứng chịu không phải là thứ tồi tệ nhất. "Một ngày nọ, cô ấy đứng trước mặt tôi, sau đó cởi áo choàng tắm và khỏa thân. Sau đó, cô ấy bắt đầu tự đánh mình, cào cấu mình và hét lên: Dừng lại! Đau!. Tôi đứng trước mặt cô ấy, bất động và tự hỏi bản thân: Chuyện gì xảy ra thế này? Sau đó, cô ấy kết thúc cuộc tự tấn công, mặc lại áo choàng tắm, trước khi rút một chiếc máy ghi âm nhỏ ra khỏi túi".

Bạn gái đe dọa sẽ tống tiền Tami nếu anh nói với bất kỳ ai về hành vi bạo lực của cô. Tami cảm thấy tê liệt: "Tôi không dám bước ra khỏi ranh giới. Tôi rất sợ bị mất thể diện trong xã hội, bị mất nghề nghiệp, bị coi là thủ phạm".

Nam giới là nạn nhân của bạo lực gia đình xảy ra ở hầu hết các nước trên thế giới. Ảnh minh họa: Shutterstock.

Các số liệu cho thấy nam giới trên toàn cầu cũng có trải nghiệm tương tự. Thống kê ở Mexico cho thấy khoảng 25% số nạn nhân của bạo lực gia đình là nam giới. Ở Kenya, Nigeria hay Ghana, nạn thất nghiệp và nghèo đói thường xuyên gây ra các vụ tương tự.

Tại Đức, từ đầu năm 2020, đường dây trợ giúp đầu tiên dành cho các nạn nhân nam đã đi vào hoạt động. Hàng chục người đàn ông gọi đến mỗi tuần, hy vọng nhận được sự giúp đỡ mà họ cần. Giống như Weissenberg, họ đều ở trạng thái tuyệt vọng.

Nhà tội phạm học người Anh Antony Whitehead nhận định: "Đàn ông lớn lên trong những xã hội mà chủ nghĩa anh hùng là một khía cạnh quan trọng của bản lĩnh đàn ông. Các nhà nghiên cứu và nhà trị liệu tập trung vào trải nghiệm của nam giới đồng ý rằng trước tiên họ phải được giải phóng khỏi ngục tù của những hình ảnh truyền thống về những gì đàn ông mong đợi. Sau đó, họ phải học rằng họ không đơn độc".

Tami Weissenberg - nhân vật chính của câu chuyện - đã tự giải thoát cho mình. Trong một lần, anh đã quyết định không về nhà nữa. Anh đã tự giúp mình thoát khỏi một mối quan hệ độc hại. Hiện, anh thành lập một nhóm tự lực tên gọi Weissenberg, chuyên cung cấp các dịch vụ tư vấn cho nam giới trong các tình huống khủng hoảng và không có nơi an toàn để nương tựa.

Bản thân anh cũng đã có một mối quan hệ mới. Dù vậy, anh không muốn phỉ báng đối tác cũ. Cả hai cũng không cắt đứt liên lạc. "Cô ấy đã phải trải qua quá nhiều mất mát, sự chối bỏ. Và ước mơ của cô ấy là bù đắp điều đó bằng vật chất. Cô ấy luôn cần được ngưỡng mộ. Đó là một kiểu nghiện ngập. Và điều đó giải thích tại sao cô ấy rất sợ mất đi những gì mình có" anh nói.

Theo vnexpress