22h tối thứ 6, ngày 29/1/2016, Esther Beadle, nhà báo của Oxford Mail, rời khỏi nhà riêng ở Cowley, cách trung tâm Oxford khoảng một giờ đi bộ. Ngày hôm sau, cô không đến gặp người bạn ở London như đã hẹn.

Trong vòng vài giờ, có hàng trăm tweet nói về Esther cùng những dòng mô tả chi tiết hình dáng, hoạt động cuối cùng trước khi cô biến mất với mục đích kêu gọi sự hỗ trợ tìm kiếm của cộng đồng mạng.

Thế nhưng, Esther hoàn toàn không vô tình mất tích. Cô thực sự chỉ muốn biến mất trong chốc lát để được nghỉ ngơi và có không gian, thời gian riêng cho bản thân.

"Trong mắt tôi, những người xung quanh mới thực sự là đối tượng đang biến mất. Tôi loại bỏ bản thân khỏi mọi thứ để đẩy thế giới ra xa", Esther nói.

Nhiều người chủ động biến mất để thoát khỏi áp lực, gánh nặng cuộc sống, chạy trốn các vấn đề sức khỏe tâm thần. Ảnh: The Guardian.


Mỗi năm, khoảng 180.000 người mất tích được báo cáo tại Anh. Con số này trên thực tế còn có thể cao hơn. Công chúng thường quan tâm đến những câu chuyện biến mất với tình tiết kinh hoàng như các vụ bắt cóc, sát hại...

Thế nhưng có vô số lý do để một người mất tích. Bên cạnh những trường hợp bị động, không ít người đang chủ động mất tích trong nỗ lực xem xét, kiểm soát cuộc đời dần trượt dốc của bản thân.

Tuy nhiên, sự kiểm soát này thường chỉ là ảo tưởng. Khi một người mất tích, hình ảnh và thông tin của họ sẽ xuất hiện khắp nơi trên mạng xã hội, trong khi đó bối cảnh, sự phức tạp đằng sau câu chuyện của họ lại bị bỏ qua.

"Khuôn mặt tôi ở khắp mọi nơi"


Francisco Garcia, cây bút của tờ The Guardian, gặp Esther Beadle vào một buổi chiều u ám ở trung tâm thành phố Newcastle.

Sau câu chuyện về nỗ lực bỏ thuốc lá, Esther nói rằng cuộc sống của cô bây giờ khác rất nhiều so với "những ngày điên dại" mong muốn được biến mất. Nữ nhà báo khỏe mạnh, vui vẻ và đang dạy các sinh viên thạc sĩ báo chí tại Đại học Newcastle.

Vào ngày quyết định biến mất 5 năm trước, Esther đã rút 150 bảng Anh. Cô lên đường tới London, nơi bản thân từng theo học đại học, và đặt một phòng khách sạn.

                         Hình ảnh của Esther Beadle tràn ngập mạng xã hội khi cô cố tình mất tích vào năm 2016. Ảnh: Twitter.


Đến chiều thứ 7, người bạn cô hẹn gặp nhưng không đến đã cảm thấy điều gì đó bất thường. Người này ngay lập tức đưa tin lên mạng xã hội.

Một ngày sau đó, Esther phát hiện tên, khuôn mặt, các chi tiết cá nhân của cô ở khắp nơi trên Facebook và Twitter. Mọi người bắt đầu suy đoán về việc cô gái 27 tuổi đang ở đâu và tại sao cô lại rời đi.

"Bạn có từng gặp người phụ nữ này không? Tóc đỏ, đeo kính và nói giọng Geordie (một phương ngữ tiếng Anh)". Những dòng mô tả đó khiến Esther có cảm giác cả cuộc đời mình đang được liệt kê bởi những gạch đầu dòng.

"Tôi đã lên kế hoạch trốn trong phòng khách sạn nhưng rồi mạng xã hội gần như nổ tung. Khuôn mặt của tôi và suy nghĩ của mọi người về tôi đã được chia sẻ trên khắp nước Anh, thậm chí còn hơn thế".

Esther nói chỉ muốn ở một mình, nhưng đó không phải là cảm giác cô đơn. Điện thoại của cô gần như cháy máy bởi những tin nhắn và cuộc gọi hoảng loạn từ gia đình, họ hàng, bao gồm cả giáo viên Địa lý năm lớp 9 của cô và cả những người lạ.

Esther không bắt máy. Đến chiều chủ nhật ngày 31/1, cô tới Bệnh viện St Thomas và đề nghị gặp đội ngũ xử lý khủng hoảng sức khỏe tâm thần. Giai đoạn mất tích của nữ nhà báo cũng chấm hết ở đó.

Không phải ai mất tích cũng muốn được tìm thấy


Có nhiều nguyên nhân khiến một người cố tình biến mất. Nhưng 80% trong số này đều gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Sau khi trở về, Esther được chẩn đoán mắc chứng rối loạn nhân cách ranh giới (BPD), một bệnh tâm lý còn được gọi là rối loạn nhân cách tâm trạng không ổn định. Người mắc BPD thường cảm thấy trống rỗng, sợ bị bỏ rơi, tách rời với thực tại và có những phản ứng cảm xúc dữ dội.

"Vào ngày mất tích, tôi không muốn ai biết tôi sẽ đi đâu. Tôi chỉ biết rằng bản thân phải đi thật xa".

85% người lớn và 90% trẻ em mất tích trở về sau hai ngày. Tuy nhiên, trái ngược với sự quan tâm lúc đầu, ngày trở về hiếm khi được thảo luận. Esther ủng hộ việc phỏng vấn những người trở về để tìm hiểu nguyên do của việc cố tình mất tích cũng như tránh sự việc tương tự trong tương lai.

Hầu hết nhân vật mà nhà báo Francisco Garcia từng phỏng vấn bao gồm chuyên gia tâm lý, cảnh sát, học giả... đều thừa nhận rằng một khi đã tìm thấy, chẳng ai còn quan tâm đến câu chuyện của người mất tích nữa.

  Một khi được tìm thấy, người tự biến mất ít khi được quan tâm, hỗ trợ giải quyết các vấn đề sức khỏe tâm thần. Ảnh: Shutterstock.


Những người trở về hiếm khi được hỗ trợ về mặt tinh thần và phải tự mình đối phó với gia đình và bạn bè - những người vì lo lắng mà rất có thể chuyển sang oán giận.

Và cũng không có chương trình, đơn vị nào đứng ra giúp người mất tích đối diện với cú sốc khi thấy hình ảnh, thông tin cá nhân của mình phát tán, bóp méo khắp mạng xã hội mà không được đồng ý.

Báo cáo năm 2017 của Đại học Portsmouth về tác động của việc công khai thông tin trẻ em mất tích chỉ ra trường hợp một thiếu niên đã trở về được hai năm rưỡi vẫn bắt gặp các bài viết nói về chuyện bỏ nhà của mình. Tiến sĩ Karen Shalev Greene, đồng tác giả báo cáo, cho rằng mạng xã hội là con dao hai lưỡi.

"Các gia đình sử dụng mạng xã hội để tìm kiếm đứa trẻ mất tích vì họ đã quá tuyệt vọng, nên không thể bận tâm tới những mối nguy khác".

Vài tuần sau khi trở về, Esther quyết tâm tìm kiếm một số phương pháp hỗ trợ sức khỏe tinh thần. "Từ rất được quan tâm, nay tôi lại cảm giác mình không còn gì. Có những ngày tôi nằm lỳ trên giường đến 16h mà không buồn xỏ giày đi ra ngoài".

Sau hơn 5 năm, Esther vẫn không thể nói rõ lý do khiến cô quyết định biến mất ngày đó. Kết thúc buổi trò chuyện với Francisco Garcia, cô chỉ khẳng định một điều: Không phải ai biến mất cũng muốn được tìm thấy.

Theo Zing